Chậm triển khai, phối hợp thiếu chặt chẽ, đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB, thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố sẽ phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh. Đây là một trong những nội dung trong văn bản chỉ đạo chính quyền Nam Định vừa phát đi...
Sáng 21/3, Văn phòng UBND tỉnh Nam Định phát đi Văn bản thông báo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị liên quan công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) trên địa bàn tỉnh.
Kết luận đưa ra sau Hội nghị tổng kết công tác GPMB giai đoạn 2019-2021, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2025, tổ chức hôm 18/3.
Theo nội dung thông báo, bên cạnh những mặt tích cực, chính quyền Nam Định nhìn nhận công tác GPMT ở tỉnh thời gian qua vẫn là “điểm nghẽn” trong triển khai các dự án đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư phục vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
“Tiến độ giải phóng mặt bằng của một số dự án còn chậm, nhất là các dự án trọng điểm. Tình hình khiếu nại tố cáo liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng ở một số nơi đôi lúc còn diễn biến phức tạp”, Chủ tịch tỉnh Nam Định nhìn nhận.
Nguyên nhân là do một số cấp ủy, chính quyền địa phương trong tỉnh chưa sâu sát, thiếu quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác GPMB; việc huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và công tác tuyên truyền, vận động ở một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức; sự phối hợp giữa các Sở, ban, ngành với nhau và giữa các Sở, ban, ngành với các huyện, thành phố chưa thực sự chặt chẽ, đôi lúc còn đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; hệ thống văn bản pháp luật liên quan đến quản lý đất đai và công tác GPMB còn thiếu đồng bộ, chưa sát với thực tế.
Trong giai đoạn 2022 - 2025, chính quyền Nam Định xác định nhiệm vụ đặt ra đối với công tác giải phóng mặt bằng là rất lớn, đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ hoàn thành các công trình, cải thiện môi trường đầu tư
Từ đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định yêu cầu, hối thúc các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh tập trung thực hiện quyết liệt 12 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Trong đó, ở nhóm thứ nhất, ngoài yêu cầu các Sở, ban, ngành, các huyện, thành phố trong tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc triển khai công tác GPMB; xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên, liên tục, người đứng đầu chính quyền Nam Định đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành kết luận gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương về công tác GPMB, để làm căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm.
Ở các nhóm giải pháp tiếp theo, Chủ tịch Nam Định yêu cầu cấp dưới tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách về đất đai, chế độ, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư
“Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; chú trọng công tác vận động, thuyết phục, đối thoại, trao đổi trực tiếp, công khai, minh bạch về các quy định, chế độ chính sách, phương án bồi thường hỗ trợ GPMB”, thông báo nhấn mạnh.
Chính quyền tỉnh cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tổ chức rà soát lại quy trình trong công tác GPMB, đảm bảo khoa học, đúng quy định
“Phân công, gắn trách nhiệm cụ thể cho các tập thể, cá nhân theo từng nội dung công việc; nhất là đối với các dự án, công trình trọng điểm. Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác GPMB trên địa bàn”, thông báo dẫn lời Chủ tịch tỉnh, thêm rằng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai trên địa bàn.
Trong thông báo, chính quyền Nam Định cũng chỉ đạo các nội dung về xác định nguồn gốc đất đai; về cơ sở dữ liệu đất đai; về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; về xác định giá đất và bố trí tái định cư.
“Các Sở Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường tăng cường công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản và giá đất trên địa bàn tỉnh ngăn chặn kịp thời các hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá bất động sản lên cao gây khó khăn trong việc xác định giá đất phục vụ công tác GPMB”, thông báo dẫn yêu cầu của Chủ tịch tỉnh, thêm rằng phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và nắm tình hình, tiến độ công tác GPMB; kịp thời phát hiện, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và xử lý nghiêm những sai phạm, tiêu cực trong bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Đối với công tác đảm bảo ANTT, chính quyền Nam Định giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường nắm tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn; kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm những đối tượng có hành vi ngăn cản, cản trở quá trình thực hiện GPMB, thi công các dự án.
“Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để chậm triển khai nhiệm vụ, phối hợp thiếu chặt chẽ, đùn đẩy trách nhiệm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB”, thông báo dẫn ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nam Định.
Trước đó, thông tin tại Hội nghị tổng kết công tác GPMB giai đoạn 2019-2021, phương hướng nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2022-2025, do UBND tỉnh Nam Định tổ chức hôm 18/3 cho biết, giai đoạn 2022-2025, Nam Định đã, đang và sẽ triển khai trên 640 công trình, dự án phục vụ quốc phòng-an ninh, phát triển KT-XH… với diện tích mặt bằng khoảng 18.700 ha.
Hôm 9/3, trong bối cảnh việc cấp "sổ đỏ" cho hộ gia đình, cá nhân bị ách tắc, chậm trễ, bị người dân kêu ca, phàn nàn, UBND tỉnh Nam Định ra văn bản cho phép Sở TN-MT tỉnh được ủy quyền việc này cho Văn phòng đăng ký đất đai.
Trước đó, như Đại Đoàn Kết Online đã thông tin, để lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải GPMB các dự án trọng điểm, phức tạp ở tỉnh, hôm 11/2, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đã lần đầu thành lập riêng Ban chỉ đạo GPMB phục vụ phát triển KT-XH tỉnh giai đoạn 2022-2025, với thành phần gồm 3 Thường trực Tỉnh ủy, 12 Ủy viên Ban Thường vụ cùng 11 Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh khác tham gia. Ban do Bí thư Tỉnh uỷ Phạm Gia Túc làm Trưởng ban.