Huyện Nghĩa Hưng kiến nghị các cơ quan chức năng của tỉnh Nam Định xác minh, làm rõ nguyên nhân xảy ra hiện tượng nhiều loại thủy sản bị yếu, chết dạt bờ sông Đáy những ngày qua.
Liên quan tới hiện tượng cá chết, tôm chết trên sông Đáy, dạt vào bờ đoạn qua địa bàn huyện Nghĩa Hưng (Nam Định), ngày 10/5, thông tin tới PV Báo Đại Đoàn Kết, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định Trần Anh Dũng cho biết, UBND tỉnh đã nhận được báo cáo cùng ngày của UBND huyện Nghĩa Hưng về việc trên.
Theo báo cáo, sau khi có thông tin trên, UBND huyện Nghĩa Hưng đã giao Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp với Chi cục thủy sản, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cử cán bộ chuyên môn xuống các xã, thị trấn dọc ven sông Đáy (từ xã Nghĩa Thịnh xuống xã Nghĩa Hải) để kiểm tra.
Cụ thể, ở thời điểm sáng 9/5, các lực lượng kiểm tra ghi nhận, tại khu vực từ xã Nghĩa Trung xuống bên dưới nhà máy nước Mai Thanh có ít hộ dân sinh sống, toàn bờ bãi nên người dân không phát hiện ra hiện tượng tôm cá chết.
Khu vực từ bên dưới nhà máy nước Mai Thanh đến giáp ngã ba kênh Quần Liêu có hiện tượng nhiều tôm càng xanh, cá lành canh và rạm dạt vào bờ sông Đáy nhưng chưa chết. Trước đó, vào sáng 8/5, người dân ra bắt tôm cá, đưa lên bờ mới chết. Nước sông có màu xanh lờ lờ và nước rớt rớt.
Trước nữa, theo báo cáo của UBND xã Nghĩa Trung, vào thời điểm khoảng 19h ngày 7/5, nguồn nước sông Đáy qua địa bàn có hiện tượng bị ô nhiễm và có hiện tượng tôm cá trên sông bị chết.
Tại khu vực từ ngã ba với kênh Quần Liêu đến Đò 10 có hiện tượng tôm càng xanh và cá nhỏ nổi trôi dạt vào ven bờ sông. Người dân có ra bắt tôm cá.
Tại khu vực xã Nghĩa Lạc, qua lời kể của người dân sống ven sông Đáy, hiện tượng tôm, cua, cá bị yếu và chết trôi dạt vào bờ xảy ra hàng năm nhưng không nhiều. Tuy nhiên, năm nay xuất hiện nhiều hơn.
Cụ thể, từ rạng sáng 8/5, người dân thấy các loài thủy hải sản bị yếu và trôi dạt vào bờ nên đã đánh bắt về để ăn và mang đi bán.
Sang 9/5, sau khi xuất hiện thông tin tôm, cua, cá bị yếu và chết không chỉ xảy ra tại đoạn sông Đáy qua địa bàn xã Nghĩa Lạc mà còn xuất hiện ở nhiều đoạn trên sông Đáy khác nên người dân ở đây không đánh bắt và ăn các lại cá này nữa. Đến 9h sáng 9/5, khi nước sông Đáy lên cao thì không còn cá dạt vào bờ, do bị nước cuốn về hạ nguồn.
Tại khu vực từ xã Nghĩa Phú đến thị trấn Quỹ Nhất, có hiện tượng tôm, cá lành canh, cá mòi chết, có con chưa chết dạt vào ven bờ. Đêm 8/5 và rạng sáng 9/5, người dân ở khu vực này có ra bắt tôm cá để cho gia súc, gia cầm ăn.
Theo phản ánh của người dân, mấy năm gần đây, vào thời điểm này năm nào ở khu vực này cũng có hiện tượng cá chết dạt vào bờ.
Ở khu vực cuối nguồn Cống tiêu thuộc xã Nghĩa Hải thì cả khu vực cuối sông Đáy vùng ngoài phía Tây dự án Cồn Xanh và khu vực phía Đông vùng bãi nuôi ngao đều có hiện tượng cua, cáy chết rải rác. Vùng ven sông, một số ít cá nhỏ chết trôi dạt vào bờ nhưng số lượng ít.
Đến sáng 10/5, do mực nước sông Đáy lên cao, không còn hiện tượng tôm cá chết trôi sông, dạt bờ; nguồn nước cũng không xuất hiện màu lạ như trước.
Đối với 2 xã phía Bắc huyện giáp sông Đáy là xã Nghĩa Thịnh và Hoàn Nam, báo cáo của UBND huyện Nghĩa Hưng cho biết, tại khu vực xã Nghĩa Thịnh không có hiện tượng cá trên sông bị chết, dạt bờ như một số xã phía hạ nguồn.
Tuy nhiên, tại các lồng bè của người dân ở đây có hiện tượng cá chết rải rác từ đầu năm 2024 đến nay. Theo các chủ hộ, nguyên nhân do lồng bè diện tích nhỏ, số lượng cá nhiều, hàm lượng oxy thấp dẫn đến một số cá nuôi bị chết.
Tại xã Hoàng Nam, vào ngày 7/5 có xuất hiện hiện tượng cá chết trôi nổi trên sông.
Theo UBND huyện Nghĩa Hưng, tổng sản lượng các loại thủy sản yếu được người dân bắt và bị chết dọc bờ sông Đáy thuộc địa bàn các xã trên ước tính khoảng 2,5 tấn.
UBND huyện Nghĩa Hưng cũng cho biết, liên quan sự việc trên, vào ngày 10/5, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan của huyện tăng cường thực hiện các biện pháp đảm bảo nguồn nước từ các nhà máy nước sạch; tuyên tuyền các hộ dân không vớt tôm cá bị chết để sử dụng hoặc đem bán.
Trong văn bản gửi UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Nghĩa Hưng đề nghị các cơ quan chức năng liên quan cần tập trung theo dõi, nắm bắt tình hình, xem xét nguyên nhân, kiểm tra hiện tượng trên để đảm bảo nguồn nước phục vụ cho người dân sinh hoạt và sản xuất.
Sông Đáy là một chi lưu của sông Hồng, tách ra từ cửa Hát Môn thuộc địa bàn 2 huyện Phúc Thọ và Đan Phượng (Hà Nội); là dòng sông chính của lưu vực sông Nhuệ Đáy ở phía Tây Nam vùng châu thổ sông Hồng. Sông chảy xuyên qua địa bàn tỉnh Hà Nam, sau đó trở thành ranh giới giữa hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Sông đổ về biển ở cửa Đáy.