Hà Tĩnh hiện có hơn 700 ha rừng ngập mặn tập trung dọc cửa sông các huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Nghi Xuân... trong đó phần lớn là rừng quy hoạch phòng hộ. Rừng ngập mặn ven biển có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ các tuyến đê, hạn chế xói lở. Không chỉ là tấm khiên chắn bão, bảo vệ đê điều mà còn giúp hệ sinh thái ven biển thêm phần phong phú. Những dải rừng ngập mặn được ví như "vành đai xanh" chống biến đổi khí hậu ở Hà Tĩnh và tập trung phần lớn ở khu vực các cửa sông lớn như Cửa Nhượng, Cửa Sót và Cửa Hội... Đi dọc trên tuyến đường qua cầu Cửa Sót (huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh), người đi đường dễ bị thu hút bởi những cánh rừng ngập mặn xanh mướt. Rừng ngập mặn nếu phát triển tốt sẽ góp phần giúp chống lại thiên tai, giảm xói lở và bảo vệ đất, giảm ô nhiễm, hạn chế các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu và bảo vệ sinh kế cho con người. Những cánh rừng ngập mặn trở thành tấm khiên bảo vệ, giúp tàu thuyền tránh trú trước những cơn bão. Rừng ngập mặn xanh mướt không chỉ giúp phục hồi môi trường biển, giảm thiểu rủi ro thiên tai, hạn chế xói lở bờ biển mà còn tạo kế sinh nhai bền vững cho hàng nghìn cư dân ven biển. Các cánh rừng ngập mặn cao 1-3 m và trải dài hàng km. Rừng ngập mặn chủ yếu là các cây mắm, đước, sú vẹt, trang, bần... Dưới tán rừng ngập mặn là hệ sinh thái phong phú với tôm, cua, ốc, cáy... là nguồn sinh kế cho cư dân quanh vùng. Hàng năm, các dự án phủ xanh các diện tích bãi bồi ven sông, ven biển ở Hà Tĩnh nhằm góp phần giảm nhẹ tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo vệ mạch nước ngầm, tránh nước mặn xâm thực, nâng cao ý thức của cộng đồng đối với bảo vệ những “lá phổi xanh” ven biển. Theo lãnh đạo UBND thị trấn Lộc Hà cho biết, trên địa bàn có hơn 95 ha rừng phòng hộ ven biển, chủ yếu được trồng các loài cây rừng ngập mặn như đước, vẹt, bần. Nhiều năm qua, cấp chính quyền của thị trấn thường xuyên tuyên truyền, phát huy sức mạnh của cộng đồng trong trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Nhờ đó, diện tích rừng ngập mặn tại thị trấn không ngừng tăng lên qua từng năm.