Các dự án của Tập đoàn Xuân Thiện ở Nam Định, trong đó có 2 dự án sản xuất gang thép vừa được điều chỉnh theo hướng tăng vốn, tăng công suất. Trong đó, dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định được điều chỉnh vốn đầu tư từ 66 nghìn tỷ đồng lên 88 nghìn tỷ đồng…
Chiều nay, 22/3, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng đã cùng lúc ký, ban hành 03 quyết định của UBND tỉnh về đều chỉnh chủ trương đầu tư 3 dự án được cho là “khủng” nhất từ trước đến nay tại tỉnh Nam Định, cùng của Tập đoàn Xuân Thiện.
Từ “nhà máy cán thép” thành “nhà máy thép Xanh”, tăng vốm, diện tích xây dựng gấp 3 lần, đổi địa điểm xây dựng
Cụ thể, tại quyết định số 566, chính quyền Nam Định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của dự án Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng (được chấp thuận tại Quyết định số 2186/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định cấp lần đầu ngày 09/10/2021). Trong đó:
Điều chỉnh tên dự án từ “Nhà máy cán thép Xuân Thiện Nghĩa Hưng" thành “Nhà máy thép Xanh Xuân Thiện Nghĩa Hưng" (bỏ từ “cán” thêm từ “Xanh”-PV).
Điều chỉnh quy mô dự án từ "Xây dựng nhà máy cán thép với diện tích khoảng 28,05ha, công suất khoảng 1,25 triệu tấn thép/năm" thành “Xây dựng nhà máy thép xanh với diện tích khoảng 83,93ha. Sản xuất thép thành phẩm với công suất 2 triệu tấn/năm, từ thép phế và sản phẩm chứa sắt bằng lò điện hồ quang và đúc cán liên tục. Các công nghệ sử dụng có xuất xứ từ G7/Châu Âu, thiết bị mới 100%, đảm bảo chất lượng khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn" (Diện tích xây dựng tăng từ 28,05 ha lên 83,93 ha, gần gấp 3 lần-PV)
Điều chỉnh tổng vốn đầu tư tăng từ 3.000,0 tỷ đồng (vốn góp để thực hiện dự án: 900,0 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 30,0%; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác: 2.100,0 tỷ đồng) lên 10.000,0 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần (trong đó vốn góp để thực hiện dự án 1.500,0 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15%; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác: 8.500,0 tỷ đồng)
Điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án trước đây ở xã Nghĩa Lâm, huyện Nghĩa Hưng, nay chuyển sang địa bàn xã Nghĩa Hải.
Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông được xây dựng ở hai xã thay bằng chỉ một
Tại quyết định số 568, chính quyền Nam Định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của dự án Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn Xuân Thiện Nam Định đã được chấp thuận tại Quyết định số 2187/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định cấp lần đầu ngày 9/10/2021.
Trong đó, điều chỉnh địa điểm thực hiện dự án trước đây chỉ ở xã Nghĩa Hải, huyện Nghĩa Hưng, nay bổ sung thêm địa điểm xã Nam Điền.
Một dự án giảm diện tích xây dựng nhưng tăng thêm 22 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, tăng công suất
Tại quyết định 569, chính quyền Nam Định Chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư của dự án Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định đã được chấp thuận tại Quyết định số 2188/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nam Định cấp lần đầu ngày 9/10/2021
Cụ thể, điều chỉnh tên dự án từ “Nhà máy gang thép số 1 Xuân Thiện Nam Định" thành “Nhà máy Thép Xanh số 1 Xuân Thiện Nam Định" (từ nhà máy gang thép số 1 thành Nhà máy Thép Xanh số 1-PV).
Điều chỉnh mục tiêu dự án, từ “Sản xuất sắt, thép, gang (mã ngành VSIC: 2410); các hoạt động phục vụ sản xuất gang, thép bao gồm: đúc sắt, thép (mã ngành VSIC: 2431); sản xuất than cốc (mã ngành VSIC: 1910); tái chế phế liệu (mã ngành VSIC: 3830); thoát nước và xử lý nước thải (mã ngành VSIC: 3700); khai thác, xử lý và cung cấp nước (mã ngành VSIC: 3600); hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải (mã ngành VSIC: 5229); tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho khoảng 10.000 lao động tại địa phương" sang:
“Sản xuất sắt, thép, gang (mã ngành VSIC: 24100); các hoạt động phục vụ gang thép, bao gồm: đúc sắt, thép (mã ngành VSIC: 2431); tái chế phế liệu (mã ngành VSIC: 3830); thoát nước và xử lý nước thải (mã ngành VSIC: 3700); khai thác, xử lý và cung cấp nước (mã ngành VSIC: 3600); hoạt động dịch vụ hỗ trợ khác liên quan đến vận tải (mã ngành VSIC: 5229); tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm cho khoảng 15.000 lao động địa phương".
