Tổng thống Mỹ Barack Obama hiện đang cân nhắc đề xuất Nga kéo dài hiệp ước New START liên quan tới vấn đề triển khai vũ khí hạt nhân. Động thái dường như cho thấy lãnh đạo Mỹ muốn đảm bảo rằng thỏa thuận này sẽ được kéo dài để người kế nhiệm ông không thể đảo ngược được.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman III được phóng từ căn cứ không quân Vandenberg, California. (Nguồn: Reuters).
Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược - còn gọi là New START - được ký kết hồi tháng 4/2010 tại Prague, Công hòa Séc, có hiệu lực kể từ 10 tháng sau ngày ký kết, và sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021. Thỏa thuận nêu rõ rằng hai kỳ phùng địch thủ trong Chiến tranh Lạnh là Nga và Mỹ, cần phải giảm số lượng các loại vũ khí hạt nhân chiến lược mỗi bên 1.550 đơn vị vào năm 2018.
Tuy nhiên, Tổng thống Obama gần đây thể hiện rõ ý muốn đề xuất với Moscow kéo dài hiệp ước này thêm 5 năm nữa, khi bản thân ông nhận thấy thực tế rằng chính quyền tiếp sau nhiệm kỳ của ông có thể sẽ muốn hủy thỏa thuận này, tờ Washington Post cho hay.
“Khi chúng ta bước vào gia đoạn cuối của nhiệm kỳ của ông Obama, cần phải nhớ rằng ông đã từng cam kết sẽ theo đuổi chính sách ngoại giao và kiểm soát vũ khí” - Cố vấn an ninh Mỹ Ben Rhodes từng nói trong bài phát biểu hôm 6/6 vừa qua, được nhiều tờ báo Mỹ dẫn lại.
“Tôi có thể hứa với các bạn rằng Tổng thống Obama sẽ tiếp tục xem xét lại các biện pháp mà ông ấy có thể tạo bước tiến tại bàn nghị sự Prague trong 7 tháng tới” - ông Rhodes nói thêm, ám chỉ quá tình đàm phán về hiệp ước New START.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama từng tuyên bố rằng họ muốn tạo các bước tiến mới để đảm bảo rằng kho vũ khí hạt nhân của nước Mỹ không được hiện đại hóa trong dài hạn - điều có thể khiến Mỹ tiêu tốn khoản ngân sách 355 tỷ USD từ nay cho tới năm 2030, và còn có thể tăng vọt lên tới 1 nghìn tỷ USD.
Điều này tuy nhiên dường như là một bước quay ngoặt 180 độ bởi hồi năm 2014, chính quyền Washington từng nói với Lầu Năm Góc rằng họ cần dành ra một khoản ngân sách để đóng thêm 12 tàu ngầm tên lửa mới, 100 máy bay ném bom mới và 400 tên lửa mặt đất, tất cả đều chế tạo mới hoặc có thể cải tiến từ các mẫu hiện hành.
Tuyên bố mới cũng dường như mâu thuẫn với một tuyên bố mà ông Obama từng đưa ra hồi tháng 4/2009, mà trong đó ông đã vẽ ra một giấc mơ về một hành tinh không có vũ khí hạt nhân trong một bài tuyên bố ở Prague.
“Chúng ta cần chung tay vì quyền được tự do sống mà không có sự sợ hãi của người dân ở khắp mọi nơi” - ông Obama nói vào thời điểm đó - “Là một cường quốc hạt nhân, và là cường quốc hạt nhân duy nhất từng sử dụng vũ khí hạt nhân, Mỹ cần có trách nhiệm hành động”.
Sức ép gia tăng
7 năm sau khi đưa ra bài phát biểu đó tại Prague, dường như Tổng thống Obama lại một lần nữa cam kết sẽ thực thi điều mình đã hứa, bất chấp thực tế rằng ông đang chịu rất nhiều sức ép từ phía Thượng viện và Quốc hội Mỹ.
“Rõ ràng là chương trình nghị sự ở Prague đã bị chững lại” - Washington Post dẫn lời Joe Cirincione, chủ tịch Quỹ Ploughshares ủng hộ giải trừ vũ khí hạt nhân, cho hay - “Không có gì ngài Tổng thống làm mà lại không bị các đối thủ của ông chỉ trích, nên ông cũng sẽ làm điều mà ông ấy muốn. Ông ấy đang thêm phần hứng khởi trong những ngày cuối ở Nhà Trắng”.
Việc Tổng thống Mỹ phải chịu sức ép ghê gớm liên quan tới vấn đề vũ khí hạt nhân là một thực tế đã được minh chứng từ lâu. Mới hồi tháng Sáu vừa qua, 2 chính trị gia hàng đầu của phía đảng Cộng hòa đã lên tiếng thúc giục ông phải cam kết thực thi các kế hoạch hiện đại hóa vũ khí hạt nhân của nước Mỹ.
Dẫn chứng các bình luận mà ông Rhodes từng đưa ra vào ngày 6/6 vừa qua, Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain và Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Thượng viện Bob Corker nói rằng Tổng thống cần phải tuân thủ các cam kết mà ông từng đưa ra trước Quốc hội.
“Chúng tôi quan ngại về các bình luận mà ông Rhodes đưa ra, có khả năng là báo trước về việc xem xét lại chương trình hiện đại hóa mà Tổng thống từng cam kết sẽ cấp vốn” - McCain và Corker từng viết trong một bức thư được công bố vào ngày 17/6, theo Defense News.
Hôm đầu tuần, trả lời phỏng vấn về khả năng Mỹ đề xuất kéo dài hiệp ước New START, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho hay Moscow vẫn chưa nhận được bất cứ thông báo gì từ phía Mỹ liên quan tới hiệp ước này. “Chúng tôi không hề biết gì về điều này”, ông nói trước báo giới.