Năm nào các cấp chính quyền địa phương và Hội Người cao tuổi TP Hà Nội cũng tổ chức mừng thọ cho các bậc cao niên.
Truyền thống tốt đẹp này mang ý nghĩa thiết thực và tính nhân văn sâu sắc, góp phần giáo dục thế hệ trẻ về cách đối nhân xử thế, đồng thời phát huy vai trò “cây cao bóng cả”, cống hiến trí tuệ, truyền kinh nghiệm sống cho thế hệ trẻ.
Từ bao đời nay, trong lòng mỗi người Việt luôn tâm niệm “Kính già, già để tuổi cho”, “Cha mẹ là bậc Bồ tát trong nhà”, nên mỗi gia đình có cha mẹ, ông bà mừng thọ (70 tuổi), thượng thọ (80 tuổi), thượng thượng thọ (90 tuổi)... các con, cháu rất mừng vui, hạnh phúc. Vì thế, việc tổ chức mừng thọ cha mẹ, ông bà luôn được các con, các cháu quan tâm chu đáo. Do đó, trong những ngày này, nhiều gia đình tổ chức mừng thọ trang trọng, chứa đựng tấm lòng hiếu thảo với bậc sinh thành, dưỡng dục.
Năm nay, cùng với nhiều làng quê khác ở ngoại thành Hà Nội, buổi lễ mừng thọ các cụ cao tuổi vẫn được duy trì như những năm trước nhưng có thêm sự đổi mới. Đó là các gia đình có cha mẹ, ông bà tròn tuổi 70, 80, 90... cùng đóng góp sắm sửa và bày biện lễ chung. Đồ lễ được chuẩn bị tại nhà văn hóa thôn. Đúng 8h sáng, các cụ có tên trong danh sách mừng thọ năm 2024 cùng các con, cháu tề tựu đầy đủ tại nhà văn hóa. Chị Nguyễn Kim Liên (phường Hàng Bột, quận Đống Đa) cho biết, lấy chồng ở xa nên mỗi lần có dịp về thăm quê là chị rất vui. Năm nay, mẹ chị mừng thọ tròn tuổi 80 nên niềm vui như được nhân lên gấp bội.
Theo chị Liên, dù đã đi nhiều nơi, dự nhiều lễ mừng thọ, nhưng chị thấy, việc tổ chức lễ mừng thọ như ở quê mình thật ý nghĩa, tươi vui và trang trọng. Qua buổi lễ, mọi người trong làng có dịp để cùng chung vui, tình làng nghĩa xóm càng thêm khăng khít. Có thể nói, đây là nét đẹp văn hóa ở làng quê cần giữ gìn và nhân rộng.
Xuân này, ông Nguyễn Chí Sáu (phường Việt Hưng, quận Long Biên) được nhân lên niềm vui khi chính quyền địa phương cùng tổ chức mừng thọ cho các cụ từ 80 tuổi trở lên. Lễ mừng thọ được diễn ra trong không khí đầm ấm, vui tươi với sự có mặt của các hội viên Hội Người cao tuổi phường Việt Hưng, người dân trong phường và con cháu các cụ. Nhận được nhiều lời chúc mừng ý nghĩa và những món quà tặng nhân lễ mừng thọ tròn 80 tuổi, ông Sáu phấn khởi chia sẻ: Tổ chức lễ mừng thọ tập thể như thế này thật ý nghĩa và vui vẻ. Với những người cao tuổi như chúng tôi, lễ mừng thọ có sự tham dự của đông đủ các đoàn thể, chính quyền, người dân là sự động viên về tinh thần để luôn “sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Bản thân tôi luôn cố gắng phát huy tinh thần “Tuổi cao - gương sáng”, khuyên dạy con cháu trong gia đình hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, đóng góp xây dựng quê hương.
Chủ tịch UBND phường Việt Hưng Đinh Quang Luận cho biết, cấp ủy, chính quyền địa phương xác định người cao tuổi là điểm tựa tinh thần không chỉ cho gia đình mà còn cho tổ dân phố, cộng đồng dân cư và là hạt nhân nòng cốt trong các tổ hòa giải trên địa bàn. Do đó, năm nào cũng vậy, phường Việt Hưng cũng tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ và mong muốn các cụ khỏe mạnh, tiếp tục nêu gương sáng để động viên, khuyến khích con cháu làm ăn, phát triển kinh tế.
Năm nay, huyện Thanh Trì cũng tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi. Việc tổ chức được Ban đại diện Hội Người cao tuổi của huyện hướng dẫn cụ thể đến từng thôn, làng, tổ dân phố. Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi huyện Thanh Trì Trương Văn Xuê cho biết, ngoài việc các gia đình tổ chức mừng thọ, nhiều địa phương còn tổ chức lễ mừng thọ tập thể tại nhà văn hóa với sự tham gia của lãnh đạo thôn, làng, tổ dân phố và bà con theo đúng tiêu chí ấm cúng, trang trọng, tôn vinh người cao tuổi. Việc làm này đã góp phần nhân lên những giá trị tinh thần quý báu, là một nét văn hóa làm phong phú thêm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Việc tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống ở cả thành thị và các vùng nông thôn. Qua đó, giáo dục cho thế hệ trẻ “Kính già, trọng lão”, “Uống nước nhớ nguồn” và động viên người cao tuổi sống vui, sống khỏe và có ích.