Điều chỉnh quy mô dự án từ “xây dựng nhà máy gang thép với diện tích khoảng 341,11 ha; công suất khoảng 6,0 triệu tấn/năm, gồm 5,0 triệu tấn thép tấm HRC/năm và 1,0 triệu tấn phôi thép/năm" thành giảm diện tích xây dựng xuống còn khoảng 284,97ha (giảm hơn 51 ha-PV); sản xuất sắt xốp, thép và các sản phẩm từ thép với công suất 7,5 triệu tấn/năm, bằng công nghệ hoàn nguyên lò đứng, luyện thép lò điện hồ quang và công nghệ đúc cán liên tục với lưu trình liên động khép kín. Các công nghệ sử dụng có xuất xứ từ G7/Châu Âu, thiết bị mới 100%, đảm bảo chất lượng khí thải, nước thải và môi trường theo tiêu chuẩn, quy chuẩn" (tăng 1,5 triệu tấn/năm)
Đáng chú ý, tổng vốn đầu tư dự án được điều chỉnh tăng từ 66.000,0 tỷ đồng (vốn góp để thực hiện dự án: 9.900,0 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15,0%; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác: 56.100,0 tỷ đồng; tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn theo tiến độ thực hiện dự án) lên 88.000,0 tỷ đồng (tăng 22 nghìn tỷ đồng-PV).
Trong đó: vốn góp để thực hiện dự án: 13.200,0 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 15%; vốn vay và vốn huy động hợp pháp khác: 74.800,0 tỷ đồng; tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn theo tiến độ thực hiện dự án.
Cùng với tăng lượng vốn, dự án cũng được điều chỉnh tiến độ đầu tư. Theo đó, quyết định trước quy định 2 giai đoạn đầu tư. Trong đó, giai đoạn 1 thực hiện trong 48 tháng kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa (hoàn thành dây chuyền 1, công suất khoảng 3 triệu tấn/năm, gồm 2,5 triệu tấn thép tấm HRC/năm và 0,5 triệu tấn phôi thép/năm. Giá trị đầu tư giai đoạn 1 dự kiến: 35.000,0 tỷ đồng.
Giai đoạn 2 thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày hoàn thành giai đoạn 1 (hoàn thành dây chuyền 2, công suất khoảng 3 triệu tấn/năm, gồm 2,5 triệu tấn thép tấm HRC/năm và 0,5 triệu tấn phôi thép/năm. - Giá trị đầu tư giai đoạn 2 dự kiến: 31.000,0 tỷ đồng)
Ở quyết định mới, chính quyền Nam Định quy định dự án có 3 giai đoạn đầu tư. Trong đó, điều chỉnh giai đoạn 1 thực hiện trong thời gian 36 tháng kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa (giảm 12 tháng; hoàn thành dây chuyền cán nguội chế biến sâu, công suất 1 triệu tấn/năm, sản phẩm thép tấm mạ kẽm, thép tấm sơn phủ, là mặt,... và các hạng mục phụ trợ khác; giá trị đầu tư giai đoạn 1 dự kiến khoảng 10.000,0 tỷ đồng)
Giai đoạn 2 thực hiện trong 48 tháng (tăng thêm 36 tháng-PV) kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa, hoàn thành dây chuyền 1, công suất khoảng 5,1 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC (trong đó 1 triệu tấn sản phẩm sẽ được cấp làm đầu vào cho giai đoạn 1; giá trị đầu tư giai đoạn 2 dự kiến khoảng 46.000,0 tỷ đồng.
Giai đoạn 3 thực hiện trong 60 tháng kể từ ngày bàn giao đất tại thực địa (hoàn thành dây chuyền 2, công suất khoảng 2,4 triệu tấn/năm, chủ yếu là thép cuộn cán nóng HRC). Giá trị đầu tư giai đoạn 3 dự kiến khoảng 32.000,0 tỷ đồng.
Tối cùng ngày, thông tin thêm với Đại Đoàn Kết Online về việc điều chỉnh nội dung 3 dự án trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho hay ngoài đáp ứng nhu cầu, năng lực của nhà đầu tư, các nội dung điều chỉnh hướng đến việc lựa chọn công nghệ sản xuất thép phù hợp hơn với yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường…
Trước đó, để triển khai các dự án trên của nhà đầu tư Xuân Thiện, UBND tỉnh Nam Định đã ra quyết định thu hồi hơn 431 ha đất tại một số xã của huyện Nghĩa Hưng, hiện đang triển khai các phương án thu hồi, đền bù, GPMB.