Với quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách ưu đãi người có công năm 2016, Bộ LĐTB&XH đã thí điểm áp dụng hướng xử lý hồ sơ đề nghị công nhận người có công, nhất là hồ sơ thương binh, liệt sỹ còn tồn đọng hàng chục năm qua theo “quy trình thí điểm giải quyết theo từng tình huống” ở 5 tỉnh: Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng và Long An...
Những người có công với đất nước luôn được quan tâm, chăm sóc chu đáo.
Theo thống kê của Bộ LĐTB&XH, cả nước có trên 8,8 triệu người có công (chiếm gần 10% dân số) đã được hưởng các chính sách ưu đãi, trong đó gần 1,2 triệu liệt sĩ, có hơn 117.000 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 2 triệu người là thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, hàng vạn người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Ngoài các đối tượng được hưởng trợ cấp một lần, còn gần 1,5 triệu người được hưởng trợ cấp hàng tháng.
Tính đến nay, cả nước có 98% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 97% xã, phường làm tốt công tác thương binh liệt sỹ; Quỹ Đền ơn đáp nghĩa Trung ương vận động được 1,93 tỷ đồng và Quỹ Đền ơn đáp nghĩa địa phương là 1.183 tỷ đồng; hỗ trợ nhà ở cho 363.437 hộ gia đình.
Việc giải quyết hồ sơ tồn đọng với người có công, Bộ LĐTB&XH đã xây dựng quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng và tổ chức thực hiện thí điểm tại 5 địa phương (Bắc Kạn, Lai Châu, Thái Bình, Đà Nẵng, Long An). Đến nay cơ bản đã hoàn thành nhiệm vụ, 2 tỉnh là Lai Châu và Bắc Kạn không có hồ sơ, thành phố Đà Nẵng có 14 hồ sơ, tỉnh Thái Bình có 23 hồ sơ và tỉnh Long An có 13 hồ sơ.
Ông Đào Ngọc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Người có công cho biết, do hồ sơ thất lạc nên việc rà soát phải làm chặt chẽ theo đúng quy trình. Cụ thể Sở LĐTB&XH nghiên cứu hồ sơ, tham mưu cho Ban chỉ đạo cấp tỉnh thành phố; họp Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành cho ý kiến; Các cơ quan được phân công hoàn thiện hồ sơ và xác minh theo yêu cầu của Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố và gửi lại hồ sơ cho Sở LĐTB&XH để tiếp tục nghiên cứu đề xuất cho Ban chỉ đạo; Công khai và thu thập thông tin;
Ban chỉ đạo cấp tỉnh thành phố họp nghe Sở LĐTB&XH báo cáo tình hình và kết quả thu thập ý kiến và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và cho ý kiến từng trường hợp; Tổ công tác Trung ương trực tiếp nghiên cứu từng hồ sơ đã hoàn thiện và đề xuất ý kiến từng trường hợp nào đủ điều kiện để giải quyết và cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Trường hợp nào không đủ điều kiện giải quyết với lý do tại sao; Đề nghị xác nhận chính thức.
Đánh giá từ các địa phương thí điểm cho thấy, đây được coi là bước đột phá, táo bạo, gỡ khó kịp thời trong giải quyết hồ sơ tồn đọng, đáp ứng lòng mong mỏi không của riêng các gia đình người có công mà được dư luận đánh giá cao. Được biết đến cuối năm 2016, nhiều địa phương đề nghị Bộ LĐTB&XH cho được áp dụng mô hình này.
Theo Cục Người có công, đến tháng 6-2016 số người chưa được xác nhận là người có công trên 33.000 trường hợp. Theo đó, trong năm 2017 đơn vị sẽ tập trung giải quyết hồ sơ xác nhận người có công còn tồn đọng trên toàn quốc; Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý nghiêm những trường hợp khai man, tiêu cực; Tiếp tục đẩy mạnh phong trào chăm sóc người có công, sử dụng có hiệu quả Quỹ Đền ơn đáp nghĩa…
Xử lý nghiêm tiêu cực trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Ngày 12/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ (Ban Chỉ đạo 1237) và Trung ương Hội Cựu Chiến binh Việt Nam đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động cung cấp thông tin nâng cao hiệu quả công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Theo đó, cựu chiến binh, hội viên và tổ chức Hội các cấp phối hợp với cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 1237 cùng xác minh, kết luận địa bàn khu vực còn thông tin mộ liệt sĩ, lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ở địa phương và phạm vi toàn quốc. Hội CCB các cấp phối hợp với cơ quan chức năng giám sát các hoạt động tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ tại địa phương; phát hiện, kiến nghị với Trung ương Hội CCB Việt Nam và Ban Chỉ đạo 1237 các cấp để ngăn chặn, xử lý các hiện tượng tiêu cực, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Chương trình phối hợp sẽ được tiến hành thường xuyên từ năm 2017 đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Nhã Phương |