Nằm ở trung tâm vùng nam sông Hồng, thuộc miền duyên hải phía Bắc, Nam Định là tỉnh có vùng nông thôn trù phú, có nền nông nghiệp lâu đời, có nhiều làng nghề, xã nghề truyền thống. Từ nhiều đời nay, nông thôn, nông dân, ngư dân, diêm dân Nam Định đã và đang cung cấp cho xã hội nhiều sản phẩm thiết thực, từ các loại thực phẩm, đồ uống, đồ thủ công mỹ nghệ đến sản phẩm du lịch nông thôn…
Như nhiều địa phương, những năm qua tỉnh Nam Định đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), coi đây là mục tiêu có tính chiến lược, lâu dài nhằm phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới…
Đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 251 sản phẩm OCOP, được xếp hạng từ 3 sao trở lên (39 sản phẩm 4 sao, 212 sản phẩm 3 sao; có 99 sản phẩm thuộc ngành thực phẩm, 7 sản phẩm thuộc ngành đồ uống, 2 sản phẩm thuộc ngành thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm thuộc ngành du lịch nông thôn, trong đó có 4 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao)
Các sản phẩm OCOP của Nam Định đều đã và đang được thị trường, người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao, có mặt trong hệ thống các siêu thị, nhiều sản phẩm được xuất khẩu, trong đó có các sản phẩm được xuất khẩu sang châu Âu, Nhật Bản…
Trong số các sản phẩm OCOP của Nam Định, Gạo sạch Toản Xuân là một trong những sản phẩm tiêu biểu, đã được xếp hạng OCOP 4 sao. Đáng nói là đây là sản phẩm liên kết sản xuất giữa nông dân nhiều địa phương trong tỉnh với Công ty TNHH Toản Xuân, theo quy trình 9 bước chặt chẽ, từ xác định vùng nguyên liệu, chọn giống, làm đất và gieo cấy, chăm sóc và phòng ngừa dịch hại, thu hoạch, sấy thóc, bảo quản, chế biến, lưu kho thành phẩm.
Trong đó, vùng nguyên liệu nằm chủ yếu tại các huyện, xã phía nam tỉnh Nam Định, nơi ruộng đồng được phù sa sông Hồng và các sông nhánh bồi đắp nhiều đời nay, kết hợp với vùng nước lợ ven biển, cho chất lượng lúa gạo thơm ngon, giàu vi lượng, khoáng chất. Các cánh đồng được xây dựng với tiêu chí phải rộng từ 5 ha trở lên để áp dụng các biện pháp sản xuất tập trung, theo quy trình, công nghệ.
Giống lúa sản xuất là bộ giống được hợp tuyển, kiểm định chặt chẽ. Ruộng đồng được vệ sinh sạch sẽ trước khi gieo cấy, sử dụng tối đa phân hữu cơ kết hợp với phân bón vô cơ chuyên dùng cho từng giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc và phòng trừ dịch hại. Với công xuất sấy 400 tấn thóc/ngày của Công ty TNHH Toản Xuân, từ lúc gặt cho đến khi đưa vào lò sấy không quá 3 h, nhằm bảo đảm tối ưu dưỡng chất của hạt lúa.
Quá trình chế biến không dùng chất bảo quản, không dùng hương liệu, không xay xát gạo trắng quá, kiểm soát chặt chẽ gạo thành phẩm. Tất cả các yếu tố, quy trình trên đã tạo ra sản phẩm Gạo sạch Toản Xuân với các ưu điểm khi nấu thành cơm sẽ mềm, dẻo, có vị thơm tự nhiên, đậm, để nguội vẫn dẻo, mềm, thực sự là tinh hoa của Đồng bằng châu thổ sông Hồng
Một sản phẩm OCOP tiêu biểu khác của Nam Định là Nghêu thịt hộp lenger. Như đã biết, nghêu còn gọi là ngao là lạo thực phẩm không chỉ giàu dinh dưỡng mà còn có đặc tính lành, mát, là thực phẩm quen thuộc của hầu hết người dân Việt Nam, có thể chế biến thành nhiều món như hấp, nấu canh, xào, nướng, nấu cháo… Nằm ven biển, Nam Định là một trong những “vựa” ngao lớn ở miền Bắc, khai thác, nuôi, chế biến ngao là một trong những sinh kế làm giàu của người dân ven biển Nam Định từ nhiều năm nay.
