Đây là nội dung trong Thông báo của Tỉnh ủy Nam Định, phát đi hôm nay, 1/2, thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết và công tác tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần - Xuân Quý Mão tại cuộc họp tổ chức ngày 31/1.
“Đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn”
Theo đó, liên quan đến công tác tổ chức Lễ hội khai ấn Đền Trần - Xuân Quý Mão năm 2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định cơ bản nhất trí với Kế hoạch tổ chức của TP Nam Định.
Để Lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn, tiết kiệm, đúng quy định của Đảng, Nhà nước và nghi lễ truyền thống, phong tục, tập quán địa phương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định thống nhất phân công Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Đình Nghị trực tiếp chủ trì, chỉ đạo công tác tổ chức theo đúng quy định.
“Ban Thường vụ Thành ủy Nam Định chỉ đạo triển khai, tổ chức tốt Lễ hội khai ấn Đền Trần theo Kế hoạch đã đề ra. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan làm tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, phòng, chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa, tạo ấn tượng tốt đẹp với du khách thập phương”, Thông báo dẫn ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định.
Đối với Công an tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đơn vị này chỉ đạo và phê duyệt phương án, nhiệm vụ đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn Lễ hội do Công an thành phố Nam Định xây dựng; đặc biệt là trong thời gian tổ chức Lễ khai ấn đêm 14 tháng Giêng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định đồng thời chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với UBND TP Nam Định thống nhất phương án, địa điểm tập kết các đối tượng giả nhà sư khất thực, người lang thang, ăn xin, ăn mày tại di tích Đền Trần để di chuyển các đối tượng này trong thời gian diễn ra lễ hội.
Chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh chỉ đạo đảm bảo vệ sinh cảnh quan, môi trường khu vực trụ sở làm việc nơi đơn vị quản lý; phối hợp đón tiếp các đại biểu về dự Lễ hội khai ấn Đền Trần đảm bảo chu đáo, an toàn.
Như Đại Đoàn Kết Online đã phản ánh, sau 3 năm phải dừng tổ chức vì dịch Covid-19, Lễ hội Khai Ấn đền Trần-Nam Định đầu Xuân Quý Mão-2023 được tái tổ chức (kéo dài từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng) với đầy đủ các nghi lễ truyền thống, mang ý nghĩa tưởng nhớ, tri ân Vương triều Trần-vương triều đã có công lãnh đạo quân dân Đại Việt 3 lần chiến thắng quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ 13, làm nên hào khí Đông A lừng lẫy một thời.
Chính quyền địa phương nhìn nhận lễ hội năm nay sẽ có rất đông du khách tham dự vì được tổ chức vào dịp cuối tuần.
Ngoài nghi lễ Khai Ấn (do cộng đồng địa phương thực hiện vào đêm ngày 14 tháng Giêng, phát ấn từ 5h sáng hôm sau), trong khuôn khổ lễ hội lớn này, du khách, nhất là thế hệ trẻ có dịp hiểu thêm về xuất thân chài lưới, gắn với sông nước của vương triều Trần, được nhân dân địa phương tái hiện qua nghi lễ rước Nước và tế Cá. Ngoài ra, còn được xem nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ (tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần, nằm gần chùa) với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái yết tổ tiên, dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ; đồng thời mang ý nghĩa tri ân công đức bậc tiên tổ, tạo nên sự đoàn kết cộng đồng rộng lớn, dung hòa các tôn giáo, tín ngưỡng và giáo dục truyền thống cho thế hệ con cháu...
Trong khuôn khổ lễ hội còn có nghi lễ dâng hương do Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Nam Định tổ chức vào 21h đêm 14 tháng Giêng (trước thời điểm diễn ra nghi lễ Khai Ấn)…
Duy trì hệ thống camera để phát hiện, xử lý người có hành vi phản cảm
Điểm mới đáng chú ý của Lễ hội Khai Ấn đền Trần-Nam Định năm nay là lần đầu lễ hội thường thu hút rất đông người tham gia này được tổ chức trong không gian rộng tới hơn 9 ha và được kỳ vọng áp lực về vấn đề an ninh sẽ được giảm so với các năm trước. Trước đó, giai đoạn 1 của dự án đầu tư xây dựng Khu trung tâm lễ hội thuộc Khu di tích lịch sử - văn hóa đặc biệt thời Trần rộng hơn 9 ha đã hoàn thành.
