Liên quan đến vụ việc người dân xã Nghĩa An (Nam Trực, Nam Định) tố Công ty Tùng Dương đốt dầu gây ô nhiễm, chiều ngày 30/9, tại trụ sở xã, Phòng TN-MT huyện, UBND xã Nghĩa An đã mời người dân đến nghe Công ty Tùng Dương báo cáo phương án bảo vệ môi trường của công ty này. Tuy nhiên, mục đích trên đã không thành do vấp phải sự phản đối gay gắt của những người dân tham dự…
Như mọi lần, các ý kiến phát biểu của người dân đều tập trung cáo buộc
Công ty Tùng Dương gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe, tính mạng của họ.
“Chúng tôi không tin phương án bảo vệ môi trường của Công ty”
Theo ông Phạm Xuân Hưởng-Trưởng Phòng TN-MT huyện Nam Trực, việc chính quyền tổ chức mời người dân tới nghe Công ty Tùng Dương thông báo phương án bảo vệ môi trường là do: Vào ngày 21/1/2016, Tổng cục Môi trường có văn bản thể hiện việc chấp thuận cho Công ty này được tiếp tục sử dụng Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại do cơ quan này cấp ngày 10/2/2015.
Sau khi có văn bản này, Công ty Tùng Dương đã xây dựng phương án bảo vệ môi trường theo yêu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước.
“Mục đích chính của việc này là để người dân địa phương biết, cùng tham gia góp ý hoàn thiện phương án bảo vệ môi trường của công ty, cũng là để thuận tiện cho người dân giám sát việc thực hiện sau này”, ông Hưởng cho biết thêm.
Tuy nhiên, có mặt tại trụ sở xã Nghĩa An vào chiều 30/9, nhiều người dân đã không đồng ý để ông Phạm Văn Tùng-Giám đốc Công ty Tùng Dương được báo cáo phương án bảo vệ môi trường như dự kiến, với các lý do như: “chúng tôi đã nghe quá nhiều”, “chúng tôi không tin”…
Thay vào đó, thêm một lần nữa, các ý kiến phát biểu của người dân đều tập trung cáo buộc Công ty Tùng Dương gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khỏe, tính mạng của họ. Phía người dân cho rằng hoạt động của Công ty gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng tới sức khỏe của họ và con em.
Cụ thể, số đông người dân sinh sống gần Công ty phản ánh: Hằng ngày, khi công ty tái chế dầu thải, mùi khói từ lò đốt dầu tỏa xuống khiến họ không chịu được; người lớn bị nhức đầu, khó thở, trẻ em bị mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp.
Cũng theo người dân, điểm hút nước trên sông Đào của nhà máy nước sạch xã Nghĩa An (cung cấp nước sinh hoạt cho 7 xã của huyện Nam Trực) chỉ cách điểm xả thải của Công ty Tùng Dương khoảng 200 m, khiến họ lo lắng, cho rằng nguồn nước sinh hoạt họ đang sử dụng không an toàn.
Dẫn chứng cho sự lo lắng này, người dân cho biết những năm qua số người trong xã mắc, chết vì căn bệnh ung thư tăng đột biến. Theo thống kê của người dân, từ năm 2008 đến nay, ở xã Nghĩa An đã có hơn 20 người mắc và chết vì bệnh ung thư…
Từ những lo lắng trên, người dân đồng loạt yêu cầu Công ty Tùng Dương phải di dời, chấm dứt hoạt động tái chế dầu thải trên địa bàn xã. “Nếu vẫn muốn tái chế dầu thải thì Công ty Tùng Dương nên xin vào hoạt động trong khu công nghiệp cho dễ quản lý”, ông Đoàn Văn Điều, một trong những người dân có mặt “khuyên” công ty Tùng Dương.
Những kiến nghị đề xuất của người dân được Trưởng phòng TN-MT huyện Nam Trực Phạm Xuân Hưởng cho biết sẽ ghi nhận, tổng hợp và báo cáo cấp trên…
Bị người dân phản đối, ông Phạm Văn Tùng-Giám đốc Công ty Tùng Dương
đã không thể báo cáo phương án bảo vệ môi trường của Công ty.
Hơn 7 năm hoạt động tái chế dầu thải không phép
Trước đó, như Báo Đại Đoàn Kết đã nhiều lần phản ánh: Từ năm 2007, Công ty TNHH Tùng Dương bắt đầu về thuê đất, đầu tư xây dựng nhà máy, triển khai hoạt động tái chế dầu thải trên địa bàn xã Nghĩa An (trên khu đất bãi ven sông Đào).
Cũng từ đây, mâu thuẫn giữa DN này và người dân địa phương đã phát sinh, diễn biến phức tạp và kéo dài cho đến nay.
Đỉnh điểm, vào ngày 10/5/2015, hàng trăm người dân xã Nghĩa An đã bao vây, xây tường gạch vít cổng Công ty Tùng Dương nhằm mục đích buộc công ty này phải dừng hoạt động.
Tiếp đến, vào sáng ngày 14/5/2015, tại trụ sở UBND xã Nhĩa An, Sở TN-MT tỉnh, UBND huyện Nam Trực phối hợp tổ chức buổi đối thoại giữa người dân địa phương với Công ty Tùng Dương, với sự tham dự của đại diện Cục quản lý chất thải thuộc Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT)
Tham dự buổi đối thoại này, trả lời những thắc mắc, kiến nghị của người dân, ông Nguyễn Thành Yên, Phó Cục trưởng Cục quản lý chất thải-Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) khẳng định: việc Công ty Tùng Dương hoạt động tái chế dầu mỡ phế thải (một trong những hoạt động thuộc lĩnh vực quản lý chất thải nguy hại) từ năm 2007 đến tháng 2/2015 (hơn 7 năm) khi chưa được cấp phép là hoàn toàn trái luật.
Vì hoạt động khi chưa có giấy phép, Công ty đã 4 lần bị Cảnh sát môi trường xử phạt, có lần tới 200 triệu đồng…
Trưởng phòng TN-MT huyện Nam Trực Phạm Xuân Hưởng: “Những đề xuất,
kiến nghị của bà con sẽ được chúng tôi ghi nhận, tổng hợp và báo cáo cấp trên”.
Giải thích lý do đến ngày 10/2/2015, Tổng cục Môi trường mới cấp phép hoạt động cho Công ty Tùng Dương trong bối cảnh người dân địa phương đang tố DN này gây ô nhiễm, khi đó ông Yên cho hay: Hoạt động của Công ty Tùng Dương thuộc diện vừa vì mục đích phát triển kinh tế vừa tham gia bảo vệ môi trường (thông qua hoạt động tái chế dầu mỡ phế thải), do vậy cần được khuyến khích, tạo điều kiện.
Tham gia buổi đối thoại, ông Phạm Văn Tùng-Giám đốc Công ty Tùng Dương khẳng định cơ sở tái chế dầu mỡ của mình đang thực hiện nghiêm các quy định bảo vệ mối trường. Ông này cũng bác bỏ hoàn toàn các cáo buộc của người dân.
Sau buổi đối thoại này, theo yêu cầu của các cơ quan chức năng, Công ty Tùng Dương đã tạm dừng sản xuất, chờ xác minh thêm của cơ quan chức năng.
Và đến ngày 21/1/2016, Tổng cục Môi trường có văn bản chấp thuận cho Công ty này được tiếp tục sử dụng Giấy phép hành nghề quản lý chất thải nguy hại đã cấp trước đó…