Tinh hoa Việt

Mùa xuân và tuổi trẻ

TRẦN HỮU THĂNG 29/01/2024 07:16

Mùa Xuân và Tuổi trẻ là hai chủ đề gắn bó mật thiết trong đời sống loài người, trong đó hay có nhiều mà dở cũng có nhiều. Bài viết này xin đề cập đến mùa đẹp nhất, vui vẻ nhất trong một năm, đó là mùa Xuân và thời kỳ đẹp nhất, tươi mới nhất của một đời người, đó là Tuổi trẻ.

12bc(1).jpg

Rõ ràng mùa Xuân và tuổi trẻ là hai nội dung không hề hoàn hảo. Nhưng nhờ có các triết gia bậc thầy soi đường, chỉ lối mà dần dần ta cũng học hỏi, rèn luyện, tu dưỡng để có được những cách nhìn nhận vấn đề một cách hoàn hảo, có lợi trong cuộc sống nhân sinh. Một triết gia cổ đại Hy Lạp đã dạy rằng: “Con người muốn hạnh phúc phải biết cách nhìn một cách hoàn hảo những gì không hoàn hảo”.

Theo “Từ điển tiếng Việt” thì: “Xuân là; 1/ Mùa chuyển tiếp từ đông sang hạ, thời tiết ấm dần lên, thường được coi là mở đầu của năm. Thí dụ: Mùa xuân, trăm hoa đua nở. Vui tết đón xuân. “Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân” (Truyện Kiều của Nguyễn Du). 2/ Dùng để tính thời gian hay tuổi con người đã trôi qua. Thí dụ: Đã mấy xuân qua. Mới 20 xuân. 3/ Thuộc về tuổi trẻ, coi là tươi đẹp, tràn đầy sức sống. Thí dụ: Đang xuân. Tuổi xuân. Trông còn xuân lắm. “Tiếc hoa những ngậm ngùi xuân/Thân này dễ lại mấy lần gặp tiên” (Nguyễn Du)”. “Xuân sắc là: cảnh sắc mùa xuân, thường dùng để ví vẻ trẻ trung, tươi đẹp. Thí dụ: Người trông còn xuân sắc. Một thời xuân sắc”. “Xuân xanh là: tuổi trẻ, ví như mùa xuân tươi đẹp. Thí dụ: 18 xuân xanh. “Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cặp kê” (Nguyễn Du)”.

Trước hết xin nói về mùa Xuân. Ngoài vẻ đẹp ra, mùa xuân cũng là lúc giao mùa, lúc giao thời, từ lạnh chuyển sang nóng, thời tiết nồm, ấm, độ ẩm cao, bụi mịn nhiều là cơ hội cho sâu bệnh phát triển trong mùa màng. Vi trùng, siêu vi trùng, ký sinh trùng, côn trùng phát triển mạnh làm hại súc vật trong chăn nuôi và gây bệnh tật cho con người, đặc biệt là trẻ em và người già. Vì thế, công tác tiêm vắc xin dự phòng, vệ sinh nhà cửa, môi trường sống, làm sạch chuồng trại chăn nuôi, phun thuốc cho cây trồng phải đặc biệt được quan tâm trong giai đoạn những tháng đầu năm, trong quý I và quý II của một năm.

Sau nữa là đề cập đến Tuổi xuân hay Tuổi trẻ. Đại văn hào Alfred de Musset (1810 – 1857) đã tha thiết nhắn nhủ các bạn trẻ bằng những lời gan ruột: “Ôi, thiếu niên, thanh niên, tôi tha thiết cầu mong các bạn hãy hết lòng nghĩ đến cái sự nghiệp lớn lao đang đợi chờ các bạn. Các bạn là những người thợ của tương lai, người xây đắp nền móng cho thế kỷ tới đây”. Tại sao Musset phải tha thiết nhắn nhủ các bạn trẻ như thế? Vì trên thực tế, không ít tuổi trẻ đã bị lãng phí, tháng năm trôi qua vô vị, nhạt nhẽo vì thói ăn bám gia đình và xã hội, báo hiệu một tương lai không bình thường cho việc phát triển xã hội.