Từ năm 2006, được sự chấp thuận của chính quyền tỉnh Nam Định, Tập đoàn Lenger Seafoods-Hà Lan với kinh nghiệm nuôi trồng, đánh bắt và chế biến các loại nhuyễn thể hai mảnh vỏ hàng thế kỷ đã thành lập Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam, đầu tư xây dựng một nhà máy chế biến ngao với các dây chuyền công nghệ chế biến hiện đại tại TP Nam Định, với mục tiêu hình thành nên một ngành công nghiệp thủy sản mới sau tôm và cá tra, đó là nuôi trồng, chế biến và kinh doanh thương mại các sản phẩm ngao.
Với chức năng nuôi trồng, khai thác, đánh bắt, chế biến và kinh doanh thương mại trong nước và xuất khẩu các loại ngao và nhuyễn thể hai mảnh vỏ tươi sống, đông lạnh và đồ hộp; có dây chuyền công nghệ làm sạch ngao và chế biến ngao tươi sống, đông lạnh và đồ hộp hiện đại, những năm qua Công ty TNHH Thủy sản Lenger Việt Nam đã sản xuất, cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước các loại sản phẩm chế biến từ ngao đạt tiêu chuẩn quốc tế, một trong số đó là sản phẩm Nghêu thịt hộp lenger. Tại thị trường trong nước, các sản phẩm ngao của nhà máy được chào bán ở hầu hết các siêu thị lớn như Vinmart cùng hệ thống cửa hàng tiện lợi V+, Sài Gòn Coopmart, hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch ở các đô thị trên cả nước. Đặc biệt, ngày 22/11/2021, Công ty TNHH Thuỷ sản Lenger Việt Nam tại tỉnh Nam Định đã xuất khẩu được lô hàng đầu tiên gồm 200.000 hộp thịt nghêu, trong đơn hàng 2 triệu hộp, tương đương 2.000 tấn nghêu nguyên liệu sang châu Âu…
Trong số các đại phương ở Nam Định, tính đến nay, huyện Giao Thủy là địa phương có số lượng sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP nhiều nhất, với 49 sản phẩm được UBND tỉnh đánh giá, xếp hạng, mang đặc trưng riêng vùng miền. Ngoài sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng xã Giao Xuân, hầu hết các sản phẩm OCOP của huyện có nguyên liệu từ nông nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, do chính nông dân, ngư dân, diêm dân, các Hợp tác xã, doanh nghiệp ở địa phương làm ra. Trong đó phải kể đến các sản phẩm như Mật ong sú vẹt Vườn quốc gia Xuân Thủy; nước mắm thủ công truyền thống Sa Châu, nem nắm, gạo Đài thơm 8, Nếp cái hoa vàng, dưa lê siêu ngọt, dưa hấu trồng theo công nghệ hữu cơ, sản phẩm muối sạch, muối tinh, muối bột canh, củ gai sấy khô, nấm linh chi, mộc nhĩ, nấm sò trắng, nấm sò nâu, tép moi sấy khô, ngũ cốc lợi sữa, ngũ cốc dinh dưỡng, ngũ cốc mẹ bầu, ruốc tôm, tôm he, tôm sú sấy, cá thu, cá vược…
Trong số các sản phẩm trên, Mật ong Vườn quốc gia Xuân Thủy là sản phẩm từ lâu đã rất nổi tiếng. Như đã biết, Vườn quốc gia Xuân Thủy (rộng hơn 7000 ha) được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới khu vực ven biển liên tỉnh đồng bằng châu thổ Sông Hồng, có hệ sinh thái vùng nước ngập mặn ven biển rất đa dạng, với bạt ngàn màu xanh của cây sú vẹt. Với đặc tính sống trong điều kiện nửa nước nửa cạn, khắc nghiệt hoa của cây sú vẹt mang mùi thơm rất đặc biệt. “Con ong làm mật yêu hoa”, từ tháng 5 đến tháng 8 hằng năm, khi sú vẹt ở Vườn quốc gia Xuân Thủy nở hoa cũng là thời điểm người nuôi ong ở địa phương đưa đàn ong về đây hút mật. Kết hợp với những giọt sương sớm, không khí trong lành của hệ sinh thái ven biển những con ong và người dân địa phương đã làm ra sản phẩm mật màu vàng mơ, trong, giàu vitamin và khoáng chất, có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt thanh không bị khé mang tên Mật ong sú vẹt Xuân Thủy nổi tiếng.
