Ngày 21/11, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII khai mạc Hội nghị lần thứ 10, xem xét, thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của thành phố.
Dự kiến đạt 22/22 chỉ tiêu
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII sẽ xem xét, thảo luận về các nội dung như: Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách năm 2022, dự toán ngân sách địa phương và phân bổ ngân sách cấp thành phố năm 2023; Kế hoạch tài chính ngân sách nhà nước 3 năm giai đoạn 2023-2025;... Cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 của TP Hà Nội.
Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố năm 2022 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Theo đó, năm 2022 kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8%, đạt cao trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách tăng 6,8% so với dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch. Sản xuất, kinh doanh phục hồi; các hoạt động thương mại, du lịch được khôi phục lại; thực hiện hiệu quả các hoạt động kích cầu tiêu dùng; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng ước đạt 10,9%. Sản xuất công nghiệp, nông nghiệp tiếp tục duy trì phát triển. Hà Nội dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, ông Hải cũng cho biết có một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể, kỷ cương hành chính có chuyển biến, tuy nhiên chưa đạt mục tiêu đề ra. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành, quận, huyện còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả; công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu ở một số cơ quan, đơn vị thiếu quyết liệt trong khi công việc ngày càng nhiều; có tư tưởng trông chờ sự hỗ trợ của thành phố; có tình trạng ỷ lại, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm trong giải quyết công việc.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, trên cơ sở xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; Vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; Kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; Kiểm soát chỉ số giá 4,5%; Giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022.
Nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình
Phát biểu tại hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, với sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp của thành phố, sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp và người dân, tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả khá quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, tình hình kinh tế - xã hội cả nước cũng như thành phố đang phải đương đầu nhiều vấn đề lớn, dự báo nhiều khó khăn, thách thức; khả năng huy động nguồn lực cho phát triển là khó khăn. “Do đó, đòi hỏi cần nhìn nhận, đánh giá đúng tình hình để đưa ra định hướng, mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp và những quyết sách đúng, trúng đưa Thủ đô phát triển bền vững trong năm 2023 và những năm tiếp theo” - ông Dũng nói và đề nghị tập trung phân tích, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và đầu tư công năm 2022 của thành phố. Trong đó tập trung đánh giá kết quả thực hiện chủ đề năm 2022 là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” và sự cần thiết đề xuất tiếp tục thực hiện chủ đề này trong năm 2023.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu, đánh giá các tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, như: vấn đề giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính và thủ tục hành chính và chỉ ra các nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế, nhất là các nguyên nhân chủ quan để đề xuất các giải pháp khắc phục một cách căn cơ.
Nghiên cứu phát triển trục không gian sông Hồng
Tại hội nghị, trình bày Tờ trình đề nghị xem xét, thông qua chủ trương nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, nghiên cứu điều chỉnh định hướng phát triển không gian, sử dụng đất, hạ tầng kỹ thuật của thành phố phù hợp với tầm nhìn và thích ứng linh hoạt với các biến động kinh tế - xã hội, gắn với kiểm soát dân số, đồng bộ các chính sách, giảm tải cho khu vực đô thị trung tâm. Trong đó, nghiên cứu giải pháp quy hoạch phát triển các khu vực cụ thể như: Trục không gian sông Hồng, không gian phát triển đô thị hai bên Vành đai 4, mô hình phát triển thành phố trong Thủ đô, phương án bố trí sân bay thứ 2 của Vùng Thủ đô Hà Nội.