Bước sang năm 2023, các thị trường chứng khoán, bất động sản... tiếp tục được dự báo còn nhiều rủi ro khó lường. Lựa chọn kênh đầu tư nào để sinh lời cao và an toàn đang là vấn đề được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
E ngại trái phiếu doanh nghiệp
Nhiều nhà đầu tư khẳng định, năm 2022, kênh đầu tư trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đã trải qua giai đoạn thăng trầm nhất. Ở thời điểm hiện tại, kênh này đang khiến các nhà đầu tư phải e dè. Anh Nguyễn Hoàng Việt Anh (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết, năm 2022 đã đầu tư 2 tỷ đồng vào TPDN của 2 công ty có danh tiếng trên thị trường, đến cuối năm 2024 mới đến hạn. Nhưng thời gian qua nghe toàn tin xấu về DN, về những bất cập của thị trường trái phiếu. “Tôi chỉ mong khoản vốn đã đầu tư được bảo toàn đến năm 2024” - anh Việt Anh nói.
Tương tự, ông Nguyễn Bốn Bảy (Khu đô thị Ciputra, Hà Nội) cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc mua TPDN tiềm ẩn khá nhiều rủi ro.
Thị trường TPDN đang có dấu hiệu hạ nhiệt vào những tháng cuối năm 2022 do việc siết chặt quản lý của các cơ quan chức năng, cũng như ảnh hưởng từ những sai phạm của một số DN trong quá trình phát hành và sử dụng vốn huy động. Trong đó, phải kể đến những vụ việc của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hay Tân Hoàng Minh... Năm 2023, kênh đầu tư này được dự báo vẫn chưa thể sôi động trở lại. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, TPDN vẫn là một trong những kênh đầu tư tốt. Theo TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, từ nay đến năm 2030, mỗi năm Việt Nam cần khoảng 1 triệu tỷ đồng vốn trung dài hạn. Vì vậy, kênh huy động vốn qua thị trường trái phiếu vẫn là kênh quan trọng, vấn đề là điều tiết thị trường TPDN như thế nào để phát triển lành mạnh hơn.
Chứng khoán sẽ trở lại mạnh mẽ
Ông Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho rằng, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm 2023. Đến nửa cuối năm, khi thị trường chứng khoán trở nên ổn định, vùng mua an toàn hơn, dòng tiền cá nhân có quay trở lại, giúp thị trường sôi động hơn.
Là nhà đầu tư có kinh nghiệm hơn 15 năm trên thị trường, bà Huỳnh Bảo Mi (trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ thông tin, danh mục đầu tư của bà gồm 4 mã, trong đó có 1 mã ngân hàng, 2 mã bất động sản và 1 mã đầu tư công. Bà Mi hy vọng, năm 2023 chỉ số VNIndex sẽ tăng mạnh mẽ, từ đó giúp hồi phục niềm tin của nhà đầu tư.
Những kỳ vọng của nhà đầu tư là hoàn toàn có cơ sở trước động thái của cơ quan quản lý. Theo đó, ngành tài chính đã có kế hoạch triển khai một số nhiệm vụ quan trọng trong năm 2023 đối với thị trường chứng khoán. Cụ thể, sẽ tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, sửa đổi Luật Chứng khoán, các luật, văn bản có liên quan; tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán về quy mô đồng thời tập trung nâng cao chất lượng thị trường, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tham gia thị trường. Cùng với đó, tổ chức triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn DN Nhà nước, gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán để tăng quy mô và chất lượng hàng hóa cho thị trường. Đặc biệt tăng cường công tác giám sát, nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát thị trường chứng khoán và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật của thị trường nhằm bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và hoạt động lành mạnh của DN.
Tiết kiệm vẫn là điểm sáng
Theo ông Huỳnh Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất. Bởi lẽ, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) hơn 8%, chỉ số giá tiêu dùng cả nước (CPI) kiểm soát dưới 4% trong năm 2022, trong khi lãi suất huy động có ngân hàng lên tới 12% (bao gồm lãi suất ưu đãi), người gửi tiết kiệm vẫn có lãi thực dương.
Giới chuyên gia cũng nhận định, gửi tiết kiệm vẫn là kênh đầu tư tốt nhất trong nửa đầu năm 2023. Nhiều nhà đầu tư sau một thời gian thử sức với chứng khoán, vàng và trái phiếu cũng đã quyết định quay lại với kênh gửi tiết kiệm. Chị Hoàng Cẩm Tuyết (Thanh Xuân, Hà Nội) khẳng định, năm nay sẽ chỉ bỏ tiền vào gửi tiết kiệm, vì đây vẫn là kênh an toàn nhất. “Lãi ít nhưng không sợ rủi ro. Bạn bè tôi đã mất quá nhiều tiền khi đầu tư vào TPDN, đó là bài học đắt giá”– chị Tuyết chia sẻ.
Hiện nay để thu hút tiền gửi từ cư dân, nhiều ngân hàng cũng đã đưa ra biểu lãi suất huy động cạnh tranh, dao động từ 8,5 – 10%/năm. Tuy nhiên, giới chuyên gia khuyến cáo, người dân nên chọn các ngân hàng có yếu tố an toàn, chất lượng dịch vụ tốt, đi cùng với đó là xem xét mức lãi suất hợp lý để tối ưu hiệu quả đầu tư.
“Vấn đề thanh khoản của thị trường TPDN và rủi ro liên thông giữa thị trường này với thị trường tiền tệ, thị trường tài sản sẽ vẫn là những rủi ro trọng yếu của thị trường trong năm 2023 - 2024. Chính phủ cần có phương án, giải pháp cụ thể mang tính khả thi để giải quyết những rủi ro này. Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nên sớm phát triển các sản phẩm chứng khoán phái sinh mới như hợp đồng tương lai trên cổ phiếu đơn lẻ, hợp đồng quyền chọn... nhằm đa dạng hóa sản phẩm, khắc phục các hạn chế, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước” - TS Cấn Văn Lực - chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV nêu quan điểm.