Sản phẩm nước mắm Sa Châu (do người dân thôn Sa Châu hay còn gọi là xứ đạo Sa Châu, ở xã Giao Châu sản xuất ra từ hàng trăm năm nay bằng phương pháp thủ công) của huyện Giao Thủy cũng rất nổi tiếng. Nguyên liệu được người dân Sa Châu dùng sản xuất nước mắm chủ yếu là cá nục, cá cuỗm, tép moi, tất cả đều còn tươi, không ướp lạnh, không dập nát, được lựa vào thời điểm cá, tép béo nhất. Thời gian sản xuất tập trung vào những tháng có nắng trong năm. Nguyên liệu muối cũng được lựa chọn rất kỹ, phải là muối rời, hạt nào ra hạt đó, bóng trắng; để trong kho hơn 1 năm, khi hết vị chát mới đem ra dùng.
Trung bình người dân ở đây dùng 10 kg cá ướp với 1,2 - 1,3 kg muối, thời gian trong 6 tháng liền. Khí cá, tép nát hẳn mới mang ra rổ tre, lót vải xô, rồi vắt lấy nước mắm cốt, nguyên chất. Nước mắm sau đó được đổ ang nhôm mỏng để phơi nắng, cho vệt muối trắng nổi lên, tối kỵ để dính nước mưa. Các công đoạn đều bằng phương pháp thủ công, người làm rất vất vả. Bù lại có được sản phẩm thơm ngon.
Tại huyện Nghĩa Hưng, theo ghi nhận đến hết năm 2021 huyện ven biển này cũng đã có 11 sản phẩm OCOP được UBND tỉnh Nam Định đánh giá, xếp hạng, bao gồm Gạo nếp bắc Nghĩa Bình, Gạo Huyết rồng Nghĩa Bình, Mỳ phở Minh Khang, Cà chua sinh thái Nam Điền, Cá kho Tuyến Loan, Ruốc cá Tuyến Loan, Nấm bào ngư Gia Bình, Gạo nếp thơm Giáo Lạc, Cá chạch kho, Nước mắm Lạch Giang, Mắm tôm Văn Quang.
