Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/6 nói rằng ông đã sẵn sàng áp đặt thêm hàng rào thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nếu như các vòng đàm phán thương mại với Chủ tịch Trung Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức cuối tháng này không đạt bước tiến.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời phỏng vấn báo chí hôm đầu tuần. Nguồn: Reuters.
Sẵn sàng đánh thuế
Kể từ khi các vòng đàm phán thương mại tổ chức hồi tháng trước ở Washington kết thúc trong bế tắc, ông Trump đã liên tiếp nói rằng ông kỳ vọng vào cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh G20 tổ chức trong hai ngày 28 -29/6 tại Osaka, Nhật Bản. Tuy nhiên phía Trung Quốc chưa xác nhận về cuộc họp như vậy.
Tuần trước, Tổng thống Trump nói rằng sau cuộc họp lãnh đạo của các nền kinh tế hàng đầu thế giới, ông sẽ ra quyết định xem có nên áp thuế với lượng hàng 300 tỷ USD của Trung Quốc hay không. Và trong hôm đầu tuần này, ông Trump nói rằng ông vẫn hy vọng cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc sẽ diễn ra.
“Chúng tôi dự kiến sẽ gặp gỡ và nói chuyện. Tôi nghĩ những điều thú vị sẽ xảy ra. Hãy chờ xem điều gì xảy ra” - ông Trump nói trước báo giới tại Nhà Trắng.
Mỹ đã áp thuế 25% đối với lượng hàng 200 tỷ USD của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng họ sẵn lòng mở lại các cuộc đàm phán với Mỹ, nhưng chưa thông báo về cuộc họp nào giữa lãnh đạo hai bên. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh đã tăng đột biến trong tháng 5, sau khi ông Trump cáo buộc chính quyền Bắc Kinh thoái lui khỏi các cam kết họ từng đưa ra trong các vòng đàm phán thương mại.
Ngày 10/5, ông Trump đã nâng mức thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng 200 tỷ USD của Trung Quốc và đưa ra lời đe dọa sẽ áp thuế thêm với lượng hàng 300 tỷ USD. Bắc Kinh đáp trả bằng cách nâng thuế đối với lượng hàng 60 tỷ USD của Mỹ. Chính phủ Mỹ cũng khiến Trung Quốc tức giận khi liệt Tập đoàn Viễn thông Huawei của nước này vào danh sách đen, đồng thời cấm các công ty Mỹ làm ăn với Công ty này.
Giới đầu tư lo ngại rằng Trung Quốc sẽ đáp trả bằng cách liệt các công ty Mỹ vào danh sách đen hoặc cấm xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ. Hãng xếp hạng Fitch Ratings hôm 11/6 cho rằng, động thái như vậy có thể làm gián đoạn khu vực công nghệ Mỹ và gây tổn hại cả cho phía Trung Quốc, dù nhấn mạnh rằng còn quá sớm để đánh giá về tầm ảnh hưởng.
Thỏa thuận với Mexico
Cuộc chiến thương mại ngày càng tăng nhiệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã làm chấn động các thị trường tài chính, với nhiều quan ngại rằng nó có thể gây tổn hại tới chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và gây ra tình trạng suy thoái.
Hôm cuối tuần trước, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde nói rằng việc giải quyết tranh chấp thương mại nên là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các nền kinh tế thuộc nhóm G20.
Hôm đầu tuần này, Trung Quốc báo cáo rằng xuất khẩu hàng hóa của họ đã tăng trưởng 1,1% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp các đòn áp thuế của Mỹ. Tuy nhiên hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc lại giảm nhiều nhất trong vòng 3 năm qua. Một số nhà phân tích cho rằng có khả năng các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc đã nhanh chóng vận chuyển hàng hóa tới Mỹ để tránh bị Mỹ áp thuế thêm.
Rất nhiều tổ chức doanh nghiệp Mỹ đã lên tiếng phản đối áp thuế, trong đó nhiều công ty thể hiện quan ngại rằng nguồn cung thấp, giá cả hàng hóa cao sẽ gây ảnh hưởng tới người tiêu dùng và các nhà sản xuất trong nước.
Cuối tháng trước, Tổng thống Trump nói rằng ông sẽ áp thuế đối với hàng hóa của Mexico nếu như nước này không chịu đưa ra các biện pháp tăng cường kiểm soát dòng người di cư từ Trung Mỹ đến biên giới nước Mỹ. Washington và Mexico City sau đó đã đạt được một thỏa thuận để đảo ngược đòn áp thuế, xua tan quan ngại về khả năng Mỹ lao vào 2 cuộc chiến thương mại cùng một lúc.
Thị trường cổ phiếu toàn cầu trong phiên giao dịch đầu tuần này đã theo đà tăng, trong khi đồng USD của Mỹ tăng giá so với nhiều đồng tiền trong rỏ tiền tệ của IMF. Đồng peso của Mexico cũng tăng hơn 2% so với đồng bạc xanh, phục hồi lại giá trị so với 2 tuần trước đó.
Tuy nhiên, ông Trump nói rằng các đòn thuế của ông nhằm vào Mexico vẫn có thể được áp dụng trở lại nếu như Quốc hội Mexico không phê chuẩn thêm một thỏa thuận khác về vấn đề nhập cư.