Trong kí ức của tôi, Tết luôn về sớm hơn bình thường, có lẽ là ngay sau rằm tháng Chạp khi các chợ bắt đầu trang trí trưng bày những mặt hàng Tết. Không khí ngày càng tấp nập rộn ràng hơn trong cái ngày mọi người cùng nhau đưa ông Táo về trời.
Ảnh minh họa.
Tết về! Có bao nhiêu thứ để lo, có bao nhiêu việc để làm. Mọi người ai cũng đều lo chuẩn bị quà Tết cho những người thân của mình. Trong cái không khí chộn rộn ấy, bánh mứt kẹo, ô mai, trái cây nô nức xuống đường rộn rã đón Xuân toả ra xung quanh những mùi vị vừa ngọt, vừa mặn, vừa thơm nồng thật đặc trưng cho hương vị của Tết.
Vẫn còn đó vẹn nguyên trong kí ức là những ngày hì hụi rang từng mẻ hạt hướng dương, hạt bí, hạt dẻ hay sên từng chảo mứt dừa, mứt gừng, mứt bí hay làm những bát dưa món, củ kiệu củ hành muối chua. Rồi sự hoà trộn của bao nhiêu là thứ mùi vị khác như mùi của đỗ, thịt, gạo nếp, lá dong khi luộc bánh như những kết tinh của đất trời đang đợi ấm áp ùa về để toả hương. Từng ngọn lửa dưới nồi bánh chưng xanh đang bập bùng như muốn ngún cạn những vất vả, gian khó, lo toan bề bộn để đưa cuộc sống mở ra một trang mới vẫn còn nguyên và in đậm trong kí ức những người đi xa.
Mùi của Tết giăng mắc khắp nơi trong những ngày Tết đã cận kề. Và chẳng có ai là có thể “định nghĩa” chuẩn xác được mùi của Tết. Mùi của Tết do sự cảm nhận của mỗi người mà khác nhau, vì thế nên mới có muôn hình vạn trạng sắc thái mùi của Tết. Người này bảo rằng mùi của Tết chính là mùi của mai, đào, quất... Người khác lại cảm nhận rằng đó là mùi của bánh chưng xanh, dưa hành, giò nạc, thịt đông. Còn với tôi, mùi của Tết có lẽ là cái mùi khói cay nồng trong những chiều cuối đông lạnh cắt da cắt thịt ở nơi quê nhà thời không có hiệu ứng nhà kính. Trong những ngày cuối năm ở vùng trung du quê tôi, mùi khói rơm rạ toả lan ra khắp nơi khi người dân quê tôi thu vén, dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng.
Bọn trẻ chúng tôi ngày đó thường cảm thấy thích khi chui ngang qua cái quầng khói xám xịt bồng bềnh để hít hà cái mùi cay nồng đến chảy nước mắt. Mùi của Tết không chỉ là mùi ngai ngái của mưa dầm gió bấc mà còn là mùi thơm của nắng loang chiều. Mùi của quần áo, chiếu chăn màn mới giặt sạch sẽ và được phơi đủ nắng. Mùi thơm dịu nhẹ của nước lá mùi khi tắm và gội đầu cứ thoang thoảng toả ra từ tóc mẹ, tóc chị. Chiều 30 Tết tắm gội sạch sẽ những nhớp nhơ, bụi bặm của cả một năm cũ sắp qua để đón một năm mới tinh khôi hơn. Tất cả chúng ta ai đấy đều sẵn sàng hít căng vào lồng ngực không khí trong lành và rộn ràng của mùa Xuân đang về nơi bậu cửa.
Mùi của Tết còn khác nhau qua mỗi vùng miền. Nơi đảo xa thì mùi của Tết là mùi gió quyện vào mùi biển mằn mặn, chốn đồng bằng thoang thoảng mùi ngai ngái của nước trũng đồng chiêm, vùng núi cao có mùi của những đợt rét đậm rét hại kéo dài đến đặc quánh và co cụm. Phải chăng để đón Xuân sang Tết lại đang gọi mùi về...
Mỗi năm thêm một tuổi, mùi Tết dù có thay đổi theo sự cảm nhận khác nhau nhưng nó vẫn nồng nàn như thế. Tất cả những hương vị đó đã quyện vào nhau để rồi cùng phả ra cái mùi của Tết rất riêng mà chẳng khi nào quên được.