Một trong những cơ chế đặc thù là có sự tham gia của người dân trong quá trình lập hồ sơ, tổ chức thi công xây dựng, bảo trì công trình…
Ngày 15/8, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi văn bản quyết định của UBND tỉnh về Ban hành danh mục loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Quyết định do Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng ký.
Theo nội dung văn bản, danh mục công trình trên địa bàn thôn, xã được áp dụng cơ chế đặc thù, gồm:
Công trình giao thông (đường xã, đường thôn, đường giao thông ngõ, xóm, đường giao thông nội đồng); công trình thuỷ nông, thuỷ lợi và phòng chống thiên tai; công trình hạ tầng thương mại, dịch vụ nông thôn.
Công trình hạ tầng công cộng, công trình trung tâm văn hóa - thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn, trường học, trạm y tế và công trình thông tin và truyền thông.
Công trình kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm hợp tác xã.
Công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn (trong đó không đầu tư lò đốt xử lý rác thải quy mô cấp xã).
Chương IV, Nghị định số 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ (quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia) quy định về cơ chế đặc thù trong tổ chức thực hiện dự án đầu tư xây dựng quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp:
Có sự tham gia của người dân trong quá trình lập hồ sơ, tổ chức thi công xây dựng, bảo trì công trình.
Dự án nằm trên địa bàn 1 đơn vị hành chính cấp xã, do UBND cấp xã quản lý.
Tổng mức đầu tư dự án không vượt quá 5 tỷ đồng.
Kỹ thuật không phức tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện.
Lập hồ sơ xây dựng công trình đơn giản, gồm:
a) Tên dự án, mục tiêu đầu tư, địa điểm xây dựng, diện tích đất sử dụng, chủ đầu tư, quy mô, thời gian thực hiện.
b) Tổng mức đầu tư và cơ cấu nguồn vốn đầu tư bao gồm: Kinh phí Nhà nước hỗ trợ (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương các cấp), đóng góp của người dân và vốn huy động hợp pháp khác.
c) Bản vẽ thi công theo thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có, đã áp dụng trên địa bàn cấp huyện; bảng kê các chi phí đầu tư xây dựng.
d) Dự kiến năng lực tự thực hiện của người dân, cộng đồng hưởng lợi; kế hoạch lựa chọn nhà thầu có sự tham gia thực hiện của cộng đồng dân cư.
Nguyên tắc lựa chọn nhà thầu tham gia thực hiện gói thầu có sự tham gia của cộng đồng:
a) Cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ là người dân cư trú trên địa bàn xã có dự án, có kinh nghiệm, trình độ kỹ thuật về tổ chức thực hiện gói thầu xây dựng có quy mô nhỏ và không phức tạp.
b) Trường hợp không có hoặc không lựa chọn được cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ trên địa bàn xã đủ điều kiện thực hiện gói thầu, UBND cấp xã được mở rộng lựa chọn trên địa bàn huyện.
c) Trường hợp không có hoặc không lựa chọn được cộng đồng dân cư, tổ chức đoàn thể, tổ, nhóm thợ thực hiện gói thầu trên địa bàn cấp huyện, UBND cấp xã được lựa chọn hợp tác xã thực hiện gói thầu.
Thẩm định hồ sơ xây dựng công trình đơn giản và phê duyệt đầu tư dự án; Tổ chức, quản lý thi công, nghiệm thu công trình và thanh toán, quyết toán dự án đầu tư xây dựng; Quản lý vận hành và bảo trì công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù do UBND cấp xã tổ chức thực hiện theo quy định tại Nghị định 27/2022/NĐ-CP ngày 19/4/2022 của Chính phủ quy định cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia.