Đây là di sản thứ 9 của Nam Định được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, cần được bảo vệ.
Ngày 3/2, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết UBND tỉnh đã nhận được Quyết định số 155 /QĐ-BVHTTDL ngày 2/2/2023 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Quyết định do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng ký.
Theo Quyết định trên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống “Lễ hội Thái Bình xướng ca” thôn Quả Linh, xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
“Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của mình thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa”, Quyết định nêu.
Thêm rằng: “Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan tới di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định”.
Theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online từ nhân dân cũng như những người làm công tác nghiên cứu, bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương, từ thời Đinh-Tiền Lê đến thời Trần làng Gạo, tức làng Quả Linh (ngày nay thuộc xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã là nơi được triều đình đặt kho lương, có đình đụn để tích trữ lương thảo, có đội quân vận chuyển lương thực, góp phần quan trọng vào chiến công ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông trong thế kỷ XIII của quân dân Đại Việt, dưới sự lãnh đạo của vương triều Trần.
Sau chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ ba (năm 1288), dân làng Gạo được vua Trần ban thưởng, mở hội ca hát để ăn mừng chiến thắng, mừng đất nước được thái bình, với các hoạt động như: lễ rước kiệu Thánh và nhang án 18 cụ Tổ, kéo đình đụn, đua thuyền tải lương, thi dệt vải trên hồ, hát trống quân, chơi tam cúc, tổ tôm điếm…
Từ đây lễ hội “Thái bình xướng ca” làng Gạo trở thành lễ hội truyền thống, được nhân dân địa phương gìn giữ, lưu truyền, tổ chức 3 năm 1 lần (từ ngày 9 đến ngày 11/3 Âm lịch) với nhiều nghi lễ cùng nhiều trò chơi và hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian đặc sắc, chứa đựng, phản ánh đậm nét các giá trị lịch sử, văn hóa thời Trần; mang ý nghĩa giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn".
Vào ngày 28/7/2022, tại UBND xã Thành Lợi, Bảo tàng tỉnh Nam Định đã tổ chức Hội nghị cộng đồng với sự tham dự của đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, Phòng Văn hóa-Thể thao huyện Vụ Bản, chính quyền xã Thành Lợi, gần 60 đại biểu đại diện cộng đồng-chủ thể thực hành di sản văn hóa phi vật thể “Lễ hội Thái bình xướng ca”.
Tại đây, đại diện chính quyền và cộng đồng địa phương đã thảo luận, nhất trí thông qua nội dung hồ sơ di sản đề nghị các cấp có thẩm quyền xem xét đưa “Lễ hội Thái bình xướng ca” vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm thực hiện tốt hơn việc bảo tồn.
Trước đó, các di sản khác của Nam Định gồm: “Nghi lễ Chầu văn của người Việt”, “Lễ hội Phủ Dầy”, “Lễ hội đền Trần”, “Lễ hội đền thờ đức thánh Tổ xã Yên Xá, huyện Ý Yên” (tổ nghề đúc Đồng), “Lễ hội Chùa Linh Quang” (xã Phương Định, huyện Trực Ninh), “Lễ hội Chùa Bi” (Nam Trực), “Lễ hội chùa Keo-Hành Thiện” (xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường), “Nghề sơn mài Cát Đằng” (xã Yên Tiến, huyện Ý Yên) đã được ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đặc biệt, ngày 1/12/2016, UNESCO đã ghi danh “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (trong đó Nam Định là một trung tâm thực hành lớn) vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cần được bảo vệ.