Hôm 21/9, Mỹ tiếp tục đưa ra những thông điệp gây căng thẳng khi cho hay họ đang cân nhắc về việc liệu thỏa thuận hạt nhân Iran có đem lại lợi ích về mặt an ninh hay không, dù rằng chính quyền Tehran không tin rằng Washington sẽ hủy bỏ thỏa thuận này.
Tổng thống Mỹ đưa ra tín hiệu về khả năng hủy vỏ thỏa thuận hạt nhân Iran. (Nguồn: BusinessInsider).
Sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 (JCPOA), thứ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gọi là "một sự xấu hổ" nhưng lại được các cường quốc khác trên thế giới từng tham gia đàm phán với Iran ủng hộ, có thể khởi dậy một cuộc chạy đua vũ trang khu vực và gia tăng căng thẳng Trung Đông.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã tuyên bố rằng, đất nước ông sẽ không phải là bên đầu tiên vi phạm thỏa thuận này, trong đó Tehran chấp nhận hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc các nước phương Tây gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế của họ.
"Chúng tôi không nghĩ rằng ông Trump sẽ rút khỏi thỏa thuận này, bất chấp luận điệu đe dọa của ông ấy" - Tổng thống Rouhani nói trước báo giới bên lề cuộc họp Đại hội đồng LHQ, đồng thời loại bỏ khả năng tái đàm phán lại các điều khoản của thỏa thuận này.
Trong khi đó, Tổng thống Trump nói trước báo giới rằng ông đã có quyết định cuối cùng về thỏa thuận hạt nhân Iran, nhưng không công bố quyết định đó.
Vấn đề này còn mập mờ hơn sau khi Iran cùng các cường quốc thế giới từng tham gia đàm phán hạt nhân - Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ - có cuộc họp bàn bên lề cuộc họp Đại hồi đồng LHQ, trong đó có cuộc thảo luận dài giữa Ngoại trưởng Mỹ và Iran.
Đây là lần đầu tiên mà Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif có cuộc gặp trực tiếp kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Cao ủy EU về Chính sách Ngoại giao, bà Federica Mogherini, cho hay tất cả các bên đều tin rằng không có sự vi phạm nào đối với thỏa thuận hạt nhân, nhưng cũng không dám chắc liệu Mỹ có tiếp tục giữ vững thỏa thuận này sau vòng họp kéo dài 1 giờ 20 phút hay không.
"Chúng ta vốn đã có một cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm tàng. Chúng ta rõ ràng không cần thêm một cuộc khủng hoảng thứ hai" - bà Mogherini nói trong một cuộc họp báo tại New York hôm 21/9.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Tillerson nói rằng, Tổng thống Trump không muốn để vấn đề hạt nhân Iran cho đời Tổng thống tiếp theo.
"Đó là lý do mà ông ấy rất, rất cẩn thận khi đưa ra quyết định xem liệu JCPOA có tiếp tục đem lại lợi ích an ninh cho người dân Mỹ hay không" - ông Tillerson nói, đề cập tới thỏa thuận hạt nhân theo tên chính thức.
Mới chỉ cách đây vài ngày, trong hôm 20/9, Tổng thống Trump còn nhắc lại chỉ trích của mình, cho rằng JCPOA là "một trong những thương vụ một chiều và tồi tệ nhất mà nước Mỹ từng dính phải", trong một cuộc họp báo tại New York.
Ông Trump sẽ phải công bố quyết định cuối cùng của mình trước ngày 15/10, thời điểm mà nước Mỹ phải xác nhận xem liệu Iran có tuân thủ cam kết của JCPOA hay không. Nếu ông Trump xác nhận điều ngược lại, Quốc hội Mỹ sẽ có 60 ngày để quyết định xem có nên áp đặt lại các lệnh trừng phạt đối với Iran hay không.
Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ cho hay Tổng thống Trump hiện đang nghiêng về phía không xác nhận Iran tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và để cho Quốc hội Mỹ xem xét việc hủy thỏa thuận này. Tuy nhiên, vị quan chức này cũng nói rằng ông Trump luôn có thể thay đổi quyết định trước phút chót nếu như thấy thỏa thuận vẫn có lợi cho nước Mỹ.
Cùng lúc, một nguồn tin khác lại cho rằng chính quyền của Tổng thống Trump đang cân nhắc về các biện pháp mà vẫn giữ nguyên được thỏa thuận hạt nhân với Iran, cùng lúc vẫn áp đặt được lệnh trừng phạt với nước này do các vụ thử tên lửa và sự ủng hộ các tổ chức cực đoan của nó.
Viễn cảnh Mỹ hủy bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến nhiều đối tác của nước này tỏ rõ sự quan ngại, đặc biệt là trong bối cảnh thế giới đang ứng phó với mối lo từ chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Một trong số đó là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã nói trong một cuộc họp báo tại New York hôm 20/9 rằng sẽ là một sai lầm nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Tuy nhiên ông Macron cũng có vẻ đồng tình với các biện pháp cứng rắn hơn với Iran, cho rằng thỏa thuận hạt nhân là chưa đủ trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Iran đang gia tăng.