Trước việc UBND TP Đà Nẵng triển khai cấp giấy đi đường online, người dân thành phố này hết sức vui mừng. Phấn khởi là phải thôi, khi mà mỗi cá nhân, doanh nghiệp có thể ngồi nhà “gõ bàn phím” máy tính, hoặc vuốt điện thoại là có thể được cấp giấy đi đường, thay vì phải phơi nắng, đội mưa, chen chúc, xô đẩy mà chưa chắc lấy được.
Điều đặc biệt trong việc cấp giấy đi đường của TP Đà Nẵng là cả khâu đăng ký và tiếp nhận giấy đi đường đều online, chứ không phải trực tiếp giao nhận. Nói một cách dễ hiểu là trực tuyến tuyệt đối chứ không phải là nửa vời theo kiểu đăng ký thì online nhưng lại phải đến trụ sở cơ quan có thẩm quyền xếp hàng chờ nhận giấy đi đường.
Điều đó có nghĩa, người dân không chỉ được tạo điều kiện thuận lợi trong việc xin cấp giấy đi đường một cách nhanh chóng, giảm phiền hà, đỡ vất vả, mà còn tránh được việc tụ tập đông người tại các cơ quan cấp giấy dẫn đến nguy cơ lây nhiễm, bùng phát đại dịch Covid-19. Đây thực sự là cách làm hay đáng được khen ngợi!
Để thuận tiện hơn nữa cho người dân, TP Đà Nẵng không chỉ triển khai hệ thống đăng ký và phê duyệt giấy đi đường trên website, mà còn thông qua ứng dụng trên điện thoại di động. Nghĩa là, dù ở bất cứ đâu, có máy tính hay chỉ cầm chiếc điện thoại trên tay, người dân vẫn dễ dàng thực hiện các bước đăng ký và chờ nhận kết quả phê duyệt giấy đi đường.
Do sự đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng đó mà chỉ trong vòng hai ngày triển khai (4/9, 5/9), toàn TP Đà Nẵng đã cấp được tới 92.000 giấy đi đường cho người dân. Theo đó, nhu cầu đi lại để giải quyết các công việc cấp bách, thiết yếu của người dân đã được đáp ứng nhanh chóng, không bị trở ngại như ở một số tỉnh, thành phố khác trên cả nước.
Từ cách làm hay của TP Đà Nẵng dư luận xã hội đưa ra “so bì” với cách làm lúng túng, thiếu khoa học của TP Hà Nội. Còn nhớ hồi đầu tháng 8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ban hành công văn hỏa tốc tới các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, thị trấn, yêu cầu siết chặt hơn nữa biện pháp phòng đại dịch Covid-19. Theo đó, người dân khi ra đường không chỉ phải mang theo giấy đi đường, CCCD/CMND, mà còn phải có lịch công tác, lịch trực cơ quan... Việc siết chặt, làm nghiêm nhằm hạn chế người dân ra đường để phòng ngừa sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta là cần thiết, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc “đẻ” thêm “giấy phép con”.
Chính vì đưa ra giải pháp bất hợp lý nên tại các chốt kiểm dịch của TP Hà Nội vào thời điểm đó đã xảy ra ùn tắc, tụ tập đông người dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh thay vì nâng cao hiệu quả phòng ngừa. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã phải thu hồi, bãi bỏ quy định không phù hợp này nữa. Tưởng đó sẽ là một kinh nghiệm quý báu trong việc ban hành quy định phòng dịch, ai ngờ tới đầu tháng 9, Hà Nội lại đưa ra quy định thiếu khoa học.
Cụ thể, vừa ban hành mẫu giấy đi đường mới chưa được bao lâu, UBND TP Hà Nội lại yêu cầu thay đổi cả mẫu giấy và cơ quan có thẩm quyền cấp, tập trung đầu mối về Công an TP Hà Nội. Không những vậy, tất cả các đối tượng sinh sống và làm việc trên địa bàn Thủ đô đều phải chấp hành việc xin mẫu giấy đi đường mới từ lực lượng công an thành phố.
Quy định của UBND TP Hà Nội khiến cả đêm 4/9 nhiều cá nhân, lãnh đạo đơn vị, doanh nghiệp mất ngủ vì lo lắng không kịp xin giấy đi đường mới. Tới sáng 5/9, Hà Nội lại tuyên bố một số cơ quan, đơn vị không phải thực hiện xin cấp giấy đi đường mới, khiến dư luận xã hội rối tung lên không biết thực hiện sao cho đúng.
Nhiều ý kiến cho rằng, lãnh đạo TP Hà Nội cần phải đưa ra quy định khoa học, khả thi trong thực tế. Trong khi đó, dư luận xã hội lại hết sức hoan nghênh, ủng hộ cách làm hay của UBND TP Đà Nẵng. Thật là muôn chuyện “giấy thông hành”!