Mục tiêu giảm nghèo 2022: Cần đồng bộ chính sách hỗ trợ khẩn cấp và lâu dài

Lê Bảo 28/12/2021 06:57

Dịch Covid-19 đã gây ra một cuộc khủng hoảng chưa từng thấy khiến những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) có thể bị gián đoạn, trong đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là những người nghèo, các đối tượng dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, người già, người tàn tật, người di cư…

Giới chuyên gia nhận định, để có thể duy trì được thành quả giảm nghèo sẽ cần phải thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ lâu dài về sinh kế và an sinh xã hội.

Đẩy mạnh chính sách tín dụng có điều kiện cho người nghèo

Đây là một trong những giải pháp được đưa ra tại Nghị quyết 160/NQ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành về triển khai chính sách giảm nghèo đến năm 2030. Theo đó, tiếp tục hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.

Đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo, tăng cường các chính sách hỗ trợ có điều kiện, bảo trợ xã hội đối với hộ nghèo không có khả năng lao động, chính sách trợ giúp pháp lý. Đặc biệt, để người nghèo tự chủ phát triển kinh tế, Nhà nước sẽ ban hành những chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của các hộ nghèo, cận nghèo; hỗ trợ phát triển các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tạo việc làm, sinh kế, thu nhập cho người nghèo, nhất là ở vùng nông thôn, miền núi; hỗ trợ các mô hình giảm nghèo gắn với quốc phòng, an ninh. Đồng thời tăng cường triển khai chính sách tín dụng ưu đãi dành cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác theo tinh thần chỉ đạo tại Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021, Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư và các văn bản triển khai thực hiện của Thủ tướng Chính phủ.

Năm 2022 là năm đầu tiên thực hiện lộ trình giảm nghèo đa chiều, theo đó các tiêu chí xác định hộ nghèo về thu nhập và thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản được nâng lên so với giai đoạn 2016-2020. Theo ông Tô Đức, Chánh Văn phòng quốc gia giảm nghèo, (Bộ LĐTB&XH), chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 đảm bảo quyền an sinh xã hội của người nghèo được toàn diện hơn thông qua các chiều thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Các chỉ số đo lường đã được cập nhật, bổ sung nhằm nhận diện được bản chất của nghèo đói như chỉ số dinh dưỡng, tình trạng đi học của trẻ em, trình độ giáo dục của người lớn; đồng thời bổ sung các chỉ số đo lường thiếu hụt về việc làm của người nghèo.

“Chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025 với tiêu chí thu nhập đã tiếp cận bằng mức sống tối thiểu của người dân tại thời điểm năm 2021 với thu nhập bình quân đầu người một tháng tại khu vực nông thôn là 1.500.000 đồng, khu vực thành thị là 2.000.000 đồng. Số lượng người nghèo được hưởng thụ chính sách tăng 2,3 lần tại thời điểm năm 2022, do đó hiện nay các địa phương đã gấp rút lên kế hoạch cũng như chuẩn bị nguồn lực để triển khai có hiệu quả chương trình” – ông Tô Đức cho biết.

Đảm bảo mức sống tối thiểu tăng dần

Nhận định về những tác động của đại dịch Covid-19 đối với thành tựu xóa đói giảm nghèo của Việt Nam, bà Vũ Thị Quỳnh Hoa, Giám đốc Oxfam tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nằm trong số các nước chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch. Do tác động của đại dịch, tỷ lệ nghèo trên đầu người của Việt theo ngưỡng 5,50 USD/ngày dự báo tăng lên từ 3- 10 điểm phần trăm tùy vào mực độ tác động của đại dịch. Mức tăng này nằm trong nhóm 20 nước có mức tăng cao nhất trên thế giới. Và theo đánh giá nhanh của Viện Khoa học xã hội, đến tháng 7/2021, 63,5% hộ gia đình bị giảm thu nhập từ 30% trở lên so với thời điểm trước đại dịch (tháng 12/2019).

Xét trên yếu tố nghèo đa chiều, người dân gặp nhiều khó khăn và gặp thiếu hụt ở nhiều chiều. Trong đó, các nhóm yếu thế ở Việt Nam có khả năng cao chịu thiếu hụt ở các chiều, cạnh quan trọng như giáo dục và sức khỏe/y tế. Chính vì vậy, việc triển khai giảm nghèo theo tiêu chí đa chiều có ý nghĩa rất lớn. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là các chính sách trong giai đoạn phục hồi cần tập trung rõ ràng vào các nhóm dễ bị tổn thương nhất do tác động của Covid-19. Đồng thời, để ngăn ngừa tái nghèo và hỗ trợ nhóm nghèo mới, chính sách cần hướng tới tối đa hóa hỗ trợ tiếp cận y tế và vaccine, giáo dục, thu nhập thông qua BHYT đối với nhóm nghèo, cận nghèo.

“Giảm nghèo đi liền với giảm bất bình đẳng. Gây dựng nền kinh tế nhân văn vì lợi ích của người dân và bảo vệ môi trường; tăng cường chủ động thích ứng với cú sốc, dịch bệnh và thảm họa là vấn đề cốt lõi trong giải pháp giúp Việt Nam phục hồi bền vững, không để ai bỏ lại phía sau”- bà Hoa khẳng định.

Để hạn chế các tác động tiêu cực của đại dịch, hạn chế tình trạng tái nghèo, các chuyên gia cho rằng các chính sách cần tập trung vào nhóm đối tượng dễ bị tổn thương nhất. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ khẩn cấp cần có những chính sách hỗ trợ lâu dài và đa chiều đối với nhóm nghèo và cận nghèo, các khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao, vùng dân tộc thiểu số. Thực tế cũng cho thấy, tác động do Covid-19 khiến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, dịch “đánh” mạnh nhất vào người nghèo. Nhiều người trong số này là lao động di cư, lao động phi chính thức… Do đó, các chính sách hỗ trợ phải tập trung vào người dân và cộng đồng dễ rơi vào nghèo đói cùng cực do đại dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mục tiêu giảm nghèo 2022: Cần đồng bộ chính sách hỗ trợ khẩn cấp và lâu dài