Là xã vùng cao, giáp biên giới, điều kiện kinh tế khó khăn…xã Mường Mìn, huyện Quan Sơn (Thanh Hóa) chìm trong đói nghèo do tập quán canh tác lạc hậu. Tuy nhiên, chỉ ít năm trở lại đây, xã đã thực sự đổi thay, khoác lên mình tấm áo mới nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mường Mìn đã thực sự thoát nghèo.
Lối thoát nghèo
Những ngày đầu tháng 9, ngược theo Quốc lộ 217 về Mường Mìn, thu vào tầm mắt là những thảm lúa vàng óng đang vào thời kỳ thu hoạch trải từ đỉnh những ngọn đồi tròn vạnh như được một bàn tay khổng lồ khéo léo cắt tỉa xuống tận triền lòng sông Lò mùa nước lớn. Sau những rặng vầu, luồng là những mái nhà sàn của đồng bào người Thái tươi màu trong nắng thu… Chỉ sau ít năm thay đổi tư duy canh tác, sản xuất, Mường Mìn đã thực sự “thay da đổi thịt”.
Vừa thong thả chuẩn bị nông cụ cho vụ thu hoạch lúa mới, bà Ngân Thị Phòn - trú tại bản Chiềng, xã Mường Mìn vui vẻ nói: “Bà con Mường Mìn có được ngày hôm nay là nhờ vào xây dựng nông thôn mới và những cây trồng mới cả đấy”. Rồi bà Phòn cho biết: Hiện nay, ngoài diện tích lúa nước được trồng từ các giống lúa địa phương thì 2 năm gần đây người dân đã thí điểm trồng giống lúa Nhật Bản (J02). Giống lúa Nhật Bản J02 được đánh giá là phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại đây và có năng suất, chất lượng cao hơn so với giống lúa đang trồng tại địa phương.
Nói về giống lúa mới, ông Lộc Văn Dương - Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mìn cho biết: Giống lúa này cho năng suất 4,2 tạ/sào, được người dân bản Chiềng trồng thí điểm 5ha năm 2021, vụ xuân năm 2022 trồng thêm 3ha. Đây là giống lúa thuần có nguồn gốc từ Nhật Bản, gieo trồng được cả 2 vụ xuân và mùa. Thời gian sinh trưởng từ 4-5 tháng; năng suất bình quân 6,7 đến 7,5 tấn/ha, thâm canh cao có thể đạt tới 8 tấn/ha. Hạt gạo bầu tròn, cơm trắng, mềm, vị đậm và ngọt, chứa nhiều chất dinh dưỡng. Gạo Nhật đang được thị trường chuộng, đặc biệt là ở các siêu thị lớn, các khu công nghiệp có nhiều người nước ngoài làm việc. Giá bán của loại gạo này cũng cao hơn các loại gạo khác. Giống lúa J02 cho năng suất, chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương.
Cùng với thí điểm trồng giống lúa Nhật (J02), vụ xuân năm 2022 xã Mường Mìn đang thí điểm trồng cây gai xanh phục vụ cho Nhà máy sản xuất sợi dệt An Phước tại xã Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy. Để phát triển cây gai xanh, xã đã tích cực đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu, đưa cây gai xanh thay thế một số cây trồng kém hiệu quả, bước đầu được bà con nhân dân đồng tình ủng hộ. Vụ xuân năm 2022 bà con bản Bơn, xã Mường Mìn trồng 6,7ha cây gai xanh. Hiện cây đang sinh trưởng, phát triển tốt.
Cũng theo ông Dương, cây gai xanh là cây trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm (7-10 năm) nên khi kết hợp với chính sách hỗ trợ ban đầu của tỉnh, huyện cùng cơ chế cam kết thu mua sản phẩm phù hợp của công ty sẽ tạo động lực, tâm lý yên tâm sản xuất cho người dân để mở rộng diện tích trồng. Xã Mường Mìn phấn đấu chuyển đổi diện tích cơ cấu cây trồng, phát triển vùng nguyên liệu trồng cây gai xanh lên 10ha trong năm 2022-2023.
Thay đổi trong cách nghĩ, cách làm
Vốn là xã vùng cao biên giới nên Mường Mìn có địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, trình độ dân trí thấp, sản xuất nông nghiệp còn lạc hậu, mang nặng phong tục tập quán địa phương, phát triển kinh tế của người dân chỉ dựa vào khai thác luồng, nứa, vầu. Việc phát triển sản xuất, ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân được xã Mường Mìn tập trung áp dụng phương pháp phát triển hàng hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... giúp hộ gia đình nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Phát triển nền nông nghiệp hàng hóa đa dạng, trang trại, gia trại gắn với việc bảo vệ phát triển rừng và tìm đầu ra cho sản phẩm.
Phó Chủ tịch UBND xã Mường Mìn Lộc Văn Dương cho biết: Xã Mường Mìn có 5 bản đồng bào dân tộc Thái sinh sống, đến nay cả 5 bản đã về đích nông thôn mới, trong đó có 1 bản nông thôn mới kiểu mẫu. Tuy nhiên, là xã miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống còn nhiều khó khăn. Toàn xã có 609 hộ, hơn 2.700 khẩu, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 38%. Để giúp nhân dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng vùng đất này.
Song song với chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Mường Mìn đã và đang tận dụng điều kiện thuận lợi về giao thông như có tuyến QL217 và QL16, đường hành lang nối các huyện phía tây tỉnh Thanh Hóa, gần cửa khẩu Quốc tế Na Mèo… để thúc đẩy giao lưu, buôn bán, huy động các nguồn lực cho sự phát triển của địa phương. Xã phấn đấu về đích nông thôn mới vào năm 2023.
“Mấu chốt để Mường Mìn thay đổi chính là thay đổi từ chính tư duy, cách nghĩ, cách làm của đồng bào. Chỉ có thay đổi tập quán canh tác cũ, lạc hậu bằng cách tăng cường tuyên truyền, “cầm tay chỉ việc”, cán bộ gương mẫu thì đời sống ở các bản vùng cao mới có thể bước sang một trang mới” - ông Dương chia sẻ thêm.
Xã Mường Mìn có tổng diện tích đất nông nghiệp là 221,67ha, trong đó diện tích lúa nước là 86,2ha. Năm 2021 và vụ xuân 2022, xã Mường Mìn đã trồng mới 8ha giống lúa Nhật Bản (J02). Vụ Xuân năm 2022, huyện Quan Sơn có hơn 70ha lúa Nhật được trồng ở các xã Sơn Điện, Mường Mìn, Trung Hạ…