Kinh tế

Mỹ tạm ngừng áp thuế đối ứng:Diễn biến nhanh, mở ra cơ hội

Hồ Hương 10/04/2025 20:44

90 ngày hoãn thuế đối ứng của Mỹ được nhìn nhận là cơ hội tốt để doanh nghiệp thúc đẩy việc kiếm tìm các thị trường xuất khẩu mới, giảm phụ thuộc quá lớn vào thị trường Mỹ. Nhưng theo giới chuyên gia, trong bước đi dài hơi, doanh nghiệp hơn bao giờ hết phải coi trọng phòng vệ thương mại.

Cơ hội bao giờ cũng đi kèm thách thức

Ngày 10/4 (theo giờ Việt Nam), chính quyền Mỹ thông báo hoãn áp thuế đối ứng với các nước trong 90 ngày, mức thuế đối ứng trong thời gian này chỉ là mức cơ sở 10%, nhưng riêng hàng hóa Trung Quốc vẫn bị áp thuế 125% và có hiệu lực ngay lập tức.

Trước đó vào ngày 3/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu đối ứng với hơn 180 đối tác thương mại. Theo đó, khoảng một nửa số nền kinh tế chịu mức thuế chung là 10%, có hiệu lực từ ngày 5/4. Các đối tác thương mại lớn của Mỹ sẽ chịu mức cao hơn, lên tới 50%, áp dụng từ 9/4.

fb_img_1695894191382.jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực vượt khó trong giai đoạn này. Ảnh: H.H

Bình luận về việc được hoãn áp thuế, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tình hình đã thay đổi rất nhanh. Chúng ta có 90 ngày để thương thảo với Hoa Kỳ để 2 bên tìm ra giải pháp win – win , tức là cả 2 bên cùng chấp nhận được. Thế nhưng thách thức vẫn còn.

“Chúng tôi đã tính toán, với những mức thuế chúng ta có thể thỏa thuận được với Hoa Kỳ thì áp lực lên ngành gỗ vẫn còn rất nhiều, áp lực không chỉ ở phía doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu mà còn ở cả doanh nghiệp nhập khẩu Hoa Kỳ”, ông Hoài chia sẻ.

Cũng theo phân tích của ông Ngô Sỹ Hoài, biên độ lợi nhuận của ngành dệt may, da giày, hay ngành gỗ là không nhiều, mục tiêu của chúng ta là phải tạo ra công ăn việc làm, nên lấy công làm lãi. Bất cứ phần trăm thuế nào đánh lên sản phẩm cũng tạo ra áp lực, buộc chúng ta phải tiết kiệm rất nhiều, giảm biên độ lợi nhuận, trong những thời điểm chấp nhận không lợi nhuận, hi sinh lợi nhuận để có thanh khoản.

Còn phía Hoa Kỳ thì chủ yếu người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Vì người tiêu dùng thì thực dụng, họ chỉ chấp nhận mua hàng khi giá cả ở một mức phù hợp. Nên thuế tăng, chúng ta không thể đẩy toàn bộ phần thuế này vào giá cho người tiêu dùng và bán lẻ được. Như vậy, đơn hàng xuất khẩu cũng sẽ giảm, và một số mặt hàng xuất khẩu chung ta sẽ phải dừng lại để chờ kết quả đàm phán.

“Cơ hội bao giới cũng đi kèm thách thức và ngược lại. Trước mắt, chúng ta cố gắng tìm thấy cầu vồng sau cơn mưa”, ông Ngô Sỹ Hoài kỳ vọng.

Trong khi đó, ông Hoàng Mạnh Cầm, Phó Chánh Văn phòng Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, lần này Mỹ hoãn áp mức thuế đối ứng 46% cho hàng hóa Việt Nam trong 90 ngày, nhưng vẫn áp mức thuế 10%, sẽ được cộng thêm vào mức thuế đang áp trước đó. Ví dụ, thuế tối huệ quốc (MFN) với hàng may mặc Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ đang áp khoảng 18% thì giờ cộng thêm 10% thành 28%.

Các quốc gia khác cũng tương tự. Ví dụ, thuế với Bangladesh đang là 16% thì giờ thành 26%; Ấn Độ khoảng 15% thì thành 25%. "Không nặng nề như mức thuế 46%, tuy nhiên với thuế 10%, đầu tiêu thụ sẽ giảm, dẫn tới xuất khẩu dệt may nói chung, đặc biệt là hàng may mặc nói riêng sang Mỹ thời gian tới sẽ sụt giảm. Mức độ ảnh hưởng cụ thể phải vài tháng nữa mới đánh giá chính xác được", ông Cầm nói.

Ông Hoàng Mạnh Cầm đánh giá, 90 ngày hoãn thuế là thời gian để có thể đàm phán thêm, cũng như thúc đẩy xuất khẩu nhanh các đơn hàng sang Mỹ. Nhiều đơn hàng doanh nghiệp đã và đang sản xuất, sẵn sàng xuất khẩu nhưng vì thời hạn áp thuế 9/4 trước đó mà đối tác tạm dừng nhập khẩu, nay thúc đẩy xuất khẩu nhanh, tránh để hàng tồn quá lâu. Bên cạnh đó khoảng thời gian hoãn thuế 90 ngày cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tích cực khai thác, tìm kiếm thêm các thị trường mới thay thế, bù đắp khi thị trường Mỹ giảm nhu cầu.

Ông Hoàng Mạnh Cầm cũng đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp rằng, cần đàm phán chặt chẽ với khách hàng, tính toán để chia sẻ rủi ro về mức thuế 10% hiện tại cũng như các vấn đề về thuế sau thời hạn 90 ngày. Từ đó, doanh nghiệp tính toán điều tiết chi phí sản xuất cho hiệu quả nhất.

Khi thuế đối ứng được Mỹ áp ở mức 10%, trao đổi giữa các doanh nghiệp trong ngành dệt may với các đối tác thấy rằng, xu hướng chung là các đối tác sẽ tìm cách chia sẻ một phần thuế tăng thêm với các nhà sản xuất tại Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh... Nhà sản xuất sẽ phải giảm một phần giá bán, ảnh hưởng biên lợi nhuận.

Chuẩn bị tâm thế trong thế giới biến động

dsc06542.jpg
Doanh nghiệp linh hoạt trong bối cảnh đầy thách thức. Ảnh: HPG.

Ngày 10/4 (giờ Hà Nội), trong khuôn khổ chuyến thăm Mỹ, đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đã gặp Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer để trao đổi về các vấn đề kinh tế - thương mại song phương.

Hai nước nhất trí tiếp tục thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế tối đa các rào cản phi quan thuế cho hàng hóa của nhau. Việc này nhằm phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Mỹ tăng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer khẳng định, Mỹ "coi trọng quan hệ song phương với Việt Nam". Phía Mỹ cũng mong muốn phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại, hướng tới quan hệ ngày càng sâu sắc trên các lĩnh vực.

Hoa Kỳ nhất trí hai bên khởi động đàm phán về một thoả thuận thương mại đối ứng, trong đó sẽ bao gồm các thoả thuận về thuế và đề nghị các cấp kỹ thuật của hai bên tiến hành trao đổi ngay.

Hai bên nhất trí sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động rà soát, xem xét hạn chế thấp nhất các rào cản phi quan thuế cho hàng hoá của nhau, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ tăng cường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, tăng cường phối hợp kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi gian lận thương mại.

Luật sư Trương Hữu Ngữ, Giám đốc điều hành Công ty Luật Vilasia cũng nhấn mạnh, Hoa Kỳ sẽ tìm nguồn hàng khác từ các quốc gia có thuế suất thấp hơn để nhập khẩu hàng. Qua câu chuyện thuế đối ứng này, với doanh nghiệp sẽ thấy rằng thuế suất có yếu tố quan trọng liên quan đến xuất xứ hàng hoá. Xuất xứ không chỉ đơn thuần là hàng đi từ Việt Nam là có xuất xứ hàng Việt Nam. Doanh nghiệp phải chứng minh được hàng hóa của mình, quy trình sản xuất, quy trình nhập nguyên liệu. Những điều này phải được chuẩn bị kỹ càng. Doanh nghiệp chỉ lắp ráp , gia công thôi chưa đủ.

Ngoài ra cũng theo ông Trương Hữu Ngữ, doanh nghiệp nên tránh chuyển khẩu bất hợp pháp, lẩn tránh thuế. Nếu mà mặt hàng hay doanh nghiệp nào lọt vào danh sách theo dõi thì sẽ bị Hoa Kỳ xem xét rất nặng, ảnh hưởng bước đi dài cho doanh nghiệp và ảnh hưởng cho cả tiến trình đàm phán của Việt Nam về sau. Do vậy doanh nghiệp phải có những công cụ để giảm thiểu rủi ro này.

Giới chuyên gia cũng đánh giá, thời gian tới chúng ta phải dồn sức nhiều hơn nữa, tập trung các vấn đề lớn để chuẩn bị điều gì tốt nhất cho cuộc đàm phán được đại diện Thương mại chia sẻ là sẽ có trong thời gian tới.

GS.TS Phạm Hồng Chương, Giám đốc Đại học Kinh tế quốc dân, nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc, giải pháp cần tuân thủ trong quan hệ thương mại với Mỹ là minh bạch xuất xứ. Nguyên liệu sản xuất không phải một nước sản xuất từ đầu đến cuối nhưng chắc chắn phần giá trị gia tăng phải được tạo ra nhiều ở Việt Nam. Đây sẽ là căn cứ để Mỹ xem xét đánh thuế.

Về dài hạn, doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo.

Còn TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbringt Việt Nam, nhấn mạnh ngoại giao kinh tế trong thời gian tới là tối quan trọng. Đây là vấn đề mà trước đây cũng đã rất quan trọng nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ, thì vấn đề này càng quan trọng để Việt Nam nhìn thấy trước, xa hơn những vấn đề sắp diễn ra nhằm chuẩn bị tâm thế trong một thế giới đầy biến động.

Sáng 10/4, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN đặc biệt về chính sách thuế quan của Mỹ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chia sẻ quan điểm của Việt Nam đối với chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Theo đó, Việt Nam đã chủ động trong trao đổi, đối thoại và đàm phán với Mỹ.
Việt Nam cho rằng ASEAN cần đoàn kết, bình tĩnh, bản lĩnh trong hợp tác với Mỹ; ưu tiên thúc đẩy hợp tác với các đối tác ngoại khối nói chung cũng như Mỹ nói riêng trong các lĩnh vực mà hai bên cùng quan tâm, qua đó thực hiện các mục tiêu phát triển dài hạn, nâng cao vị thế của ASEAN trong bối cảnh mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mỹ tạm ngừng áp thuế đối ứng: Diễn biến nhanh, mở ra cơ hội