Bộ Tài chính Mỹ cho biết quyết định này không chỉ áp dụng trừng phạt đối với chính phủ, mà cả với các cá nhân, doanh nghiệp có dính líu tới hoạt động liên quan đến Triều Tiên.
(Nguồn: AFP/Getty Images).
Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài (OFAC) của Bộ Tài chính Mỹ vừa công bố số liệu về đóng băng tài sản của các nước bị Washington xếp vào danh sách gọi là "các quốc gia tài trợ khủng bố" trong năm 2018, theo đó đóng băng 743,6 triệu USD tài sản của Triều Tiên, tăng 17,3% so với năm 2017.
Bộ trên cho biết quyết định trên không chỉ áp dụng trừng phạt đối với chính phủ, mà cả với các cá nhân, doanh nghiệp có dính líu tới hoạt động liên quan đến Triều Tiên.
Triều Tiên bị Mỹ liệt vào "danh sách đen" kể trên vào tháng 1/1988, và đến tháng 11/2008, Washington đưa Bình Nhưỡng khỏi danh sách này do hai bên đạt được thỏa thuận kiểm chứng hạt nhân.
Tuy nhiên, tháng 11/2017, ngay trong năm đầu tiên của chính phủ Tổng thống Donald Trump, Mỹ tiếp tục đưa Triều Tiên vào danh sách trên.
Trong một diễn biến liên quan, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nói rằng Triều Tiên vẫn là một "mối đe dọa" đối với an ninh khu vực và toàn cầu, đồng thời kêu gọi các nước khác phối hợp chặt chẽ để trừng phạt.
Tuy nhiên, quan chức trên nhấn mạnh ủng hộ việc sử dụng biện pháp ngoại giao "để đạt phi hạt nhân hóa Triều Tiên một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng, và thực thi luật pháp quốc tế."
Phát biểu ngày 1/6 tại Đối thoại Shangri-La, đang diễn ra ở Singapore, ông bày tỏ "hoàn toàn tin tưởng vào khả năng thương lượng nhằm đạt một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn."
Ông Shanahan cho biết thêm, về mặt chính trị, vai trò của ông là sẵn sàng cho trường hợp ngoại giao thất bại.