Trong cuộc họp báo hôm 14/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho hay ông đã hối thúc người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngừng thương vụ mua hệ thống phòng thủ của Nga, gọi đó là “thách thức lớn” trong quan hệ song phương, đồng thời mô tả cuộc gặp với ông Erdogan là “tuyệt vời”.
Lãnh đạo Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc họp báo chung tổ chức sau cuộc họp tại Nhà Trắng. (Nguồn: AP).
Không chi tiết cụ thể
Sau cuộc gặp đáng chú ý tại Nhà Trắng nhằm giải quyết khủng hoảng trong quan hệ hai nước, ông Trump nói ông là “fan hâm mộ lớn” của lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ và rằng họ đã có cuộc gặp “mang tính xây dựng”.
Tuy nhiên, cả hai nhà lãnh đạo đều không giải thích rõ ràng được việc làm thế nào để hai nước vượt qua nhiều bất đồng ngày càng tăng về hàng loạt vấn đề - từ vấn đề Ankara tổ chức chiến dịch ở Syria nhằm vào đồng minh Kurd của Mỹ, cho tới việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.
“Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua trang thiết bị quân sự tối tân của Nga, như S-400, đã tạo nên những thách thức to lớn cho chúng tôi và chúng tôi đã thảo luận nhiều về việc này” – ông Trump nói trong cuộc họp báo chung với ông Erdogan – “Chúng tôi đã bàn về điều đó, và sẽ còn bàn trong tương lai, với hy vọng nó sẽ được giải quyết”.
Chỉ vài phút sau cuộc họp báo chung, Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố sử dụng ngôn từ mạnh mẽ hơn. “Để đạt được tiến triển trên các mặt trận khác, điều quan trọng là chúng ta phải giải quyết được các vấn đề xung quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng không S-400 của Nga, tăng cường đối tác quan hệ quốc phòng giữa hai nước” – tuyên bố nêu rõ.
Wahsington cho rằng việc Ankara mua hệ thống S-400 là không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và còn mang tới mối đe dọa mới cho mẫu chiến đấu cơ tàng hình f-35 mà Lockheed Martin đang phát triển. Mỹ cũng lo ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang ra sức tăng cường quan hệ với Moscow mà ghẻ lạnh với họ.
Trong tháng 7 vừa qua, Ankara đã tiếp nhận đợt hàng S-400 đầu tiên từ Nga, bất chấp lời đe dọa trừng phạt của Mỹ. Washington sau đó phản ứng bằng cách loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình phát triển F-35 của họ và cấm nước này mua mẫu phi cơ tối tân.
Cả hai nhà lãnh đạo cho hay họ sẽ tiếp tục làm việc để giải quyết vấn đề này, tuy nhiên lại không đưa ra được chi tiết. “Chúng tôi đã yêu cầu Ngoại trưởng cùng các cố vấn an ninh của mỗi bên lập tức làm việc để giải quyết vấn đề về S-400” – ông Trump nói ngắn gọn.
Còn nhiều bất đồng cần giải quyết
Tuy nhiên, ngoài vấn đề về S-400, vẫn còn nhiều vấn đề khác khiến cho quan hệ hai nước ở thời điểm hiện tại vẫn hết sức lạnh nhạt.
Một trong số đó chính là Syria. Một nhiệm vụ chính của ông Trump trong lần gặp gỡ ông Tayyip Erdogan lần này là đạt được một thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Syria. Bởi lẽ, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd đẫn đầu đã khiến Quốc hội Mỹ tiến hành trừng phạt với Ankara, khiến quan hệ song phương căng thẳng.
Trong cuộc họp báo, Tổng thống Erdogan nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác tốt nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. “Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ có thể hợp tác để tiêu diệt IS và mang lại hòa bình cho Syria. Đối tác đáng tin cậy nhất của Mỹ trong khu vực chính là Thổ Nhĩ Kỳ” – ông Erdogan nói.
Ngoài ra, hai nước còn đang bất đồng sâu sắc về việc Mỹ trừng phạt Halkbank, một trong những ngân hàng công lớn nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, vì vi phạm lệnh cấm vận Iran trong năm 2013. Ngân hàng này, thông qua các công ty bình phong và giao dịch giả, đã tiến hành giao dịch hơn 20 tỷ USD giữa các quan chức cấp cao của Ankara và phía Tehran. Ông Erdogan cáo buộc động thái của Mỹ là “bước đi bất hợp pháp và xấu xí” của Mỹ, dựng lên nhằm trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ sau chiến dịch tại Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng phẫn nộ trước việc Mỹ không chịu dẫn độ giáo sĩ Fetullah Gulen – người mà chính quyền ông Erdogan tin là đứng sau âm mưu đảo chính năm 2016 – cho nước này. Ông Erdogan từng nhiều lần đề nghị phía Mỹ nhưng chưa từng nhận được câu trả lời thích đáng.