Kiến nghị gửi tới Cục đăng kiểm được đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định nêu khi cung cấp thông tin tại Hội nghị giao ban Báo chí tháng 2/2023, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Nam Định phối hợp tổ chức chiều nay, 27/2.
Kiến nghị được nêu trong bối cảnh thời gian qua hàng loạt lãnh đạo, cán bộ, nhân viên của từ Cục Đăng kiểm Việt Nam đến các Trung tâm Đăng kiểm ở nhiều tỉnh thành trên cả nước bị cơ quan công an khởi tố, bắt giam với cùng chung cáo buộc nhận hối lộ để bỏ qua các lỗi của xe ô tô khi đăng kiểm.
Riêng tỉnh Nam Định có 4 lãnh đạo và đăng kiểm viên của Trung tâm Đăng kiểm 1802D (nằm trên đường Lê Đức Thọ, thuộc địa bàn xã Nghĩa An, huyện Nam Trực; do Công ty CP phát triển công nghệ Điện thông làm chủ đầu tư) đã bị bắt giam.
“Chỉ lần đầu được mời”
Cụ thể, theo ông Trần Minh Đăng, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định, địa bàn tỉnh hiện có 6 Trung tâm Đăng kiểm đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới, trong đó có 2 trung tâm thuộc Sở Giao thông vận tải tỉnh quản lý, 4 trung tâm được đầu tư theo phương thức xã hội hóa.
Ở thời điểm hiện tại địa bàn tỉnh có 5 trung tâm đang hoạt động, 1 trung tâm đang phải dừng hoạt động, chính là Trung tâm đăng kiểm 1802D, theo báo cáo của Công ty CP phát triển công nghệ Điện thông-chủ đầu tư do sau khi có 4 cán bộ, đăng kiểm viên bị bắt, trung tâm này không còn đủ kiểm định viên trên dây truyền.
Toàn tỉnh hiện có 22 đăng kiểm viên được Cục Đăng kiểm cấp giấy chứng nhận, trong đó có 10 đăng kiểm viên bậc cao.
Cũng theo ông Trần Minh Đăng, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, các Trung tâm Đăng kiểm trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm định 72.706 phương tiện, trong đó có 7.461 phương tiện không đạt yêu cầu kiểm định an toàn.
Nói về vai trò quản lý Nhà nước của Sở Giao thông vận tải địa phương đối với hoạt động của các Trung tâm Đăng kiểm, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định cho biết, sở “thường xuyên chỉ đạo các Trung tâm đăng kiểm phối hợp với Cục Đăng kiểm triển khai các biện pháp cụ thể, không để xảy ra ùn tắc; thống nhất với Cục Đăng kiểm tổ chức tăng ca, nâng cao năng suất, đảm bảo chất lượng kiểm định an toàn theo quy định”.
Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Đăng, kể từ khi Nghị định 139/2018/NĐ/CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ (quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới), hoạt động kiểm định phương tiên đã có thay đổi lớn, trong đó có việc thực hiện xã hội hóa hoạt động đăng kiểm, cho phép tư nhân tham gia dịch vụ công về đăng kiểm không hạn chế.
“Chủ đầu tư trước khi xây dựng Trung tâm Đăng kiểm chỉ cần có văn bản thông báo cho Cục Đăng kiểm về địa điểm xây dựng, thời gian dự kiến hoàn thành. Sau đó Cục Đăng kiểm tổ chức đánh giá trung tâm có đáp ứng quy chuẩn về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực hay không, nếu đạt sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động”, ông Trần Minh Đăng thông tin và nhìn nhận “dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt giữa các trung tâm”.
Đáng nói, theo đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định, vai trò quản lý của Sở Giao thông vận tải địa phương đối với các Trung tâm đăng kiểm hoạt động trên địa bàn được đầu tư bằng phương thức xã hội hóa lại rất hạn chế.
“Chỉ có lần đầu, khi tổ chức đánh giá điều kiện hoạt động của các trung tâm để cấp phép là Sở được Cục mời tham gia, còn các hoạt động sau đó thì Sở không được mời”, ông Trần Minh Đăng thông tin.
“Tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện đăng kiểm”
Thông tin về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác đăng kiểm xe cơ giới hiện nay, đại diện Sở Giao thông vận tải tỉnh Nam Định cho biết, một mặt Sở đề nghị Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện hoàn thiện đồng bộ quy trình, quy chế, cơ chế, chính sách, pháp luật về kinh doanh dịch vụ đăng kiểm; đánh giá, tổng kết, nghiên cứu để báo cáo Bộ Giao thông-Vận tải xem xét trình Chính phủ sửa đổi Ngị định 139/2018/NĐ/CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới; bổ sung, sửa đổi các Thông tư của Bộ Giao thông-Vận tải về việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 139; về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Mặt khác, Sở đề nghị Cục tổ chức rà soát, đánh giá mô hình tổ chức của các đơn vị đăng kiểm, đặc biệt là công tác xã hội hóa hoạt động đăng kiểm; tham mưu phân cấp, phân quyền đảm bảo phù hợp, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đăng kiểm; nghiên cứu xây dựng đề án tách bạch giữa chức năng quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện đăng kiểm.
Đào tạo, tập huấn, quản lý đội ngũ đăng kiểm viên, nhân viên nghiệp vụ để kịp thời bổ sung cho các Trung tâm kiểm định.
Đồng thời đề nghị Cục “phối hợp chặt chẽ với Sở Giao thông vận tải địa phương trong công tác cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định, kiểm tra, giám sát các Trung tâm Đăng kiểm”.
Về phía Sở Giao thông vận tải địa phương, ông Trần Minh Đăng cho biết Sở sẽ tăng cường kiểm tra, yêu cầu các trung tâm đăng kiểm thực hiện nghiêm việc kiểm định và cấp giấy chứng nhận kiểm định theo quy định.
Đối với các Trung tâm Đăng kiểm, theo đại diện Sở Giao thông vận tải Nam Định, phải nâng cao vai trò, trách nhiệm cá nhân, thực hiện đúng quy định, quy trình; tuyệt đối không có hành vi sách nhiễu, tiêu cực; đảm bảo duy trì hoạt động ổn định việc cung cấp dịch vụ; có biện pháp hữu hiệu để giải quyết tốt nhất nhu cầu đăng kiểm như bố trí làm thêm giờ; sắp xếp, bố trí hợp lý để giảm thời gian chờ đợi; khuyến cáo, thông tin kịp thời để chủ xe chủ động sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện, chủ động thời gian, địa điểm kiểm định để giảm ùn tắc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đăng ký kiểm định trước, đăng ký từ xa thời gian kiểm định…