Na Ngoi vươn mình

ĐIỀN BẮC 24/09/2023 07:53

Chừng 10 năm về trước, nhắc đến Na Ngoi - nơi có 90% đồng bào Mông sinh sống, là nhắc tới đói nghèo, lạc hậu. Na Ngoi gặp khó không chỉ bởi cách trở núi rừng mà còn tệ nạn bủa vây, khiến người dân nơi đây một thời không tìm thấy lối thoát. Nhưng nay, vùng đất này đã vươn mình bằng những đột phá mạnh mẽ.

Mô hình kinh tế của anh Lầu Bá Lếnh, bản Ka Trên với thu nhập từ 80-100 triệu đồng/năm.

Một thời gian khó

Nhắc đến xã Na Ngoi, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) người ta dễ hình dung đến đỉnh núi cao nhất nhì khu vực Trung Bộ - Puxailaileng cao hơn 2.700m so với mực nước biển. Dưới chân núi, các bản làng nằm rải rác, quanh năm mây mù bao phủ. Đây là một trong những xã biên giới có đông người Mông sinh sống nhất ở Nghệ An, với 17/19 bản. Núi cao hiểm trở nên một thời, tuyến đường lên xã Na Ngoi thành nỗi ám ảnh của cánh tài xế. Và cũng bởi thế mà đời sống người dân nơi đây quanh năm cứ quanh quẩn với đói nghèo.

Nhớ lại thời kỳ đó, già bản Kẻo Bắc - ông Xồng Bá Tỉa thở dài: Hơn 10 năm về trước, hầu hết người dân Na Ngoi đều thuộc diện hộ nghèo. Bà con chăn nuôi, trồng trọt cũng chỉ để dùng trong nhà, vì không biết bán cho ai. Các loại cây trồng phần lớn là lúa, ngô, khoai, sắn. Chẳng ai nghĩ chuyện làm giàu mà chỉ mong đủ ăn. “Na Ngoi có diện tích đất canh tác khá lớn, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây có giá trị kinh tế cao. Nhưng dân bản cứ mãi lo cái ăn, cái mặc nên một thời con em đồng bào Mông ở xã Na Ngoi chẳng mấy ai được đi học đến nơi, đến chốn. Vì thế, vòng xoáy đói nghèo cứ mãi bám chặt lấy họ, hết đời này đến đời khác”- già Tỉa nói thêm.

Không chỉ có vậy, với địa hình núi cao, hiểm trở khiến việc di chuyển giao thông của người dân hết sức khó khăn, thậm chí có những đoạn đường ngập bùn lầy, đi lại rất vất vả. Và cũng bởi việc giao thương khó khăn, nên cuộc sống quanh năm suốt tháng họ chủ yếu gắn với nương rẫy làm kế sinh nhai. Bản Huồi Thum là một trong những số đó, bởi đây là bản có 100% dân số là người dân tộc Khơ Mú, nằm biệt lập so với bên ngoài. Con đường từ trung tâm xã vào Huồi Thum dài khoảng 20km, với một bên vách núi cheo leo, một bên vực thẳm, rất nguy hiểm. Không những vậy, muốn vào Huồi Thum chỉ có một cách duy nhất là phải lội qua con suối Ca Nan với dòng nước chảy xiết. Những cái tên bản Huồi Xái, Thăm Hón… cũng chung cảnh ngộ, cái nghèo cái khó cứ bám lấy họ cho đến khi những người mang quân hàm xanh tới với núi rừng Na Ngoi.

Mùa thu hoạch nghệ ở Na Ngoi.

Trở thành xã giàu

Na Ngoi giờ đã khác xưa nhiều lắm, đó là cảm nhận của chúng tôi khi trở lại đây vào mùa tựu trường. Ông Mùa Bá Giờ - Chủ tịch UBND xã Na Ngoi cho rằng: Để có được những đổi thay phải kể đến sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp. Một trong những nguyên nhân sát sườn chính là đường sá đã được đầu tư, đi lại thuận tiện hơn. Ngoài ra, Na Ngoi cũng may mắn khi trở thành nơi đóng quân của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 4 và Tổng đội Thanh niên xung phong 10.

Sau khi đặt chân lên địa bàn, cán bộ, chiến sĩ của những đơn vị này đã mang cây giống, hướng dẫn người dân trồng trọt, chăm bón. Không những thế, Đoàn Kinh tế - quốc phòng 4 còn trực tiếp đứng ra làm khâu trung gian, thu mua nhiều loại nông sản của bà con làm ra, giúp giải quyết đầu vào lẫn đầu ra cho người dân. Ông Giờ khẳng định: “Để đưa Na Ngoi phát triển như hôm nay cũng có sự góp công không ít từ những người Mông đổi mới, họ thay đổi tư duy với khát vọng làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương. Từ những nhân tố này đã lan tỏa tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của đồng bào nơi đây”.

