Văn hóa

Nam Định: Bí thư Tỉnh ủy ký văn bản chỉ đạo tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần

Duy Hưng 22/02/2024 15:06

Nhìn nhận năm nay Lễ hội Khai ấn diễn ra vào dịp cuối tuần nên lượng người tham gia sẽ rất đông, chính quyền tỉnh Nam Định đang triển khai nhiều biện pháp nhằm đảm bảo an ninh, an toàn.

“Kiểm soát chặt chẽ đại biểu vào khu vực nội tự Đền Trần trong đêm khai ấn”

Đây là một trong nhiều nội dung trong Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2024, do Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc ký, mới được Văn phòng Tỉnh ủy phát đi.

z5182215744397_de6e778d4a596db62ba32f53632758e8.jpg
Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm 2024 đang được chính quyền các cấp tỉnh Nam Định triển khai tổ chức.

Theo đó, để lễ hội lớn này được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo đúng quy định, nghi lễ truyền thống, phong tục, tập quán địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội ở tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo liên quan của Ban Thường vụ Tỉnh ủy trước đó.

Giao Ban cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo Công an tỉnh chỉ đạo và phê duyệt phương án, nhiệm vụ do Công an TP Nam Định xây dựng; đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn trong thời gian tổ chức Lễ hội khai ấn, đặc biệt là đêm 14 tháng Giêng.

“Tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhiệm vụ phân luồng, chỉ dẫn giao thông; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đại biểu vào khu vực nội tự Đền Trần trong đêm khai ấn để đảm bảo việc tổ chức nghi lễ khai ấn trang nghiêm, tuyệt đối an toàn”, văn bản truyền đạt Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh; “phối hợp nắm chắc tình hình các đối tượng có tiền án, tiền sự từ các tỉnh ngoài di chuyển về tỉnh để trộm cắp tiền, tài sản của du khách tham gia Lễ hội; bố trí 1 đến 2 xe cứu thương và cán bộ, bác sĩ trực để cấp cứu kịp thời; tăng cường phương tiện và cán bộ phòng cháy, chữa cháy; phối hợp đảm bảo tốt công tác hậu cần cho lực lượng tham gia phục vụ Lễ khai ấn; đảm bảo quân số dự phòng từ 5 - 10%”.

Đồng thời, chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với UBND TP Nam Định thống nhất phương án, địa điểm tập kết các đối tượng giả nhà sư khất thực, người lang thang, ăn xin, ăn mày tại khu di tích Đền Trần để di chuyển các đối tượng này trong thời gian diễn ra Lễ hội.

z5182283056920_37520e55a505fc6cac32f5403070ef17.jpg
Cảnh sát giao thông Nam Định làm nhiệm vụ phân luồng giao thông qua khu vực Di tích Đền Trần-Chùa Tháp.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định cũng chỉ đạo Ban Thường vụ Thành ủy Nam Định chỉ đạo “ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi, hiện tượng phản cảm, không đảm bảo nếp sống văn minh lễ hội; quản lý chặt chẽ việc phát “ấn lộc” cho du khách theo đúng quy định; kiểm soát, chấn chỉnh các dịch vụ trông giữ phương tiện đảm bảo đúng giá vé niêm yết; đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy, nổ, vệ sinh môi trường trước, trong và sau Lễ khai ấn...”.

Giao thông qua khu vực Đền Trần được phân luồng ra sao?

Như đã phản ánh, chính quyền tỉnh Nam Định nhìn nhận năm nay nghi lễ Khai ấn diễn ra vào cuối tuần nên lượng người tham gia sẽ rất đông. Địa điểm di tích đền Trần-Nam Định có một số tuyến đường chính chạy qua như Quốc lộ 10, Quốc lộ 21, Quốc lộ 21B…Thông tin từ Công an tỉnh Nam Định cho biết, để chủ động giải quyết các tình huống ùn tắc giao thông, Công an tỉnh đã xây dựng kế hoạch phân luồng, đảm bảo trật tự ATGT từ ngày 23 đến hết ngày 24/2 (tức ngày 14 và 15 tháng Giêng).

Theo đó, các phương tiện ô tô không đi lễ hội từ thành phố Phủ Lý về Thái Bình đi theo Quốc lộ 21 - cầu vượt Lộc Hòa - Quốc lộ 10 - cầu vượt Lộc An - đường Lê Đức Thọ - Quốc lộ 21B - Quốc lộ 10 (địa phận xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc).

Các phương tiện ô tô không đi lễ hội từ hướng Ninh Bình đi Thái Bình di chuyển theo hướng Quốc lộ 10 - đường dẫn lên cầu vượt Lộc An - đường Lê Đức Thọ - Quốc lộ 21B - Quốc lộ 10 (địa phận xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc).

Các phương tiện ô tô không đi lễ hội từ Thái Bình đi Hà Nội di chuyển theo hướng cầu Tân Đệ - Quốc lộ 10 rẽ trái theo Quốc lộ 21B (địa phận xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc) đường Lê Đức Thọ - Quốc lộ 10 - cầu vượt Lộc Hòa - rẽ phải ra Quốc lộ 21 đi thẳng Phủ Lý, không đi vào Quốc lộ 21B.

Các phương tiện ô tô không đi lễ hội từ Thái Bình đi Ninh Bình di chuyển theo hướng cầu Tân Đệ - Quốc lộ 10 rẽ trái theo Quốc lộ 21B - đường Lê Đức Thọ-Quốc lộ 10 - cầu vượt Lộc An - rẽ phải đi Ninh Bình.

Hơn 2.000 nhân viên an ninh được huy động

Trước đó, tại cuộc họp báo thông tin về công tác tổ chức Lễ hội Khai ấn đền Trần năm 2024, đại diện chính quyền TP Nam Định cho biết, năm nay các nghi lễ truyền thống trong khuôn khổ lễ hội vẫn được duy trì như mọi năm, với ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân Vương triều Trần-vương triều đã có công lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ 13.

z5182223359038_424f9affaafa700fb67e5a8d8dcfb0bf.jpg
Nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ từ Chùa Tháp Phổ Minh về Đền Trần, do cộng đồng ở địa phương tổ chức ngày 11 tháng Giêng năm nay.

Ngoài nghi lễ Khai Ấn (do cộng đồng địa phương thực hiện vào đêm ngày 14 tháng Giêng, phát ấn từ 5h sáng hôm sau), trong khuôn khổ lễ hội lớn này, du khách, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của vương triều Trần, được nhân dân địa phương tái hiện qua nghi lễ rước Nước và tế Cá.

Ngoài ra, còn được xem nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ (tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần, nằm gần chùa) với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái yết tổ tiên, dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; đồng thời mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu...

z5182241928511_c909a04e84231a2b98d128f2aef858ce.jpg
Nghi lễ rước nước, tế cá tưởng nhớ xuất thân chài lưới của vương triều Trần trong Lễ hội Khai ấn Đền Trần năm nay.

Trong khuôn khổ lễ hội còn có nghi lễ dâng hương do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Nam Định tổ chức vào 21h đêm 14 tháng Giêng (trước thời điểm diễn ra nghi lễ Khai Ấn)…

Theo Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Đền Trần-Chùa Tháp Nguyễn Đức Bình, với việc dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích này đã dần hoàn thành (rộng hơn 9 ha), năm nay Ban tổ chức sẽ tổ chức thêm hơn 10 hoạt động cộng đồng để phục vụ du khách, như tổ chức hội chợ OCOP, trưng bày sinh vật cảnh, thi đấu võ vật, hát chầu văn, hát xẩm, múa rối nước…

Đại diện Công an TP Nam Định cho biết, để đảm bảo an ninh, an toàn cho lễ hội tập trung rất đông người này, nhất là trong đêm diễn ra nghi lễ khai ấn, năm nay chính quyền tỉnh Nam Định huy động hơn 2.000 nhân viên an ninh, cả chính quy và không chính quy làm công tác đảm bảo an ninh trật tự.

Trong thời gian diễn ra nghi lễ Dâng hương và nghi lễ Khai ấn (tối và đêm 14 tháng Giêng), Ban tổ chức thực hiện đóng cửa đền Thiên Trường với lý do đảm bảo sự tôn nghiêm.

Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Nam Định Nguyễn Thị Như cho biết chính quyền thành phố lập 2 tổ công tác liên ngành để kiểm tra, xử lý những hành vi vi phạm trong lễ hội.

z5182265270351_832d3902deb763659782f3ce161d16aa.jpg
Trong đêm diễn ra nghi lễ Khai ấn năm 2023, sân đền Thiên Trường có rất nhiều nhân viên an ninh.

Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, trong các năm trước, tham gia thực hiện nghi lễ khai ấn trong nội cung đền Thiên Trường chỉ có 14 người cao tuổi ở phường Lộc Vượng cùng một số cán bộ ở địa phương.

Tại cuộc họp báo thông tin về công tác tổ chức lễ hội năm nay, Ban tổ chức không cho biết sẽ áp dụng hình thức nào để có thể truyền tải hình ảnh nghi lễ Khai ấn ra bên ngoài. Điều này đồng nghĩa số đông những người tham gia lễ hội không được biết nghi lễ diễn ra như thế nào?

Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, tại lễ hội năm 2023, trong đêm chính quyền TP Nam Định thực hiện nghi lễ dâng hương các vua Trần và Đức Thánh Trần; cộng đồng dân thôn Tức Mạc thực hiện nghi lễ khai ấn, toàn bộ khu vực khuôn viên đền Trần (gồm đền Thiên Trường, đền Cố Trạch, đền Trùng Quang) không có nhiều người được có mặt.

Có mặt tại đây từ tối đến hơn 12h đêm chỉ có 4 thành phần chính, gồm: người nhà đền, một số cán bộ lãnh đạo 3 cấp ở Nam Định (những người tham dự lễ dâng hương và nghi lễ Khai ấn), một số phóng viên các cơ quan báo chí; phần còn lại là lực lượng công an mang nhiều sắc phục. Rất đông người dân tham gia lễ hội phải đứng ở phía ngoài cổng đền Trần và được chặn bởi hàng rào sắt và dày đặc nhân viên an ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Bí thư Tỉnh ủy ký văn bản chỉ đạo tổ chức Lễ hội Khai ấn Đền Trần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO