Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, nguyên Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lê Đức Thọ được Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định-quê hương ông tổ chức sáng 9/10, tại Nhà văn hóa trung tâm 3-2, TP Nam Định.
Tham dự lễ kỷ niệm có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Phó Chủ tịch-Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Lê Tiến Châu cùng nhiều lãnh đạo bộ, ban, ngành ở Trung ương.
Tại lễ kỷ niệm các đại biểu đã ôn lại thân thế, sự nghiệp, quá trình công tác, công lao, đóng góp của nhà cách mạng Lê Đức Thọ cho Đảng, cho đất nước, cho nhân dân.
Ông tên thật là Phan Đình Khải, sinh ngày 10/10/ 1911 tại thôn Địch Lễ, xã Nam Vân, TP Nam Định, trong một gia đình, dòng họ có truyền thống hiếu học, yêu nước.
Ông tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm, khi còn là học sinh tại TP Nam Định, từ năm 1930 đến năm 1939 ông đã 2 lần bị thực dân Pháp bắt, lần lượt bị giam cầm ở các nhà tù khét tiếng tàn ác của thực dân Pháp như Côn Đảo, Hỏa Lò, Sơn La. Trong lao tù khổ sai, ông cùng các đồng chí của mình vẫn giữ vững tinh thần kiên trung, bất khuất, biến nhà tù thành trường học cách mạng.
Tháng 9/1944, sau khi được thả từ nhà tù Sơn La, ông về hoạt động ở ngoại thành Hà Nội, đổi tên thành Lê Đức Thọ để đảm bảo bí mật, bắt đầu tham gia vào ban lãnh đạo cao nhất của Đảng, lần lượt được giao những trọng trách ở những thời điểm quan trọng, khó khăn, nguy hiểm, quyết định đến thành bại của cách mạng.
Trong đó, tháng 9/1948, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử dẫn đầu phái đoàn gồm 30 cán bộ của Trung ương Đảng, Chính phủ và quân đội vào chi viện cho chiến trường Nam Bộ; sau được cử làm làm Phó bí thư Xứ ủy Nam Bộ, sát cánh cùng Bí thư Xứ ủy Lê Duẩn lãnh đạo cách mạng miền Nam cho đến khi kháng chiến chống Pháp thắng lợi. Tháng 5/1952, khi Bí thư Trung ương Cục miền Nam Lê Duẩn rời Nam Bộ ra Việt Bắc, ông được giao làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam (thay cho xứ ủy Nam Bộ trước đó). Những năm tháng công tác ở miền Nam, ông được đồng bào Nam Bộ gọi thân mật là “Anh Sáu Thọ”.
Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ông được điều động ra Hà Nội, được phân công làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương, từ giữa năm 1956 phụ trách công tác sửa sai trong cải cách ruộng đất. Cuối năm 1956, ông được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương, kiêm chức Hiệu trưởng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Năm 1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, ông được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tiếp tục được phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.
Để chuẩn bị cho cuộc Tổng công kích, tổng khởi nghĩa dự kiến diễn ra từ mùa Xuân 1968, năm 1967 được cử tham gia Quân ủy Trung ương. Sau Tổng tiến công, nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ông trở lại miền Nam làm Phó bí thư Trung ương Cục miền Nam, tham gia lãnh đạo các cuộc tổng tiến công tiếp theo.
Cũng trong năm 1968, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, trở về Hà Nội làm cố vấn đặc biệt Đoàn ngoại giao của Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa chuẩn bị sang Pa-ri đàm phán với Mỹ về ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong suốt 5 năm (từ 1968 đến 1973) ông đã nhiều lần trực tiếp đàm phán cả bí mật và công khai, đấu trí với Henry Kissinger, nhà ngoại giao kỳ cựu, đại diện Chính phủ Mỹ về vấn đề quan trọng trên với kết quả Hiệp định được ký kết ngày 27/1/1973, buộc Mỹ phải rút quân khỏi Việt Nam, giúp ta hoàn thành 1 trong 2 mục tiêu chiến lược “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề để “đánh cho ngụy nhào” vào ngày 30/4/1975; được cả “đối thủ” và cộng đồng quốc tế khi đó đánh giá đặc biệt cao về tài năng, nghệ thuật đàm phán ngoại giao, đặc biệt là tính kiên định.
Ông được trao đồng giải Nobel Hoà bình với Henry Kissinger năm 1973 nhưng đã từ chối nhận vì lý do hòa bình chưa thật sự được lập lại ở Việt Nam và vì không muốn bị đánh đồng giữa những người bảo vệ hòa bình và những người gây chiến tranh.
Từ năm 1977, ông được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt, theo dõi, chỉ đạo cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, giúp cách mạng Campuchia đánh tan chế độ diệt chủng Pôn Pốt, xây dựng chính quyền cách mạng mới ở đất nước chùa Tháp, phục hồi sự sống ở đây sau thảm họa diệt chủng.
Tháng 1-1980, ông đảm nhiệm cương vị Thường trực Ban Bí thư phụ trách công tác tổ chức, tuyên huấn và nội chính, từ năm 1982, phụ trách công tác tư tưởng và công tác đối ngoại. Năm 1983, ông giữ thêm cương vị Phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Đảng. Năm 1986, ông được phân công làm công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ VI. Tại đại hội, ông được tuyên dương công trạng và cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương. Ông qua đời ngày 13/10/1990, hưởng thọ 79 tuổi.
Tại lễ kỷ niệm, các đại biểu cùng nhìn nhận, với 79 tuổi đời, 61 năm tuổi Đảng, 64 năm hoạt động cách mạng, Lê Đức Thọ là một chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, nhà lãnh đạo tài năng. Ông được đánh giá, ghi nhận là người lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ; có công lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; là nhà ngoại giao kiên định, xuất chúng, có những đóng góp lớn trong việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả; có nhiều công lao, đóng góp trong công tác tổ chức, xây dựng Đảng. Ông là tấm gương sáng về lòng trung thành, tận tụy với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân, được toàn Đảng, toàn dân thương yêu, kính trọng.
Ông có hai người em trai là Mai Chí Thọ (Phan Đình Đống), Đinh Đức Thiện (Phan Đình Dinh) cùng tham gia hoạt động cách mạng, giữ nhiều trọng trách, có nhiều công lao, đóng góp.
Trước đó, nằm trong chuỗi các sự kiện kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy Nam Định đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định”.
Ngày 8/10, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nam Định cũng đã tổ chức Lễ dâng hương tại Nhà lưu niệm ông ở quê nhà, xã Nam Vân, ngoại thành TP Nam Định.
Nhân dịp về tham dự Lễ kỷ niệm 110 năm ngày sinh nhà cách mạng Lê Đức Thọ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng đoàn cán bộ các ban, bộ, ngành ở Trung ương đã tới dâng hương tại Nhà lưu niệm đồng chí Lê Đức Thọ ở quê nhà.