Sinh ra và lớn lên ở làng mộc truyền thống Chàng Sơn (Thạch Thất - Hà Nội), KTS Nguyễn Giang luôn có ý thức đưa những hoa văn, họa tiết dân gian vào trong kết cấu, nội thất của những căn nhà gỗ cổ do anh thiết kế. Với tay nghề khéo léo cùng việc chăm chỉ học hỏi, anh đã ứng dụng công nghệ hiện đại để rút ngắn thời gian làm việc, bên cạnh đó anh còn số hóa để bảo tồn những nét hoa văn truyền thống của nghề mộc Chàng Sơn.
PV: Quê hương làng nghề mộc Chàng Sơn đã có ảnh hưởng như thế nào đến sự nghiệp của anh?
KTS NGUYỄN GIANG: Sinh ra và lớn lên tại làng mộc truyền thống Chàng Sơn đã có một ảnh hưởng sâu sắc đến con đường sự nghiệp của tôi. Việc trải nghiệm và học hỏi trong một môi trường giàu truyền thống nghề mộc đã giúp tôi tiếp thu và thấu hiểu sâu về nghệ thuật chạm khắc gỗ cổ truyền Việt Nam.
Tôi đã được hòa mình vào không gian văn hóa đặc trưng của làng nghề mộc cổ, học các kỹ thuật truyền thống từ các bậc thầy thợ lành nghề lâu năm. Cá nhân tôi thấy điều này tạo ra nền tảng rất tốt và vững chắc cho quá trình hành nghề kiến trúc truyền thống của tôi trong hiện tại cũng như tương lai.
Quen với nghề từ nhỏ, vậy những hoa văn truyền thống có ý nghĩa gì đặc biệt để anh lựa chọn lưu giữ và bảo tồn?
- Những nét chạm khắc và hoa văn truyền thống của Việt Nam với tôi chúng không chỉ là những hình vẽ trang trí mà còn chứa đựng sự gửi gắm, những ý niệm và triết lý của văn hóa Việt Nam. Thông qua việc sáng tạo ra các tác phẩm chạm khắc gỗ dựa trên những đường nét hoa văn truyền thống, tôi hy vọng sẽ góp phần nào đó giữ vững và phát huy giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Mong rằng những hoa văn này sẽ có cơ hội được giữ gìn, tiếp nối và lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống đến mọi người và các thế hệ sau.
Bên cạnh làm nghề theo cách thủ công, anh còn quảng bá các sản phẩm trên Internet và số hóa hoa văn chạm khắc, nhà gỗ truyền thống. Vậy đây có phải là hướng đi mà anh đang theo đuổi?
- Khi đưa những video, hình ảnh sản phẩm hoa văn chạm khắc và các căn nhà gỗ truyền thống lên Internet, tôi hy vọng có thể lan tỏa và chia sẻ giá trị của nghệ thuật truyền thống Việt Nam với các bạn bè trên trên toàn thế giới ngày càng được biết đến nhiều hơn.
Số hóa hoa văn và chạm khắc gỗ không phải là hướng đi duy nhất mà tôi đang theo đuổi, nhưng nó là một cách hiệu quả để bảo tồn và truyền bá giá trị truyền thống của nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam. Số hóa cũng như sự phát triển của công nghệ hiện nay giúp lưu giữ, hỗ trợ thiết kế, sản xuất, tiếp cận, lan toả tới số lượng lớn người dùng trên internet, cho phép họ khám phá và tìm hiểu về nghệ thuật và di sản văn hóa Việt Nam một cách dễ dàng hơn.
Hiện anh đang ứng dụng những công nghệ mới nào trong quá trình làm việc?
- Để phù hợp với thời đại công nghệ 4.0, tôi đã sử dụng công nghệ scan số hoá 3D các tác phẩm hoa văn trước khi chạm khắc trên gỗ thật. Điều này giúp tăng tính chính xác, hỗ trợ hiệu quả trong quá trình thiết kế và chế tác thực tế. Ngoài ra, tôi cũng sử dụng các công nghệ khác như máy CNC để tạo chế tác thô mẫu hoa văn nhằm giảm công sức và thời gian lao động, những người thợ thủ công có nhiều thời gian thổi hồn và làm tinh cho tác phẩm hơn. Sự kết hợp giữa nghệ thuật truyền thống và công nghệ hiện đại cho phép tôi tiếp cận và truyền tải giá trị của di sản văn hóa một cách sáng tạo và cập nhật.
Hiện tôi cũng đang thử nghiệm các ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ cho việc học tập cũng như tạo các mẫu hoa văn dựa trên chất liệu truyền thống. AI là công cụ sẽ giúp tôi phác thảo những chi tiết hoa văn để tham khảo, từ đó tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp với bản vẽ và hiện thực nó trên chất liệu gỗ một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Về vấn đề truyền nghề thì hiện nay ở làng mộc Chàng Sơn, theo quan sát của anh, việc truyền nghề cho thế hệ sau đang diễn ra như thế nào?
- Việc truyền nghề đó chính xác là những gì tôi đang làm. Tôi làm trước hết cũng vì chính miếng cơm manh áo của mình. Về Chàng Sơn làm nghề mộc, thi công các ngôi nhà gỗ cổ có thể giúp tôi có được những hợp đồng lớn nhưng đi kèm với đó là chất lượng công trình. Vì thế tôi buộc phải gây nghề, tuyển thợ và giúp đỡ họ trong việc học nghề truyền thống.
Hiện nay ở Chàng Sơn người theo nghề mộc cổ truyền rất ít. Vì thế trong quá trình đào tạo thợ mộc, tôi trợ giúp họ làm quen với nghề và định hướng họ sống bằng nghề. Ngay cả khi sau này họ không làm việc với tôi, chuyển đi nơi khác thì nghề mộc của Chàng Sơn ít nhất cũng theo họ và giúp họ sau này.
Để tiếp tục gìn giữ và phát triển vốn quý của làng nghề Chàng Sơn, dự định tiếp theo của anh là gì?
- Thực ra ở Chàng Sơn ngoài nghề mộc thì còn có rất nhiều nghề truyền thống khác như làm quạt, tạc tượng... Hiện có những nghề đang được giữ gìn nhưng cũng có nghề đã dần mất đi. Đó là điều mà tôi trăn trở.
Nhưng trước mắt tôi sẽ cố gắng làm tốt nhất ở lĩnh vực tôi đang theo đuổi đó là nghề mộc. Giúp những người muốn theo nghề và đang theo nghề có thể sống bằng nghề. Sau đó là làm một cuốn sách về bảo tồn vốn quý về kiến trúc gỗ và những hoa văn chạm khắc. Ghi lại những tài liệu gốc của những người thợ nghề để lấy đó làm cơ sở cho những thế hệ sau có một cái chuẩn để soi chiếu, có thể làm theo hoặc sáng tạo từ những gì cha ông để lại.
Trân trọng cảm ơn anh!