Kinh tế

Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 90 ngày: Cơ hội để đàm phán thương mại song phương

H.Hương – P.Vân 11/04/2025 09:10

Mỹ đã quyết định hoãn áp thuế đối ứng 90 ngày với Việt Nam. Điều này không chỉ giúp giảm bớt áp lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu mà còn mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán thương mại song phương giữa hai quốc gia. Theo đó, hai nước cần sớm đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương nhằm tạo khuôn khổ lâu dài thúc đẩy quan hệ kinh tế, thương mại ổn định, cùng có lợi, phù hợp với quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Diễn biến tích cực

Sáng 10/4, thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo giảm thuế đối ứng còn 10%, hoãn thi hành 90 ngày, chính thức được xác nhận. Trước mắt, việc hoãn áp thuế giúp các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam tránh áp lực tài chính và duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Nhiều ngành hàng như dệt may, da giày và điện tử được hưởng lợi trực tiếp từ quyết định này, tiếp tục duy trì đơn hàng và hoạt động sản xuất.

Lãnh đạo nhiều DN đã “thở phào” trước thông tin Tổng thống Mỹ thông báo hoãn tăng thuế đối ứng trong 90 ngày với hầu hết nền kinh tế, giữ nguyên mức thuế chung 10%.

Ông Nguyễn Ngọc Quý - Giám đốc một DN chuyên về may thêu ở TP Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên) chia sẻ, dù là DN nhỏ nhưng cũng rất quan tâm trước tình hình thuế quan từ thị trường Mỹ. Bởi nếu ngành khó khăn chung thì các DN nhỏ cũng không nằm ngoài vòng xoáy.

ảnh trên 67
Việc Mỹ hoãn áp thuế giúp các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp dệt may duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Ảnh: Quang Vinh

Tương tự, chia sẻ với báo giới, bà Chu Thị Thu Thủy - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty may Bắc Giang LGG cho biết, nếu thuế 46% được áp dụng, gần như toàn bộ DN vừa và nhỏ trong ngành sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc tạm hoãn áp thuế giúp DN duy trì đơn hàng và sản xuất ổn định.

Đại diện Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng việc hoãn áp mức thuế cao sẽ giúp DN duy trì các đơn hàng và sản xuất ổn định.

Tiếp nhận diễn biến tích cực này, Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) đã phát đi thông tin AmCham phấn khởi khi biết thiện chí của Mỹ. Là tổ chức đại diện cho hơn 550 DN Mỹ tại Việt Nam và 2.500 thành viên cá nhân, AmCham hết sức ủng hộ việc trì hoãn áp thuế đối ứng, vì điều này là cần thiết để cho phép cả các công ty Việt Nam và Mỹ điều chỉnh theo các mức thuế quan mới; đồng thời tạo điều kiện để Chính phủ Mỹ và Việt Nam thống nhất về một khuôn khổ thương mại bền vững vì lợi ích của cả hai nước.

Theo đánh giá của AmCham, Việt Nam đã quyết định nhanh chóng tham gia các cuộc thảo luận rất thiện chí với Mỹ nhằm mục đích giảm thâm hụt thương mại của Mỹ thông qua việc cắt giảm các rào cản thuế quan và phi thuế quan.

AmCham cũng nhận định, thông báo của chính quyền ông Trump cho thấy đây là một "khoảng dừng" quý giá. Trong thời gian tạm dừng này, AmCham mong muốn hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam và cộng đồng DN để nhằm xác định và giải quyết các rào cản thương mại quan trọng và hợp pháp.

Những ngày qua, vòng xoáy thuế quan thu hút sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng DN. Ngày 10/4 (giờ Hà Nội), trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương.

Đáp lại, đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer cho biết Mỹ nhất trí hai bên khởi động đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, gồm nội dung về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên trao đổi ngay.

Ông Greer đánh giá cao chuyến thăm của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc với tư cách là Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm. Ông cho rằng Việt Nam đã có các bước đi tích cực, chủ động, thể hiện cam kết về thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Mỹ.

Đại diện Thương mại Mỹ khẳng định nước này "coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam". Phía Mỹ cũng mong muốn phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, hướng tới quan hệ ngày càng sâu sắc trên các lĩnh vực.

