Hàng nghìn cuộc đối thoại giữa lãnh đạo doanh nghiệp (DN) và công nhân đã diễn ra, hàng nghìn thỏa ước lao động tập thể được ký kết. Qua đó, quyền lợi của người lao động được chăm lo tốt hơn… Đó là kết quả của những đổi mới trong hoạt động Công đoàn từ đầu năm đến nay. Việc đổi mới được triển khai theo hướng thiết thực, hiệu quả với mục tiêu cao nhất là chăm lo, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Chương trình công tác công đoàn năm 2023 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tập trung vào phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Theo đó, hoạt động Công đoàn tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, có nhiều điểm mới, trách nhiệm, linh hoạt, thiết thực, kịp thời. Đặc biệt, trước tình hình nhiều DN gặp khó khăn, dẫn đến hàng trăm nghìn người lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm, các cấp công đoàn đã rà soát, nắm bắt kịp thời tình hình khó khăn của người lao động. Từ đó, đưa ra các giải pháp cụ thể để “gỡ khó”.
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, những năm gần đây, việc đổi mới tổ chức và hoạt động của công đoàn càng được coi trọng và đẩy mạnh hơn. Công đoàn đã tập trung thực hiện những nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn, đó là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động mà ở đó lấy việc đối thoại, thương lượng là hoạt động chính, qua đó mang lại nhiều quyền và lợi ích cho đoàn viên, người lao động, nhất là trong bối cảnh tổ chức hoạt động của công đoàn diễn ra chủ yếu là ở DN và phần lớn ở các DN ngoài khu vực nhà nước.
Theo báo cáo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 79,6% đơn vị tổ chức hội nghị người lao động tại DN ngoài nhà nước; 64,25% DN có tổ chức công đoàn tổ chức đối thoại định kỳ; ký mới 2.456 bản thỏa ước lao động tập thể; đề xuất thương lượng với người sử dụng lao động điều chỉnh bữa ăn giữa ca tại 3.614 đơn vị, DN. Còn tại địa phương, công đoàn cũng đã tư vấn pháp luật cho hơn 138.000 lượt lao động. Trong đó, số người được tư vấn, hỗ trợ tại tòa án 45 người và phối hợp tổ chức 3.063 cuộc giám sát về chế độ, chính sách, pháp luật liên quan.
Bên cạnh đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng thực hiện khảo sát, đánh giá về tình hình lao động, tiền lương, thu nhập, chi tiêu và đời sống của người lao động trong các DN năm 2023; tổ chức hội thảo “Giải pháp phòng chống “tín dụng đen” trong công nhân lao động” nhằm phát huy hiệu quả mô hình hoạt động tài chính vi mô của tổ chức công đoàn...
“Các hoạt động chăm lo đời sống, hỗ trợ công nhân lao động cũng là nhiệm vụ thường xuyên được tổ chức công đoàn quan tâm thực hiện. Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn và các hoạt động xã hội được quan tâm, triển khai mang lại lợi ích thiết thực. Trong 6 tháng đầu năm 2023, thông qua chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn ở các cấp là hơn 648.591 lượt người với số tiền trên 93 tỷ đồng” - ông Hiểu cho hay.
Đặc biệt, đối với những khó khăn của người lao động, tổ chức công đoàn cũng có các chương trình hỗ trợ đột xuất. Cụ thể, Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn đã quyết định ban hành Nghị quyết số 06 làm cơ sở cho các cấp công đoàn tập trung các giải pháp hỗ trợ kịp thời cho đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do DN bị cắt, giảm đơn hàng. Kết quả, các cấp công đoàn đã nhận 85.526 hồ sơ; hoàn thành thẩm định, quyết định hỗ trợ cho 81.065 trường hợp đủ điều kiện, với tổng số tiền hỗ trợ hơn 113 tỷ đồng.