Xây dựng nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo tại bản Huồi Xái.

Không những vậy, hôm nay ở Na Ngoi đời sống của người dân đã nâng lên một cách rõ rệt, với hàng loạt mô hình kinh tế hiệu quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Kỳ Sơn, chỉ mới hơn 10 năm trước, Na Ngoi nằm trong nhóm địa phương khó khăn nhất của huyện. Nhưng giờ xã này đã trở thành xã giàu, với đời sống kinh tế chỉ đứng sau thị trấn Mường Xén.

Trên con đường từ trung tâm huyện về xã Na Ngoi, có thể cảm nhận rõ đời sống kinh tế của đồng bào Mông nơi đây ngày một thay da đổi thịt. Dọc các tuyến đường trung tâm xã, những dãy hàng quán san sát nhau, nhộn nhịp kẻ bán, người mua. Vài năm gần đây, những ngôi nhà gỗ khang trang, bề thế cũng đua nhau mọc lên sau mỗi vụ thu hoạch đào, nghệ củ… “Nhìn bề ngoài thì không đánh giá được hết sự giàu nghèo của người Mông đâu. Vì người Mông có tính tiết kiệm, cũng không thích khoa trương sự giàu có”- ông Mùa Bà Giờ chia sẻ. Để khẳng định lời nói đó, ông Giờ ghé tai tôi nói nhỏ: “Ở Na Ngoi này, làm ăn kinh tế không ai không biết cái tên Xồng Bá Lẩu (35 tuổi) trú bản Buộc Mú. Nhiều người trong số họ mang ơn Lẩu, bởi người trẻ này đã giúp không ít dân bản thoát nghèo”.

Xồng Bá Lẩu - chàng thanh niên trồng đào đá trở thành thương hiệu. Trước đây, người dân trồng đào để ăn quả chứ chưa ai nghĩ đến việc bán về xuôi chưng vào ngày Tết. Xồng Bá Lẩu tâm sự, dù tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế (Đại học Huế), nhưng khi có tấm bằng đại học, Lẩu xin việc không được, đành về quê rồi ý tưởng trồng đào đá hình thành từ đó. Đến nay, anh đã sở hữu hơn 1.000 gốc đào đá. “Ngay như tết năm ngoái, tôi chỉ chặt 180 cành, nhưng đã mang về gần 200 triệu đồng. Không chỉ trồng đào, vợ chồng tôi còn trồng thêm gừng. Đây cũng là loại cây rất phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của Na Ngoi”, Lẩu kể.

Đến nay, ở Na Ngoi từ mô hình của Xồng Bá Lẩu, nhiều người dân cũng bắt đầu học tập làm theo. Nhờ thế, diện tích trồng đào, gừng ở đây tăng lên nhanh.

Cũng thuộc diện “tốp” làm ăn kinh tế, cách đó không xa, tại bản Ka Trên, chàng thanh niên Lầu Bá Lếnh lại chọn vùng đất hoang để khoanh nuôi nguồn thức ăn, chăn thả trâu, bò. Theo anh Lếnh, bước đầu chăn nuôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, như thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm phòng trừ dịch bệnh. Nhưng với mong muốn thoát nghèo, anh đã tích cực học tập, tích lũy kinh nghiệm từ các mô hình khác trong xã, nay gia đình anh Lếnh đang làm chủ cả một vùng đất đồi với diện tích hơn 10 ha, chăn thả hơn 20 con bò, gần 10 con trâu, mỗi năm gia đình anh thu nhập từ 80 - 100 triệu đồng từ bán gia súc.

Bộ đội Biên phòng và người dân Na Ngoi chung sức mở đường vào bản.

Từ một trong những hộ khó khăn trong bản, nay gia đình anh Lếnh đã thoát nghèo, vươn lên trở thành hộ giàu, hộ khá ở bản Ka Trên. Anh Lếnh nhẩm tính: “Lâu nay, nhà ta đã không còn trồng lúa rẫy nữa, mà chủ yếu chăn nuôi trâu, bò thôi. Vì thu nhập tốt hơn nhiều, đáp ứng được cuộc sống hàng ngày, so với làm rẫy trước đây thì chăn nuôi trâu bò hiệu quả cao”.

Dưới chân núi Puxailaileng, những người Mông hay lam, hay làm như anh Lẩu, anh Lếnh, ông Tỉa… đang góp sức "đánh thức" vùng đất khó mở ra hướng làm ăn mới, đẩy đuổi đói nghèo. Vùng đất nơi phên dậu Na Ngoi đã thực sự vươn mình với những đột phá mạnh mẽ, trở thành địa phương có đời sống kinh tế hàng đầu ở huyện rẻo cao xứ Nghệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Na Ngoi vươn mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO