Từ ngày 1/7, mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng 20,8%, mức đóng bảo hiểm y tế hộ gia đình, học sinh - sinh viên cũng tăng tương ứng.
Theo Điều 7 Nghị định 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ, mức đóng bảo hiểm y tế (BHYT) hàng tháng của người tham gia BHYT hộ gia đình được quy định như sau: “Người thứ nhất đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai, thứ ba, thứ tư đóng lần lượt bằng 70%, 60%, 50% mức đóng của người thứ nhất; từ người thứ năm trở đi đóng bằng 40% mức đóng của người thứ nhất”. Trong khi đó, từ ngày 1/7, mức lương cơ sở mới áp dụng là 1.800.000 đồng/tháng, cao hơn mức lương cũ 20,8%. Do mức đóng BHYT hộ gia đình căn cứ vào lương cơ sở nên khi lương cơ sở tăng 20,8% thì mức đóng BHYT hộ gia đình mới cũng sẽ tăng thêm 20,8% so với mức đóng trước đó.
Về mức tăng đóng BHYT, BHXH Việt Nam cho biết, đối với người đi làm, mức đóng BHYT = 1,5% X Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc. Theo Khoản 5 Điều 14 Luật BHYT năm 2008, sửa đổi năm 2014 thì mức tiền lương tháng tối đa để tính số tiền đóng BHYT = 20 X Mức lương cơ sở. Như vậy, mức đóng BHYT tối đa từ 1/7//2023 là 1,5% X 20 X 1,8 triệu đồng/tháng = 540.000 đồng/tháng.
Mức đóng BHYT hộ gia đình. Người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình phải đóng với BHYT theo mức sau: Người thứ nhất 4,5% mức lương cơ sở; người thứ hai 70% mức đóng của người thứ nhất (3,15% mức lương cơ sở); người thứ ba 60% mức đóng của người thứ nhất (2,7% mức lương cơ sở); người thứ tư 50% mức đóng của người thứ nhất (2,25% mức lương cơ sở) và người thứ năm trở đi 40% mức đóng của người thứ nhất (1,8% mức lương cơ sở).
Khi tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức đóng BHYT hộ gia đình như sau: Người thứ nhất tăng từ 67.050 đồng/tháng lên thành 81.000 đồng/tháng. Người thứ hai tăng từ 46.935 đồng lên 56.700 đồng. Người thứ ba tăng từ 40.230 đồng lên 48.600 đồng. Người thứ tư tăng từ 33.525 đồng lên 40.500 đồng và người thứ năm trở đi tăng từ 26.820 đồng lên 32.400 đồng.
Mức đóng BHYT của hộ nghèo, cận nghèo. Những người thuộc hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều tham gia BHYT phải đóng với mức sau: Mức đóng BHYT tối đa/tháng = 30% X 4,5% X Mức lương cơ sở. Từ 1/7, mức đóng BHYT của nhóm này sẽ tăng từ 20.115 đồng/tháng lên 24.300 đồng/tháng.
Mức đóng BHYT của người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Theo quy định, người lao động làm việc theo hợp đồng lao động sẽ phải đóng BHYT theo mức sau: Mức đóng BHYT của người lao động = 1,5% X Tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc.
Mặc dù mức lương cơ sở không ảnh hưởng trực tiếp đến mức lương mà doanh nghiệp trả cho người lao động, nhưng lại tác động đến mức đóng BHYT tối đa của nhóm này. Bởi theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, mức tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc tối đa chỉ bằng 20 tháng lương cơ sở.
Như vậy, khi lương cơ sở tăng, mức đóng BHYT tối đa của người lao động cũng sẽ tăng từ 447.000 đồng/tháng lên 540.000 đồng/tháng.
Mức đóng BHYT của học sinh, sinh viên. Theo quy định, đối tượng học sinh, sinh viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân phải đóng với BHYT theo mức sau: Mức đóng BHYT tối đa/tháng = 70% X 4,5% X Mức lương cơ sở.
Từ 1/7/2023, mức đóng BHYT của nhóm này sẽ tăng từ 46.935 đồng/tháng lên thành 56.700 đồng/tháng.