Ông Jamieson Greer chia sẻ những lý do và thách thức buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump phải thực hiện chính sách thuế quan. Ông cũng giải thích mức thuế cao áp với Việt Nam là do thâm hụt thương mại lớn của hai nước.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Việt Nam chủ động nhiều biện pháp giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại, đáp ứng những quan tâm của phía Mỹ. Vì thế, việc Mỹ áp thuế cao, mức 46%, với hàng nhập từ Việt Nam là không phù hợp với quan hệ kinh tế thương mại cùng có lợi giữa hai nước. Mức thuế này cũng không phản ánh đúng tinh thần quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hoá của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại…

Cần hành động nhanh và sáng tạo

Về phía cộng đồng DN, nhiều ngành hàng cho biết việc được hoãn thời hạn áp thuế có thể được xem là tín hiệu đáng mừng, giúp các DN có thời gian điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh.

Đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam chia sẻ, việc hoãn áp thuế có thể giúp các DN xuất khẩu cá tra xem xét, điều chỉnh kế hoạch nuôi, thu mua và sản lượng xuất khẩu. Về lâu dài, nếu thuế đối ứng vẫn ở mức cao như vậy thì sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của hầu hết DN. Các DN ngành hàng cá tra đang nỗ lực xoay xở song cũng rất thận trọng. Mọi thứ vẫn phải trông chờ vào việc thương thảo của Chính phủ Việt Nam với Chính phủ Mỹ.

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Vina T&T nhìn nhận, 90 ngày tạm hoãn thuế đối ứng của Mỹ là thời gian quý báu để DN xuất khẩu có thêm thời gian đàm phán với đối tác. Ngoài ra, DN cũng đang chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu, mục tiêu là thị trường Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, thị trường Halal...

Nông nghiệp cũng được đánh giá là một trong những ngành chịu ảnh hưởng mạnh nếu như Mỹ áp thuế đối ứng 46%. Song, trong khó khăn, ngành này cho biết, vẫn nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra là thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

Đối với thị trường xuất khẩu, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở cửa thị trường, đàm phán để tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa xuất khẩu chính ngạch thêm nhiều nông sản vào thị trường truyền thống, các thị trường có tổng kim ngạch xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Mỹ, EU, Nga, Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc… Mở cửa các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như thị trường thực phẩm Halal của các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi... với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc. Xây dựng báo cáo thị trường xuất khẩu nông sản, giải pháp ứng phó đối với những thay đổi liên quan đến thuế, xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật… tại các thị trường Mỹ, EU, Trung Quốc. Đồng thời, chú trọng xây dựng thương hiệu “Nông sản Việt” đối với các sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam trên thị trường thế giới. Đối với thị trường trong nước, Bộ này cho biết sẽ có lộ trình, phương án giải pháp rõ ràng đẩy mạnh tiêu thụ nội địa đối với những sản phẩm có tính thời vụ cao như rau, hoa, quả.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng sẽ có chính sách hỗ trợ bảo đảm cho người dân yên tâm sản xuất, DN kinh doanh trong trường hợp thị trường biến động, nhất là đối với một số thị trường có nguy cơ không tăng trưởng cao năm 2024 như lúa gạo, một số loại trái cây.

Nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách tín dụng ưu đãi, hỗ trợ miễn giảm tiền thuê đất cho doanh nghiệp đầu tư kho bãi và hệ thống logistics để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản.

Ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam chia sẻ, nhiều đơn hàng DN đã và đang sản xuất, sẵn sàng xuất khẩu nhưng vì thời hạn áp thuế vào ngày 9/4 trước đó mà đối tác tạm dừng nhập khẩu. Do đó, thời điểm này sẽ thúc đẩy xuất khẩu nhanh, tránh để hàng tồn quá lâu.

Ông Cầm cũng cho rằng phải đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán để chia sẻ rủi ro về mức thuế 10% hiện tại cũng như các vấn đề về thuế sau thời hạn 90 ngày tạm hoãn. Từ đó, DN tính toán điều tiết chi phí sản xuất cho hiệu quả nhất.

Cẩn trọng các bước đi tiếp theo

Môi trường kinh tế toàn cầu đang thay đổi từng giờ và chịu ảnh hưởng đáng kể bởi các tuyên bố từ lãnh đạo cấp cao các nước lớn. Việc tạm ngừng áp thuế là cơ hội cho DN xoay sở tình thế trong ngắn hạn, song về dài hạn, chiến lược phát triển xuất nhập khẩu cần tính toán lại, căn cơ hơn. Trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và bảo vệ lợi ích hợp pháp, Việt Nam cần giải trình rõ ràng về xuất xứ, tính minh bạch của chuỗi cung ứng, sự tuân thủ quy tắc thương mại quốc tế, đồng thời chủ động đề xuất loại trừ thuế với những mặt hàng ít cạnh tranh trực tiếp với sản xuất nội địa của Mỹ.

