Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã đến điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến công du của châu Á kéo dài 10 ngày của ông, dự kiến sẽ thảo luận các vấn đề thương mại và an ninh khu vực với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull trong hôm 22/4 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tới Australia trong chiều 22/4. (Nguồn: Reuters).
Phó Tổng thống Pence đã tới Australia trong chiều 21/4 trong chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến công du khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi mà ông tham gia hàng loạt các cuộc thảo luận với các lãnh đạo Hàn Quốc, Nhật Bản và Indonesia. Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của một lãnh đạo cấp cao của chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi Mỹ tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác quốc phòng trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng đột biến.
“Phó Tổng thống đã gặp gỡ và nói chuyện với một vài vị Bộ trưởng, và họ đã thảo luận về cam kết vững mạnh trong việc tiếp tục mối quan hệ với Australia. Thủ tướng Australia sẽ tận dụng cơ hội để nói về việc xây dựng mối quan hệ đối tác đó” - Văn phòng Thủ tướng Turnbull nói.
Mối quan hệ giữa Australia với chính quyền mới ở Washington đã có một khởi đầu không mấy suôn sẻ khi Tổng thống Trump chỉ trích ông Turnbull về vấn đề thỏa thuận tái định cư cho người tị nạn mà hai bên ký kết, một thỏa thuận mà ông Trump từng gọi là “vứt đi”.
Chi tiết về một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ, Australia sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức đã trở thành đề tài nóng hổi trên các tờ báo nước ngoài. Thỏa thuận tái định cư cho người tị nạn, từng được ký kết dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama, dự kiến sẽ là một đề tài thảo luận trong hôm 22/4.
Theo thỏa thuận này, Mỹ đồng ý tái định cư cho 1.250 người tị nạn đang trú tại các trại tập trung ở các hòn đảo Papua New Guinea và Nauru, ngoài khơi khu vực Nam Thái Bình Dương. Đổi lại, Australia sẽ tổ chức tái định cư cho người tị nạn đến từ El Salvado, Guatemala và Honduras.
Thỏa thuận này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Australia, trong lúc mà họ đang chịu sức ép về mặt pháp lý và chính trị phải đóng cửa các trại tập trung này, đặc biệt là trại tập trung trên đảo Manus của Papua New Guinea, nơi mà tình trạng bạo lực giữa những người dân và người tị nạn bùng phát.
Phó Tổng thống Pence cũng dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp với giới lãnh đạo các doanh nghiệp ở Sydney trong hôm 22/4, tiếp nối các cuộc họp tương tự ở Seoul, Tokyo và Jakarta vốn quy tụ nhiều nhà lãnh đạo của các công ty nằm trong danh sách Fortune 100.
Thông điệp mà ông Pence đưa ra trong mỗi chặng dừng chân là cam kết với các nhà lãnh đạo chính trị và doanh nghiệp rằng chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump luôn hàm ý rằng Mỹ cởi mở với các khoản đầu tư nước ngoài, và rằng chính quyền của ông mong muốn được hợp tác với các lãnh đạo doanh nghiệp để gỡ bỏ các rào cản thuế quan với các sản phẩm của Mỹ.
Phó Tổng thống Pence cũng xác nhận rằng Tổng thống Trump sẽ góp mặt trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN tổ chức tại Philippines vào tháng 11 năm nay.
Quan hệ đồng minh suy giảm
Ngoài việc củng cố mối quan hệ quốc phòng với Australia, thì chuyến thăm lần này của ông Pence còn có trọng tâm là phải tìm cách xoa dịu những quan ngại bên trong hệ thống chính trị của Australia sau hàng loạt tuyên bố và hành động chỉ trích của Tổng thống Trump.
Được biết, phe ủng hộ quan hệ đồng minh lâu đời Mỹ-Australia tại Canberra lo ngại rằng làn sóng chỉ trích ông Trump có thể biến tướng thành chủ nghĩa bài Mỹ.
Mối quan ngại trên càng gia tăng sau vụ việc Tổng thống Trump đột ngột cúp máy trong lúc điện đàm với Thủ tướng Turnbull hồi tháng 1 vừa qua. Trong cuộc điện đàm này, hai bên đã bất đồng về thỏa thuận người tị nạn ký kết giữa hai nước, thỏa thuận mà ông Trump từng gọi là “vứt đi”.
Các cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu chính sách quốc tế (LOWY) của Australia công bố mới đây cũng cho thấy tỷ lệ người dân Australia ủng hộ Hiệp ước An ninh Australia-New Zealand-Mỹ đã xuống thấp nhất kể từ năm 2007. Số người ủng hộ hiệp ước này đã giảm 9%.
Tuy nhiên, quan hệ đồng minh giữa hai nước trong bối cảnh hiện nay vẫn chưa bị tổn hại nhiều, và họ vẫn cần có hiệp ước này để đối phó với các mối đe dọa hiện hữu trong khu vực, như vấn đề chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Dù vậy thì một số nhà quan sát thừa nhận rằng quan hệ giữa Mỹ và Australia đã không được quan tâm đúng mực trong những năm gần đây.