Hoàng đế Pháp, Napoléon đệ nhất đã cảnh báo: “Mỗi giờ mất đi trong tuổi trẻ là một triệu chứng bất hạnh cho tương lai”. Trong các hồi ký của các nhà khoa học có nhiều cống hiến cho nhân loại, ai cũng xót xa khi đọc đến những đoạn văn ngậm ngùi, thương tiếc cho những ngày tuổi trẻ nghèo túng, bất hạnh hoặc mất phương hướng trong cuộc đời.

Nhờ có những cảnh báo này của các bậc tiền nhân, những người trẻ tuổi của thế kỷ hiện đại đã biết tận dụng mọi cơ hội để học tập, để lao động, để khởi nghiệp, để sáng tạo trên một nền tảng xã hội khoa học 4.0 làm chúng ta hết sức vui mừng và tin tưởng vào thế hệ trẻ Việt Nam, giàu nhiệt huyết, giàu lòng yêu nước để sáng tạo và xây dựng đất nước.

Thời gian mất đi không bao giờ tìm lại được nữa! Tuổi trẻ mất đi không bao giờ tìm lại được nữa! Cái tuổi để học toán, lý, hóa, văn, sử, địa lý chỉ thích hợp tối ưu dưới 18 tuổi. Cái tuổi để học ngoại ngữ tối ưu dưới 12 tuổi. Thế mà lứa tuổi ấy lại nghiện game, nghiện máy tính, nghiện điện thoại thông minh cùng với bao thói hư tật xấu đang rình rập xung quanh thì thử hỏi các lứa thanh thiếu niên ấy sẽ đi đến đâu? Điều này cho thấy cần phải quan tâm, giáo dục, bảo vệ, chăm sóc kỹ lưỡng đến như thế nào đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.

Triết gia danh tiếng, ông Robert Southey (1774 – 1843) đã có một tổng kết để đời: “Anh có thể sống lâu thế nào không biết, nhưng 20 năm đầu tiên của cuộc đời anh là đáng kể nhất”. Đã có nhiều bài bình luận để ca ngợi nhận định quá đúng này của Southey, nhưng ý kiến sau đây của Đại văn hào Tây Ban Nha, ông Miguel Cervantès (1547 – 1616) mang tính chìa khóa: “Những cái gì mà ta học được ở tuổi thanh xuân thì luôn luôn còn mãi”. Những gì mà ta học được lúc còn trẻ, đặc biệt là dưới 25 tuổi, sẽ còn nhớ mãi là một bằng chứng xác đáng của khoa học về trí nhớ và học tập của con người. Thời gian đó, trí nhớ còn tươi mới, cơ thể tràn đầy năng lượng và thế năng để khao khát tìm tòi cái mới, muốn học hỏi cái chưa biết.

Về một cách nhìn khác, ở thế kỷ XVIII, một triết gia Hy Lạp đã nhận xét: “Mẹ thiên nhiên đã ban tặng cho chúng ta bốn mùa: xuân, hạ, thu, đông tươi đẹp, no ấm. Tại sao cứ phải ca ngợi mãi mùa xuân!” cũng là có ý nhắc nhở ta việc gì cũng nên nhìn trước, nhìn sau để thấy các mặt đối lập của một vấn đề mới tìm cách tiếp thu hay triển khai có kết quả được. Từ đó tránh được cách nhìn một chiều, phiến diện dễ dẫn tới sai sót, thiếu hụt, thiếu toàn diện.

Nếu ở trán ta bắt đầu có những nếp nhăn thì cũng đừng bao giờ để tim ta có một nếp nhăn nào cả. Vì sao? Vì tinh thần của ta không bao giờ được phép già nua.