TS Nguyễn Thị Hoa, Khoa Tài chính Ngân hàng, Trường Đại học Tài chính – Marketing phân tích, ứng phó với biến động chính sách thuế từ các đối tác thương mại lớn không chỉ là vấn đề kinh tế - kỹ thuật, mà là thách thức về năng lực điều phối chính sách quốc gia trong điều kiện hội nhập toàn diện. Do đó, cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa giải pháp ngắn hạn mang tính hỗ trợ và chiến lược dài hạn mang tính tái cấu trúc.

Về dài hạn, cần thực hiện 5 định hướng chiến lược: Tái cơ cấu thị trường xuất khẩu theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa – giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường đơn lẻ. Tận dụng ưu đãi từ các hiệp định FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP để mở rộng thị phần tại châu Âu, Đông Bắc Á, ASEAN…

Thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí và nâng cao khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế - yếu tố then chốt để vượt rào cản kỹ thuật và thuế quan.

Xây dựng cơ chế cảnh báo sớm và trung tâm phân tích rủi ro thương mại toàn cầu đặt tại Bộ Công thương, giúp các DN và Bộ ngành có công cụ theo dõi, đánh giá và ra quyết định nhanh chóng khi môi trường thương mại quốc tế biến động.

Do đó, thay vì chỉ “đối phó tình huống”, đây là cơ hội để chúng ta đặt câu hỏi: Việt Nam cần làm gì để không chỉ tồn tại trong cuộc chơi thương mại toàn cầu, mà còn phải định vị vai trò ngày càng có giá trị trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế? Trong đó với nhóm DN lớn, có tiềm lực tài chính và khả năng mở rộng thị trường, đã và đang chủ động xây dựng các phương án dự phòng. Họ tập trung vào mở rộng thị trường xuất khẩu sang châu Âu, Đông Bắc Á, Trung Đông và các quốc gia thành viên trong các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA… Đây là cách tiếp cận phù hợp với định hướng tại Chiến lược phát triển xuất khẩu bền vững đến năm 2030 do Bộ Công thương đề xuất, và tinh thần chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng được nêu rõ trong các văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Còn với DN nhỏ và vừa (DNNVV) - vốn chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế – lại tỏ ra lúng túng hơn. Nhiều đơn vị trong nhóm này còn phụ thuộc lớn vào một hoặc hai thị trường truyền thống, thiếu bộ phận nghiên cứu thị trường quốc tế, chưa có khả năng chuyển đổi mô hình kinh doanh khi gặp biến động chính sách đột xuất.

Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DNNVV, bao gồm đào tạo quản trị rủi ro, nâng cao khả năng chuyển đổi số, và tăng cường kết nối thị trường thông qua các tổ chức trung gian như hiệp hội ngành hàng, trung tâm xúc tiến thương mại.

Việt Nam sẽ cùng Hoa Kỳ đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng

Chiều 10/4, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết bình luận của Bộ Ngoại giao và các biện pháp sắp tới của Việt Nam trước việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với hơn 75 quốc gia, trong đó có Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng cho biết, quyết định của Hoa Kỳ ngừng đánh thuế đối ứng trong 90 ngày đối với các mặt hàng xuất khẩu của các nước sang Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam là bước đi tích cực.

“Trên tinh thần quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Việt Nam sẽ cùng Hoa Kỳ tiến hành đàm phán về một thỏa thuận thương mại đối ứng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau nhằm đạt được các giải pháp thỏa đáng hướng đến thương mại công bằng, bền vững và đáp ứng lợi ích của người dân và doanh nghiệp hai nước” - bà Phạm Thu Hằng nói.