Theo tìm hiểu của PV, hơn 100 năm nay người dân vùng đất Giáo Lạc, xã Nghĩa Tân (huyện Nghĩa Hưng) đã cấy giống nếp thơm Giáo Lạc do được thiên nhiên ban tặng điều kiện thổ nhưỡng phù hợp. Gạo nếp thơm Giáo Lạc có màu trắng đục, tròn đều, khi nấu xôi, gói bánh chưng có mùi thơm đặc trưng khác với những giống gạo nếp khác. Trước đây, ở Giáo Lạc có hơn 1.600 hộ gia đình trồng lúa nếp thơm Giáo Lạc nhưng chủ yếu theo cách truyền thống. Từ khi HTX Nghĩa Tân được thành lập, tất cả quy trình từ làm đất, gieo trồng đến khi thu hoạch đều được cơ giới hóa. Quy trình đóng gói bảo quản sau thu hoạch cũng được chuẩn hóa, nhờ đó, gạo nếp thơm Giáo Lạc luôn giữ được chất lượng tốt nhất đến tay người tiêu dùng. Đến nay, với hơn 200 ha gieo trồng, mỗi vụ các hộ dân ở Giáo Lạc xã Nghĩa Tân cung cấp trên 1400 tấn gạo thành phẩm cung ứng cho thị trường các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hà Nội…
Theo ông Nguyễn Văn Thiết, Chủ tịch HĐQT HTX Nghĩa Tân, sau khi sản phẩm gạo nếp của địa phương được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao, sản phẩm đã có tên, có nhãn mác, có truy xuất nguồn gốc, được thị trường tin tưởng, việc tiêu thụ rất thuận lợi. Khi chưa được công nhận, sản phẩm chỉ bán được khoảng 20.000 đồng/kg, sau khi được công nhận sản phẩm OCOP đã bán được với giá khoảng 30.000 đồng/kg.
Ở thị trấn Quỹ Nhất cùng huyện Nghĩa Hưng, sản phẩm cá Chạch kho của gia đình ông Nguyễn Văn Thịnh vốn đã nổi tiếng càng nổi tiếng hơn sau khi được UBND tỉnh Nam Định xem xét, xếp hạng sản phẩm OCOP. Theo ông Thịnh, giống cá Chạch ông sản xuất là giống bản địa, có từ lâu đời ở địa phương. Nhận thấy ưu điểm, giá trị kinh tế của giống cá này, từ năm 2010 gia đình ông bắt đầu đầu tư sản xuất trên quy mô lớn trên diện tích 10 ha, với gần 50 ao nuôi, trong đó 7ha dùng nuôi cá Chạch thương phẩm, 3 ha sản xuất con giống. Quy trình sản xuất hoạt động theo chuỗi khép kín. Sạch từ trang trại đến bàn ăn. Cá Chạch thương phẩm được gia đình chế biến thành các món ăn như cá Chạch kho, cá Chạch sấy khô, cá Chạch nướng. Ngoài ra, cơ sở cũng cung cấp cá Chạch tươi sống cho các cửa hàng, người dân có nhu cầu. Hiện tại, mỗi ngày cơ sở của ông Thịnh kho 200 kg cá Chạch để cung cấp cho thị trường. Vào dịp tết số lượng tăng lên gấp đôi vì có thêm nhiều doanh nghiệp, cá nhận trong và ngoài tỉnh đặt mua để thưởng thức, làm quà biếu...
Tại huyện Vụ Bản, trong số các sản phẩm OCOP đã được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng, sản phẩm Trà tươi hương chanh mật ong S24 của Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại và Vận tải Minh Hằng (CCN xã Quang Trung) khá nổi tiếng. Theo ông Bùi Văn Chỉnh, Phó Giám đốc Công ty, từ năm 2020 công ty được chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện, các đơn vị tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí, qua đó giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về ý nghĩa Chương trình, từ đó cải tiến quy trình sản xuất, thay đổi kiểu dáng, mẫu mã, xây dựng website tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; tham gia quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các Hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh…
Để bảo đảm chất lượng sản phẩm, toàn bộ nguyên liệu đầu vào được Công ty ký kết hợp đồng thu mua ổn định với các đơn vị sản xuất. Trung bình mỗi tháng, Công ty tiêu thụ từ 15-20 tấn nguyên liệu đầu vào; sản xuất trên 20 nghìn sản phẩm các loại. Đến nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm của Công ty được mở rộng; được nhiều doanh nghiệp uy tín như: Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam tại tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên; Công ty TNHH LG Display Việt Nam tại Hải Phòng… lựa chọn cho công nhân sử dụng. Những tháng đầu năm 2022, doanh thu của Công ty trên 10 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 15 lao động với mức thu nhập từ 6-7 triệu đồng/người/tháng. Năm 2022, Công ty phấn đấu đạt doanh thu khoảng 60 tỷ đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 2021.