James.A.Garfield

Triết gia Charpentier đã khái quát rất đúng việc đánh giá cuộc đời khác nhau giữa tuổi trẻ và tuổi già khi ông viết: “Tuổi trẻ nhìn cuộc đời như loại vàng mười, tuổi xế bóng coi cuộc đời là một loại hợp kim”. Tại sao thế? Hoàn toàn không dễ hiểu và không dễ cắt nghĩa. Chỉ có thể nêu ra đây một số gợi ý về cách suy nghĩ khác nhau của tuổi trẻ và tuổi già.

Triết gia La Cordaire (1802 – 1861) đã có một tổng kết về quá trình trưởng thành của một con người, trong thực tế, sẽ gặp những điều nghiệt ngã sau đây: “Khi ta còn trẻ ta cứ tưởng rằng có thể chống trọi được, chịu đựng được tất cả mọi sự. Nhưng khi ta càng lớn tuổi, ta mới thấy được trong các công việc có những khó khăn mà ta không vượt qua nổi”. Những ai đã về hưu, dù có thành công hay thất bại trong cuộc sống đều tâm phục, khẩu phục về nhận xét này của La Cordaire. Câu nói đã có từ 200 năm về trước mà như mới nói hôm qua. Đúng ơi là đúng! Chả thế mà Marie Ebner Eschenbach đã phải viết ra một lời cay đắng: “Tuổi trẻ ta học hỏi để đến tuổi già ta mới thấu hiểu”. Chao ôi, nếu đợi đến tuổi già mới thấu hiểu thì sẽ bỏ lỡ bao nhiêu cơ hội, tuột mất bao nhiêu thời cơ. Còn nếu lúc chưa thấu hiểu mà cứ hăng hái, cứ tiến tới thì thất bại là cái chắc, chưa kể đến những hậu quả, những mất mát kèm theo thì sao? Tiến thoái lưỡng nan, tiến không được, lùi không xong, ai dám bảo cuộc sống là dễ dàng, là thuận lợi!

Tất cả những điều phải trái, được mất, khó khăn thuận lợi của mùa xuân và tuổi trẻ đã nêu ở trên giúp ta có cái nhìn khách quan, toàn diện, không tránh né trước những khó khăn và không thuận lợi trong cuộc sống hàng ngày. May mắn thay, nhà giáo dục học vĩ đại của mọi thời đại, ông Voltaire (1694 – 1778) đã giúp cho tất cả chúng ta một công thức sống rất hiệu quả, rất phù hợp cho mọi lứa tuổi khi ông viết: “Ai không có một tinh thần ở vào cái tuổi đương thời của mình thì khi ở vào cái tuổi ấy sẽ gặp tai họa”. Ở đây có một ý cần nhấn mạnh là “Cái tinh thần ở vào cái tuổi đương thời”. Ở Việt Nam ta có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Nghĩa là phải thích nghi cao độ với cuộc sống thì mới có thể tồn tại được. Muốn học được thấu đáo lời dạy của Voltaire chỉ còn có một cách là: Suốt đời khiêm tốn học hỏi. Học người hơn tuổi, học người ít tuổi hơn mình. Học người trên mình, học người dưới mình, sao cho thuận cảnh “Trên kính, dưới nhường”. Kinh nghiệm từ cuộc sống bình dị hàng ngày dạy ta lúc nào cũng phải tự coi mình là chưa hiểu biết đầy đủ, cần học hỏi nhiều hơn nữa.

Để khép lại bài viết về mùa xuân và tuổi trẻ, mong muốn ai ai cũng nhớ mãi cái thời thanh xuân sôi nổi, vụng về nhưng nhiệt thành, tha thiết yêu cuộc sống với một ý chí, một tinh thần luôn tươi mới, luôn tiến công, luôn hướng về phía trước đúng như mong muốn của triết gia James.A.Garfield (1831 – 1881): “Nếu ở trán ta bắt đầu có những nếp nhăn thì cũng đừng bao giờ để tim ta có một nếp nhăn nào cả. Vì sao? Vì tinh thần của ta không bao giờ được phép già nua”!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mùa xuân và tuổi trẻ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO