Khi thủy triều bắt đầu rút, cũng là lúc người dân ở 2 xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) gọi nhau đi đẽo đá đục hàu. Những con hàu sữa bám chi chít trên các mỏm đá đã trở thành nguồn “sinh kế” của nhiều gia đình.
Có mặt tại chân cầu Cửa Nhượng (xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) vào một buổi sáng giữa tháng 7, thời điểm này cũng là lúc thủy triều vừa rút xuống. Tại đây, nhiều người dân tại 2 xã Cẩm Nhượng và Cẩm Lĩnh đang xách vài món đồ lỉnh kỉnh như dùi sắt, búa, rổ rá… để bắt đầu công việc mưu sinh của mình “đẽo đá đục hàu”.
Khác với loài hàu nuôi hoặc hàu lặn dưới sông có kích thước to, ruột lớn, loài hàu sống tự nhiên ở những bãi đá dưới chân cầu Cửa Nhượng tuy nhỏ nhưng lại có vị thơm, ngọt, mát, nên được rất nhiều người ưa chuộng.
Hàng chục năm trở lại đây, ruột hàu được các nhà hàng và người sành ăn ưa chuộng, nên nó trở nên có giá trị. Từ đó, hàu ở đây không chỉ được người dân trong vùng đi lấy về ăn mà còn bán để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống gia đình.
Những ngày này, ai đi qua cầu Cửa Nhượng sẽ bắt gặp hình ảnh những người phụ nữ trùm kín người, tay cầm búa, dùi cặm cụi đục hàu. Tiếng búa gõ vào ghềnh đá lúc trầm đục, lúc chát chúa, hòa cùng tiếng gió biển, tiếng sóng vỗ bờ… tạo nên những âm thanh rất lạ.
Cần mẫn, lẳng lặng lần theo từng mỏm đá phía dưới chân cầu để mưu sinh, những phụ nữ nơi đây đã gắn bó với nghề đẽo đá đục hàu như cái duyên, cái nợ từ nhiều năm nay. Loài hàu bám vào từng mỏm đá tưởng chừng bỏ đi lại là nguồn thu nhập của không ít phụ nữ xứ biển trong những lúc nông nhàn.
Bà Nguyễn Thị Châu (80 tuổi, trú tại xã Cẩm Lĩnh), người có hơn 20 năm gắn bó với nghề đục hàu cho biết, người dân ven biển từ nhiều đời nay đều phải bám biển để mưu sinh. “Từ lúc sinh ra đến giờ, biển luôn gắn bó với cuộc sống của chúng tôi. Ngoài chăn nuôi, thu nhập từ nghề đẽo đá đục hàu đã giúp tôi có thêm thu nhập, lo cho con ăn học” - bà Châu tâm sự.
Cũng theo bà Châu, mỗi chuyến đi đục hàu thường kéo dài khoảng 4 - 5 tiếng, mỗi người có thể thu được khoảng gần 3kg ruột hàu. Ruột hàu có giá khoảng 80 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi chuyến đi, một người có thể kiếm được khoảng 200.000 - 250.000 đồng. Mặc dù số tiền thu về không lớn nhưng đã giúp cho không ít người dân nơi đây tăng thêm nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.
Ngay từ sáng sớm, chị Nguyễn Thị Mai (45 tuổi, trú tại xã Cẩm Nhượng) đã có mặt tại cầu Cửa Nhượng để bắt đầu công việc. Chị Mai chia sẻ, nhà đông con, nếu chỉ trông chờ vào vài sào ruộng thì không đủ nên tranh thủ vào những ngày hè, chị và các con ra đây cùng đẽo đá bắt hàu để kiếm tiền phụ giúp gia đình và dành dụm mua sách vở cho con khi bước vào năm học mới.
Theo chị Mai, để đục được nhiều hàu, ngoài việc kiên trì thì phải có kinh nghiệm và đôi mắt tinh anh. Người lành nghề chỉ nhìn vào vỏ hàu là biết ngay con hàu đó sống hay chết. Khi thấy con hàu sống, một tay cầm búa, tay kia cầm dùi và đập mạnh xuống thì mới tách được vỏ hàu. Sau khi tách ra, bỏ vỏ là sẽ lấy được hàu nhân. Cứ khoảng 15-20kg hàu vỏ mới tách được 1kg hàu nhân.
Hàu sau khi được khai thác từ các bãi đá sẽ được bán cho các thương lái, hoặc đem ra chợ để tiêu thụ. Hàu ở chân cầu Cửa Nhượng luôn được người dân, các nhà hàng hải sản, khách sạn, quán ăn trên địa bàn ưa chuộng bởi vị ngọt đặc trưng. Món hải sản nhiều dinh dưỡng này có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như hàu nướng, cháo hàu…
“Khi tìm chính xác con hàu sống sẽ tiết kiệm thời gian và cho ra sản phẩm nhiều hơn. Đục hàu không mất nhiều sức nhưng cũng không kém phần vất vả bởi phải bám mình trên những mỏm đá, chỉ cần sơ sẩy, trượt chân là bị hàu cắt chảy máu. Làm nghề này bị búa đập vào tay, đá nhọn, vỏ hàu cứa chảy máu là chuyện bình thường” - chị Mai nói.
Khi thủy triều bắt đầu lên, gió thổi mạnh hơn cũng là lúc người dân mang thành quả là những giỏ hàu trở về nhà.
Chia tay những người phụ nữ nơi đây, chúng tôi trở về mang theo hình ảnh biển chiều mênh mông, từng cơn sóng vỗ đập vào những tảng đá tung bọt trắng xóa...
Cầu Cửa Nhượng bắc qua cửa biển Cửa Nhượng, nối liền 2 xã Cẩm Nhượng - Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên. Cầu nằm trên tuyến đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng. Các tuyến đê, kè, bãi đá, bãi cát gần cây cầu này từ lâu đã trở thành nơi trú ngụ của ngao, hàu.