Tại huyện Nam Trực, chương trình OCOP cũng đang được chính quyền, người dân, các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất tích cực hưởng ứng, tập trung triển khai. Trong đó, trong tháng 8/2022, Hội đồng đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP của huyện đã đánh giá, phân hạng thêm 3 sản phẩm của huyện, bao gồm sản phẩm Tương gia truyền Đại Phòng, sản phẩm Rượu nếp Hiền Hòa và sản phẩm Lộc Bình An.
Trong đó, sản phẩm Tương gia truyền Đại Phong (của gia đình ông Bùi Đình Úy, thôn Đông Chiền, xã Hồng Quang) thuộc ngành thực phẩm, nhóm gia vị. Sản phẩm có giấy đăng ký kinh doanh, giấy An toàn thực phẩm của chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Nam Định, có hợp đồng căn cứ chứng minh về việc mua nguyên liệu, bán sản phẩm ra thị trường. Cơ sở có 5 công nhân lao động, hàng tháng sản xuất khoảng trên 1000 lít tương, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Thái Bình, Nam Định, Bình Dương...
Sản phẩm rượu nếp Hiền Hòa (của gia đình ông Nguyễn Văn Hòa, xóm Nam Hà, xã Tân Thịnh) thuộc ngành đồ uống, nhóm đồ uống có cồn, phân nhóm rượu trắng. Sản phẩm có giấy đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận về cam kết đảm bảo ATTP. Cơ sở sản xuất có 7 công nhân lao động, hàng năm sản xuất khoảng trên 15.000 lít, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Cần Thơ, Nam Định, Hà Nội...
Sản phẩm Lộ Bình An (của gia đình ông Đặng Văn Lương. thôn Xối Trì. xã Nam Thanh) thuộc ngành thủ công mỹ nghệ trang trí, có giấy đăng ký kinh doanh, có báo cáo phân tích kiểm tra của Viện khoa học vật liệu Việt Nam, được UBND tỉnh Nam Định công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021, được chọn dự thi cấp vùng miền năm 2022. Cơ sở có 7 công nhân lao động, hằng năm sản xuất khoảng trên 700 chiếc bình, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hà Nội, Nam Định...
Tiềm năng, lợi thế phát triển sản phẩm OCOP của Nam Định còn rất lớn
Chương trình OCOP của tỉnh Nam Định nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của lãnh đạo tỉnh. Công tác tổ chức thực hiện được phân công nhiệm vụ cho các cơ quan từ cấp tỉnh đến huyện và xã. Các Sở, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố đã tập trung, tích cực chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình. Xác định Chương trình OCOP là giải pháp quan trọng để thực hiện nhóm tiêu chí sản xuất-thu nhập-hộ nghèo trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã có nhiều thay đổi về nhận thức, nhất là vai trò, ý nghĩa của Chương trình OCOP đối với việc phát triển sản phẩm và chiến lược sản xuất kinh doanh của đơn vị mình. Do đó đã tích cực hưởng ứng tham gia Chương trình. Tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP từ sản phẩm chủ lực, sản phẩm làng nghề, đặc sản địa phương còn rất lớn.
Thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục tập trung triển khai Chương trình, phát triển sản phẩm OCOP. Theo đó, tỉnh huy động sự vào cuộc của cả hệ thống Chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là vai trò của lãnh đạo cấp xã. Xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng bắt buộc trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình OCOP; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ triển khai Chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong truyền thông về Chương trình OCOP; xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình tiếp nhận hồ sơ, chấm điểm, phân hạng sản phẩm; số hóa sản phẩm; thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Tăng cường công tác quản lý chất lượng sản phẩm OCOP…
Ông Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định