“Tâm thế của du khách đến với lễ hội năm nay sẽ khác, thoải mái hơn vì không gian lễ hội rộng lớn, áp lực về an ninh sẽ giảm. Như mọi năm, vào lễ xong mọi người không biết đi đâu. Nhưng từ năm nay, mọi người sẽ có thêm nhiều điểm để đợi nhau, để tham quan, để checkin…”, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Đền Trần-Chùa Tháp Nguyễn Đức Bình cho hay; thêm rằng: “Ban tổ chức cũng đã cho dựng những dãy kiot khang trang dọc đường Trần Thừa để người dân ngồi bán hàng, tránh sự lộn xộn, tự phát”.
Dẫu vậy, công tác đảm bảo an ninh trật tự ở lễ hội lớn này, đặc biệt là trong đêm ngày 14 tháng Giêng-đêm diễn ra nghi lễ khai ấn; việc ngăn chặn hiệu quả những hành vi phản cảm thường diễn ra trong các năm trước đây (ném tiền lên kiệu Ấn; xông vào đền Thiên Trường vơ vét lộc trên các ban thờ; chặt chém giá dịch vụ...) vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.
Tại cuộc họp báo thông tin về công tác tổ chức lễ hội được UBND TP Nam Định tổ chức trước đó, Phó Chủ tịch UBND TP Nam Định Nguyễn Thị Như, lãnh đạo Ban quản lý di tích, lãnh đạo Công an TP Nam Định cùng cho biết như mọi năm, năm nay Công an tỉnh, Công an thành phố đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tỉ mỷ nhằm đảm bảo an toàn cho lễ hội.
"Lực lượng Công an sẽ bố trí 5 vòng để đảm bảo an ninh", Thượng tá Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng Công an TP Nam Định thông tin.
“Ban tổ chức tiếp tục duy trì hệ thống camera an ninh, nếu phát hiện cá nhân nào, đặc biệt là cán bộ, đảng viên có các hành vi phản cảm trong lễ hội sẽ sử dụng biện pháp thông báo về cơ quan, đơn vị để có biện pháp xử lý”, bà Nguyễn Thị Như cho biết; thêm rằng: “Thành phố cũng sẽ lập các đoàn liên ngành để thực hiện việc kiểm tra, xử lý các vi phạm về giá dịch vụ, vệ sinh an toàn thực phẩm; phát hiện, ngăn chặn tình trạng phát ấn giả nếu có”.
Cũng tại cuộc họp báo, thông qua báo chí, đại diện chính quyền TP Nam Định kêu gọi mọi người đến với Lễ hội Khai Ấn với tinh thần văn hóa, văn minh.
Theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, các hoạt động chính của Lễ hội Khai Ấn đền Trần-Nam Định diễn ra từ ngày 11 tháng Giêng (1/2) nhưng ngay từ ngày 1 Tết Quý Mão Khu di tích lịch sử văn hóa đặc biệt Đền Trần-Chùa Tháp đã đón rất đông du khách về tham quan, hành lễ.
Trong sáng nay, 11 tháng Giêng (1/2), tại lễ hội đã diễn ra nghi lễ rước kiệu Ngọc Lộ, tức nghi lễ rước chân nhang Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông từ chùa Tháp Phổ Minh về đền Trần, nằm gần chùa, với ý nghĩa tâm linh để Phật Hoàng bái yết tổ tiên, dự nghi lễ thờ thủy tổ dòng họ.
Nghi lễ diễn ra ở thời điểm rất có ý nghĩa khi vào ngày 30/1, cùng với 26 hiện vật, nhóm hiện vật khác, Bộ tượng Trúc Lâm Tam Tổ chùa Tháp Phổ Minh (tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn với tư thế nằm nghiêng ở giữa, tượng Pháp Loa bên trái và tượng Huyền Quang bên phải-PV), niên đại Thế kỷ XVI được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia.