Khi cây cầu phao cũ nát được thay thế sẽ chấm dứt cảnh xung đột giao thông giữa đường thủy và đường bộ trên sông Ninh Cơ, chấm dứt cảnh “tàu qua thì xe dừng” tồn tại nhiều năm qua…
Ngày 8/1, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết, hôm qua, 7/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, thay mặt Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định (số 22/QĐ-TTg) phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án “Xây dựng cầu Ninh Cường vượt sông Ninh Cơ trên Quốc lộ 37B” sử dụng vốn vay của Chính phủ Hàn Quốc.
Quyết định này thay thế cho Quyết định số 2268/QĐ-TTg ngày 31/12/2021.
Quyết định cho hay, mục tiêu của Dự án là hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, đặc biệt mạng lưới đường bộ ven biển; kết nối các khu công nghiệp trong tỉnh, tạo động lực phát triển kinh tế cho khu vực theo quy hoạch phát triển giao thông quốc gia. Giúp giảm tải xung đột giao thông giữa tuyến Quốc lộ 37B và các phương tiện giao thông thủy lưu thông trên sông Ninh Cơ, giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến an ninh trật tự giao thông trên địa bàn tỉnh Nam Định.
Theo nội dung quyết định, cơ quan chủ quản Dự án là Bộ Giao thông vận tải; chủ dự án là Ban Quản lý dự án Thăng Long, nhà tài trợ là Chính phủ Hàn Quốc; dự án thuộc nhóm B; thời gian thực hiện từ năm 2022 đến năm 2024 tại 2 huyện Trực Ninh và Nghĩa Hưng của tỉnh Nam Định.
Tổng vốn thực hiện Dự án là 582,516 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA là 20,1 triệu đôla Mỹ, tương đương 466,976 tỷ đồng. Vốn đối ứng là 115,54 tỷ đồng.
Quyết định cho biết đối với vốn vay ODA, ngân sách nhà nước cấp phát 100%; vốn đối ứng là ngân sách của Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Nam Định theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn.
Quyết định cũng giao Bộ Giao thông vận tải phải lưu ý các ý kiến góp ý nêu tại Báo cáo thẩm định để hoàn thiện, thẩm định, phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án theo quy định hiện hành.
Trên cơ sở quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng, thực hiện thủ tục bổ sung dự án vào kế hoạch trung hạn vốn nước ngoài cấp phát từ ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của pháp luật.
Chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm toán về nội dung, số liệu báo cáo và hiệu quả đầu tư của dự án, bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Phối hợp với Bộ Tài chính và Nhà tài trợ để đàm phán Hiệp định vay Dự án theo đúng quy định.
Đối với Bộ Tài chính, theo quyết định, phải thực hiện các thủ tục gia hạn Hiệp định vay để thực hiện Dự án theo quy định của pháp luật.
UBND tỉnh Nam Định triển khai công tác giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao để triển khai dự án theo đúng cam kết.
Theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, trước khi có quyết định trên, nhiều năm qua việc đi lại qua sông Ninh Cơ, trên tuyến Quốc lộ 37B với bờ bắc thuộc địa bàn huyện Nghĩa Hưng, bờ nam thuộc địa bàn huyện Trực Ninh (Nam Định) do cầu phao Ninh Cường đảm nhiệm. Để vận hành cây cầu phao này, đơn vị quản lý phải bố trí, duy trì một số nhân lực thường trực.
Do là cầu phao, nằm trên mặt nước nên việc đi lại ở đây phải phân giờ. Khi đến giờ dành cho người và phương tiện đường bộ qua cầu thì các phương tiện đường thủy phải dừng lại và ngược lại. Chính vì vậy việc đi lại qua đây rất bất tiện, thường xuyên xảy ra cảnh ùn tắc, xung đột, nhất là khi cầu phao gặp sự cố.
Trong khi đó, Quốc lộ 37B là tuyến đường bộ nối 3 tỉnh Thái Bình, Nam Định và Hà Nam. Tại địa bàn tỉnh Nam Định, Quốc lộ 37B là một trong những trục giao thông chính, đi qua địa bàn 6 huyện (Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên), kết nối với nhiều Quốc lộ, Tỉnh lộ khác.
Trước đó, việc xây dựng cầu Ninh Cường thay cầu phao Ninh Cường được nhắc đến nhiều ở địa phương, nhất là sau khi cầu Thịnh Long cùng bắc qua sông Ninh Cơ, ở phía cửa sông, nằm trên tuyến đường bộ ven biển, cũng do Hàn Quốc tài trợ vốn vay được xây dựng xong, cùng với thông tin nguồn vốn vay, vốn đối ứng xây cầu Thịnh Long dư thừa gần 600 tỷ đồng, được chuyển sang sử dụng cho dự án xây cầu Ninh Cường.