Phát biểu tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đang diễn ra, nhiều vị đại biểu Quốc hội cho rằng mức giảm trừ gia cảnh (giảm trừ đối với người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng) đã quá lạc hậu, cần được sửa đổi sớm mà không cần chờ 2 năm nữa. Theo kế hoạch phải chờ đến năm 2026 sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mới biến động ở mức 11,47%, thấp hơn mức 20% nên chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Việc điều chỉnh sẽ bàn sau khi sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân.
Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ năm 2009, khi đó giảm trừ gia cảnh khoảng 4 triệu đồng/tháng; giảm trừ gia cảnh của người phụ thuộc là 1,6 triệu đồng/tháng. Khi sửa đổi luật này năm 2013, mức giảm trừ đối với người nộp thuế là 9 triệu đồng/tháng (108 triệu đồng/năm); mỗi người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Từ kỳ tính thuế năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng (132 triệu đồng/năm); mức giảm trừ đối với mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng.
Giả thích thêm, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay với những người có 1 người phụ thuộc, thu nhập từ 17 triệu trở lên mới phải nộp thuế thu nhập. Người có 2 người phụ thuộc thì có thu nhập trên 22 triệu mới phải nộp thuế thu nhập. Chưa kể đến trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... Vẫn theo ông Phớc, chưa trình sửa đổi luật là do so với số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân hiện nay là 4,96 triệu đồng. Mức giảm trừ để nộp thuế là 11 triệu đồng, cao hơn mức thu nhập bình quân 2,2 lần. Trong khi ở các nước trên thế giới là dưới 1 lần.
Tuy nhiên, trên thực tế, mức giảm trừ gia cảnh 4,4 triệu/tháng đã không còn phù hợp thực tế, nhất là ở những thành phố lớn. Mức giảm trừ này đã được duy trì từ năm 2020, trong khi 4 năm qua, nhiều hàng hóa dịch vụ thiết yếu đều tăng, thậm chí tăng nhanh hơn thu nhập. So với giá hàng hóa năm 2020, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng tới 105% - ĐBQH Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết.
Theo nhiều vị ĐBQH, nếu gia đình có con nhỏ phải thuê người trông, riêng tiền công trả cho người trông trẻ hiện nay không dưới 5 triệu đồng/tháng. Chi phí học hành cho con chiếm phần lớn cơ cấu chi tiêu của các gia đình.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, có sự bất hợp lý trong quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân chỉ sửa đổi khi CPI biến động trên 20%. Lúc đó Chính phủ mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, rổ hàng hóa có tới 752 mặt hàng, trong đó các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ khoảng trên 20 mặt hàng nhưng đã chiếm khoảng 70% thu nhập. Nếu phải chờ tính mức trung bình của 752 mặt hàng sẽ là phi thực tế.
Hơn nữa, từ ngày 1/7 tới, áp dụng chính sách lương mới (tăng khoảng 30% cho người đang làm việc), thì rất có thể giá các mặt hàng thiết yếu sẽ lại “té nước theo mưa”, càng gây khó khăn cho người lao động làm công ăn lương cũng như nhiều đối tượng khác. Nói như ĐBQH Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hoà Bình) thì cần sớm sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao, không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp.
Thuế thu nhập cá nhân đi liền với mức giảm trừ gia cảnh. Nếu vẫn giữ như quy định hơn 4 năm trước thì sẽ là gánh nặng cho người lao động có thu nhập chính từ lương. Càng khó khăn hơn khi phải đợi 2 năm nữa (theo kế hoạch dự kiến) mới sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân, lúc đó mới sửa mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế. Đóng thuế là nghĩa vụ công dân phải chấp hành, nhưng chính sách thuế hợp lý lại phải là “khoan thư sức dân”. Có như vậy, nguồn thu thuế mới bền vững do bảo đảm an sinh xã hội.
Báo cáo ngày 29/5 của Tổng cục Thống kê cho biết, so với tháng 12/2023, CPI tháng 5/2024 tăng 1,24% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,44%. Bình quân 5 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; trong khi Quốc hội đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay ở mức 4-4,5%. Điều đó khách quan cho thấy kinh tế còn khó khăn.
Chính vì thế, nếu chưa thể sửa đổi căn bản Luật Thuế thu nhập cá nhân, thì sửa đổi mức giảm trừ gia cảnh là việc cần sớm thực hiện.