Bà Phạm Thu Hằng cho biết, điều này thể hiện tinh thần của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện giữa hai nước, cũng như tinh thần kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

X.Ban

TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin công nghiệp và Thương mại – Bộ Công thương:

Trong “nguy” có “cơ”

mr Lê Quốc Phương

Nền kinh tế của chúng ta đang là nền kinh tế gia công lắp ráp, sử dụng lao động tay nghề thấp, nền kinh tế phát triển theo chiều rộng, nhập nguyên liệu để sản xuất hàng hoá xuất sang nước khác, nên giá trị được hưởng từ xuất khẩu không nhiều. Do vậy, bước đi dài hơi là chuyển sang nền kinh tế phát triển theo chiều sâu, phát triển công nghệ cao mà trong đó định hướng là phát triển công nghiệp bán dẫn rất rõ nét. Việc chuyển đổi mô hình kinh tế chúng ta đã và đang làm nhưng làm chậm, lâu. Lần này, trong “nguy” có “cơ”, khi bị dồn vào chân tường chúng ta phải làm dứt điểm và nhanh.

Quan trọng là cách tiếp cận và khai thác sao cho hiệu quả

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, TS Nguyễn Quốc Việt - nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng, chúng ta có 90 ngày tạm hoãn áp dụng mức thuế cao để đàm phán song phương với Mỹ. Song vẫn phải tranh thủ sự đoàn kết và hướng tới các giá trị nền tảng chung mà cộng đồng thế giới, các nước tiến bộ theo đuổi đó là chủ nghĩa đa phương trong thương mại tự do. Trong bối cảnh hiện nay, cách tiếp cận toàn cầu, trong đó có tăng cường đoàn kết quốc tế, đề cao chủ nghĩa đa phương, thúc đẩy quan hệ đối tác, chính là "chìa khóa" để vượt qua mọi khó khăn, hướng tới sự phát triển thịnh vượng chung cho nhân loại.

ảnh bài dưới 67

“90 ngày này là vô cùng quý giá, chúng ta phải tận dụng hiệu quả. Như nhận định của Chính phủ, thị trường Mỹ là thị trường lớn, rất quan trọng với Việt Nam nhưng không phải là duy nhất, bởi chúng ta cũng có rất nhiều đối tác chiến lược, có rất nhiều thị trường tiềm năng khác. Quan trọng là cách chúng ta tiếp cận và khai thác sao cho hiệu quả” - ông Việt nhấn mạnh.

Chính vì vậy, theo ông Việt, bên cạnh công tác đàm phán để đi đến ký kết một hiệp định đối tác song phương mới với Mỹ, Việt Nam cần mở rộng đối thoại cũng như thể hiện tinh thần hữu nghị, sẵn sàng hợp tác. Cùng với đó, chúng ta cần củng cố lại nền tảng liên kết của khu vực, đặc biệt khu vực ASEAN. Nhất là trong bối cảnh hiện nay các quốc gia ASEAN đều bị ảnh hưởng và có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực từ các chính sách thuế quan của Hoa Kỳ cũng như có thể bị rơi ảnh hưởng vào vòng xoáy của chiến tranh thương mại với những động thái đáp trả của các khu vực khác lớn khác như EU, Trung Quốc... Do đó, việc liên kết, tạo sự đồng thuận có ý nghĩa rất lớn trong quá trình đàm phán.

Về đối nội, chúng ta cần linh hoạt uyển chuyển bảo vệ lợi ích hài hòa các bên nhưng dựa trên nền tảng giữa sự đoàn kết và chia sẻ rủi ro lợi ích của các thành phần. Trong bối cảnh đó, Nhà nước cũng như các doanh nghiệp cần phải lấy lợi ích của người dân và người lao động nói riêng là cốt lõi. Tức là làm sao trong mọi giải pháp, trước hết cần quan tâm đến lợi ích của người dân, người lao động đặc biệt là lao động yếu thế bị rủi ro rơi vào hoàn cảnh mất việc, giảm thu nhập khi có những biến động từ bên ngoài.

Thuế đối ứng áp dụng với các đối tác thương mại lớn của Mỹ, theo công bố ban đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, có hiệu lực từ 9/4 với thuế suất 11-84%. Chính sách này khiến thế giới chao đảo một tuần qua. Đối với nền kinh tế Việt Nam, trong bối cảnh thị trường toàn cầu vẫn còn nhiều bất ổn sau đại dịch và xung đột địa chính trị kéo dài, cuộc đua về thuế quan và chiến tranh thương mại hình thành, chúng tôi đã đề xuất trong chính sách vĩ mô cần chuẩn bị dư địa về chính sách tài khóa và tiền tệ để làm bộ đệm cho các chính sách an sinh xã hội nếu như có các biến động bất ngờ từ các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng khả năng tăng trưởng cũng như sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

L.Hương (ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ tạm dừng áp thuế đối ứng 90 ngày: Cơ hội để đàm phán thương mại song phương