Văn hóa

Nam Định: Bảo vệ, phát huy giá trị Di sản ‘Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu’

Duy Hưng 25/11/2023 10:50

Với khoảng 400 điểm thờ, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, riêng quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái-huyện Vụ Bản) có 20 điểm, tỉnh Nam Định được biết đến là một trong những trung tâm lớn của tín ngưỡng thuần Việt này.

Tín ngưỡng thuần Việt

Theo ông Nguyễn Văn Thư (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên Ban xây dựng Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trình UNESCO), thờ Mẫu Tam phủ là tín ngưỡng thuần Việt, do cộng đồng người Việt sáng tạo, có quá trình hình thành phát triển lâu đời, bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần của cư dân nông nghiệp.

z4911793864498_5ad398d67a2dd38655b793d257f750ad.jpg
Tín ngưỡng thờ Mẫu là tín ngưỡng thuần Việt, bắt nguồn từ tục thờ Nữ thần của cư dân nông nghiệp.

Từ một tín ngưỡng sơ khai, đến thế kỷ XV-XVI với sự ảnh hưởng của Đạo giáo và xuất hiện huyền thoại về Thánh Mẫu Liễu Hạnh (được tôn vinh là “Mẫu nghi thiên hạ” và là một trong bốn vị Thánh bất tử của người Việt), sự tích hợp văn hóa và mô thức thần điện mang tính cung đình, đã quy nạp toàn bộ hệ thống thờ Nữ/Mẫu thần của người Việt thành một thể thống nhất để hình thành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ/Tứ phủ. Trong đó, ở nhiều điện thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh được tôn vinh là thần chủ.

“Tam phủ chỉ ba miền: Thiên phủ, Địa phủ và Thoải phủ. Theo đó quan niệm về vũ trụ âm dương được chia thành 3 miền gồm: miền Trời gọi là Thượng thiên tương ứng với màu đỏ; miền Đất gọi là Địa phủ tương ứng với màu vàng; miền Nước gọi là Thoải phủ tương ứng với màu trắng, (trong thờ Mẫu Tứ phủ, ngoài ba miền trên có thêm miền Rừng núi gọi là Nhạc phủ tương ứng với màu xanh), mỗi miền đều do một Thánh Mẫu đứng chủ. Trong điện thần của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ còn có các nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại là những người có công với dân với nước được cộng đồng tôn vinh”, ông Nguyễn Văn Thư giải thích.

9.jpg
Các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm các nghi thức cúng lễ, lễ hội, đặc biệt là nghi lễ chầu văn hầu đồng.

Ông cũng cho biết, các thực hành của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ bao gồm các nghi thức cúng lễ, nghi lễ chầu văn hầu đồng, lễ hội… Trong đó, nghi lễ chầu văn hầu đồng và lễ hội là những thực hành cơ bản nhất, thu hút đông đảo cộng đồng tham dự. Đặc biệt, nghi lễ chầu văn hầu đồng là điểm nhấn với yếu tố âm nhạc (các cung văn thực hành), múa, đạo cụ và trang phục, trang sức (thanh đồng thực hành).

Thông qua các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong hầu đồng và lễ hội, người Việt thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người. Sức mạnh và ý nghĩa của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người như cầu sức khỏe, cầu bình an, cầu làm ăn phát đạt, mong ước đất nước thái bình…

Ông Nguyễn Văn Thư nhìn nhận, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ mang đậm bản sắc và giá trị tốt đẹp của truyền thống văn hóa Việt Nam, phản ánh thái độ ứng xử giữa con người với con người, con người với thiên nhiên. Tín ngưỡng coi trọng quyền năng sáng tạo, sinh sản của người Mẹ, lấy hình tượng Mẹ (Mẫu) để tôn vinh, gửi gắm những ước vọng tốt đẹp, sự bao dung, che chở trong cuộc sống.

Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội; chứa đựng giá trị đạo đức và nhân văn sâu sắc. Các vị thần trong điện thờ Mẫu là những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại, có công trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Tri ân những người có công với dân với nước là truyền thống tốt đẹp, quý báu của dân tộc ta; giáo dục nhân cách, cổ vũ, ca ngợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Với tính cởi mở của Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt xu hướng chính trị, tôn giáo, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp. Tín ngưỡng còn thể hiện khả năng tiếp thu, tích hợp và bản địa hóa nhiều yếu tố tín ngưỡng, tôn giáo khác như thờ cúng Tổ tiên, Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo và văn hóa các dân tộc thiểu số, như: Mường, Dao, Tày, Nùng... thể hiện sự giao lưu, dung hòa, khoan dung văn hóa, mối quan hệ bình đẳng, gắn bó mật thiết giữa các tộc người ở Việt Nam, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của cộng đồng các dân tộc Việt Nam; trở thành biểu tượng đa dạng văn hóa trong sự thống nhất, góp phần vào sự đa dạng văn hóa và sáng tạo của nhân loại.

z4911776610817_308822adb7db1d642758f3fd5c2d3de7.jpg
Các thực hành trong tín ngưỡng đề cao giá trị, vai trò của người phụ nữ trong đời sống gia đình và xã hội.

Ông đồng thời nhìn nhận các thực hành của Tín ngưỡng là điều kiện để tích hợp và bảo tồn nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống như: âm nhạc, trang phục, nghề thủ công truyền thống, trình diễn, ẩm thực..., đó cũng là phương thức nhằm lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt. Đặc biệt Tín ngưỡng còn sản sinh ra một loại hình âm nhạc dân gian độc đáo là Chầu văn, đó là một loại hình dân ca tiêu biểu của người Việt, đóng góp vào kho tàng âm nhạc của dân tộc và nhân loại.

Ông Trần Vũ Toán, thủ nhang phủ Nguyệt Du Cung (thuộc quần thể di tích Phủ Dầy-Nam Định) thì giải thích rất đơn giản rằng: “Ai trong chúng ta cũng có Mẹ. Mẹ chính là người sinh ra, nuôi dưỡng chúng ta cả về thể chất và tâm hồn. Chính vì vậy thờ Mẫu (Mẹ) là thờ một biểu tượng rất đỗi thân thương, gần gũi nhưng vô cùng thiêng liêng”.

Hiện nay, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có sức lan tỏa mạnh mẽ, cả trong và ngoài nước. Ở trong nước có nhiều điểm thờ tự quy mô lớn như: Phủ Tây Hồ (TP Hà Nội), đền Sòng (tỉnh Thanh Hóa), đền Bắc Lệ (tỉnh Lạng Sơn)… Đặc biệt, tại tỉnh Nam Định hiện có khoảng 400 địa điểm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, trong đó, lớn nhất, quy mô nhất là quần thể di tích Phủ Dầy (xã Kim Thái, huyện Vụ Bản).

dsc_7755.jpg
Phủ Nguyệt Du Cung (thuộc quần thể di tích Phủ Dầy-Nam Định)

Như đã biết, Hội nghị lần thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, tổ chức tại Addis Ababa-Cộng hòa dân chủ Liên bang Ethiopia-ngày 1/12/2016 đã ra Nghị quyết, chính thức ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần được bảo vệ.

Bảo vệ, phát huy giá trị di sản

Là một trong những trung tâm lớn về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, từ nhiều đời nay, nhiều cộng đồng ở tỉnh Nam Định đã duy trì việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ thông qua rất nhiều hoạt động, nghi lễ; tập trung, trang trọng nhất là vào dịp lễ hội Phủ Dầy (xã Kim Thái-huyện Vụ Bản), lễ hội Phủ Quảng Cung (xã Yên Đồng, huyện Ý Yên), diễn ra từ ngày mồng 3 đến ngày 10 tháng 3 Âm lịch, nhân ngày giỗ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, gắn liền với tâm thức “Tháng Tám giỗ cha, tháng Ba giỗ mẹ”.

z4911790616862_b3460c70d2383ecfae13e46ce02b84a6.jpg
Nhiều cộng đồng ở tỉnh Nam Định đã và đang duy trì việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ thông qua rất nhiều hoạt động.

Nổi bật là các hình thức tế lễ, chầu văn hầu đồng, xếp chữ, lễ rước thỉnh kinh, rước đuốc, đại lễ Kiều thỉnh năm quan, Kiều thỉnh Thánh Bà…cùng nhiều hoạt động văn hóa dân gian khác; thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thu hút sự quan tâm hơn cả là nghi lễ Chầu văn, hầu đồng-một hình thức diễn xướng tích hợp nhiều giá trị nghệ thuật, từ âm nhạc đến thời trang, hát múa…

Như đã biết, trong các năm 2012, 2013, “Nghi lễ Chầu văn của người Việt” và “Lễ hội Phủ Dầy-Nam Định” được Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch cấp bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

1.jpg
“Lễ hội Phủ Dầy-Nam Định” đã được Bộ Văn hóa-Thể thao & Du lịch cấp bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đến với lễ hội Phủ Dầy vào dịp tháng Ba hằng năm, trong khung cảnh đền phủ linh thiêng, du khách được thưởng thức các làn điệu hát chầu văn khi bổng khi trầm, lúc rộn ràng thúc giục, lúc thong thả, thảnh thơi. Từ nhiều năm nay, các làn điệu chầu văn đã được các thế hệ người dân ở vùng đất Phủ Dầy gìn giữ, phát triển. Vào dịp lễ hội, cộng đồng ở địa phương thường tổ chức hội thi hát chầu văn, với sự tham gia của rất đông các cung văn cùng những người có khả năng ở trong và ngoài địa phương; người tham gia hầu hết đều là những người còn trẻ. Theo thời gian, đến nay nghệ thuật hát chầu văn vẫn giữ được hồn Việt thuần nhất, mộc mạc song cũng rất đa dạng, phong phú.

z4911771987469_f7fa4746e6993071d7f4d647543fea8f.jpg
Xếp chữ ở Lễ hội Phủ Dầy-Nam Định, một trong những hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

Để bảo vệ và phát huy tốt giá trị của di sản này, vào năm 2020 tỉnh Nam Định đã thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ của người Việt” tỉnh. Điều lệ của Hội xác định: Hội Bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tỉnh Nam Định là tổ chức xã hội-nghề nghiệp tập hợp, đoàn kết cộng đồng tôn trọng tín ngưỡng thờ Mẫu, tâm huyết, trách nhiệm chung tay bảo vệ và phát huy giá trị của di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”.

Thông qua các hoạt động của Hội nhằm tuyên truyền, bảo vệ những giá trị của di sản, đấu tranh, phê phán những hành động làm sai lệch, xuyên tạc bản chất tốt đẹp của di sản; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên và cộng đồng; đề xuất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền các giải pháp nhằm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản theo tinh thần của Luật di sản văn hóa, góp phần thực hiện chủ trương của nhà nước về xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.

dsc_1763.jpg
Di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đang được tỉnh Nam Định, trực tiếp là người dân trân trọng, gìn giữ, phát huy bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao & Du lịch tỉnh Nam Định, với việc thành lập Hội bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, cộng đồng thực hành tín ngưỡng đông đảo ở địa phương đã có mái nhà chung, hoạt động sẽ có lề lối, việc quản lý, định hướng, bảo vệ, phát huy giá trị di sản thực hành tín ngưỡn thờ Mẫu sẽ thuận lợi, hiệu quả hơn…

Ông Nguyễn Văn Thư (nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Nam Định, thành viên Ban xây dựng Hồ sơ Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trình UNESCO):

Nhận diện đúng để bảo vệ, phát huy di sản

Cần nhận thức rõ, UNESCO vinh danh di sản này không ở góc độ tôn giáo, tín ngưỡng mà ở những thực hành liên quan đến di sản. Đó là những sáng tạo văn hóa của cộng đồng, có giá trị nhân văn, tiến bộ thể hiện bản sắc của cộng đồng. Vì vậy, cần hiểu đúng tên di sản được UNESCO vinh danh là “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”, không phải toàn bộ tín ngưỡng thờ Mẫu, đồng thời cũng hiểu cho đúng không phải UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại mà là ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Hiện nay một bộ phận công chúng hiểu chưa đúng, đánh đồng hoặc coi di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” chỉ là hầu đồng. Hiểu như vậy là phiến diện. Hầu đồng chỉ là một thành tố của di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Bên cạnh đó còn có các thực hành khác như nghi lễ thờ cúng, các hoạt động khác trong lễ hội, sự tham gia sinh hoạt cộng đồng tìm hiểu và thực hành, sáng tạo các giá trị văn hóa liên quan đến di sản, đó là sự tích hợp rất nhiều biểu hiện và giá trị văn hóa.

Và, hầu đồng là một nghi lễ tín ngưỡng, không phải ai cũng có thể thực hành. Vì vậy, hầu đồng chỉ có thể diễn ra trong không gian tín ngưỡng, cụ thể là trong các đền phủ. Không thể có chuyện đưa hầu đồng ra nhà hàng tổ chức. Như vậy là trần tục hóa tín ngưỡng.

Để bảo vệ và phát huy di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” trong xã hội đương đại, trước hết cần phải nhận diện đúng, đầy đủ bản chất và giá trị cốt lõi của di sản.

Ông Trần Vũ Toán, thủ nhang phủ Nguyệt Du Cung (Quần thể di tích Phủ Dầy-Nam Định):

Thực hành tín ngưỡng cần sự thực tâm

Tôi biết nhiều người sẵn sàng bỏ ra cả chục triệu, trăm triệu đồng để tổ chức những giá đồng. Sau những lần “bốc đồng” như vậy có người lâm cảnh nợ nần, gia cảnh lục đục, quay sang oán thán, đổ lỗi cho Mẫu. Thực hành tín ngưỡng là việc làm cả đời không hết, cần sự thực tâm. Bỏ tiền mua vui nơi đền phủ là việc làm phản tín ngưỡng. Nếu thực tâm, chỉ với vài quả quýt cũng có thể ngồi hầu đồng, hầu Thánh cả buổi. Trên thực tế tôi đã thấy nhiều người như vậy và đánh giá cao những người đến với Mẫu bằng sự thành tâm này. Họ là những đồng thực, những chân đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Bảo vệ, phát huy giá trị Di sản ‘Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu’

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO