Nam Định: Ngang nhiên huy động người, máy móc vào Vườn quốc gia chặt cây, hút cát

Duy Hưng 23/08/2023 18:14

75 ngày sau khi phát hiện vị trí nằm trong Phân khu phục hồi sinh thái, thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy bị tàn phá bằng các hành vi chặt cây, hút cát, nhà chức trách ở Nam Định ghi nhận vi phạm tái diễn.

Ngày 23/8, thông tin tới Đại Đoàn Kết Online, lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết, trong ngày hôm trước, 22/8, đại diện Vườn quốc gia Xuân Thủy cùng đại diện Hạt kiểm lâm Giao Xuân Hải, Đồn Biên phòng Ba Lạt, UBND xã Giao Lạc đã lập biên bản kiểm tra hiện trạng tại khu vực Cồn Lu, thuộc địa phận quản lý hành chính xã Giao Lạc giáp ranh giới xã Giao Xuân (huyện Giao Thủy) nằm trong Phân khu phục hồi sinh thái thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy.

Biên bản kiểm tra hiện trạng được lập ngày 22/8.

Theo biên bản kiểm tra, trước đó, vào ngày 7/6 khi tuần tra tại khu vực Cồn Lu (vị trí tọa độ E00607295 - N02234672, nằm trong Phân khu phục hồi sinh thái của Vườn quốc gia Xuân Thủy), đại diện các đơn vị trên phát hiện vụ việc nghiêm trọng, đó là người dân tự ý huy động máy móc, thuê nhân công hút cát cải tạo bãi, chặt phá cây phi lao, cây ngập mặn tại đây (đã lập biên bản, chuyển hồ sơ qua Công an huyện Giao Thủy) thì đến 14h45 ngày 22/8, qua kiểm tra, Đoàn công tác tiếp tục phát hiện tại đúng vị trí này có thêm 50 cây Mắm bị chặt phá, diện tích bị chặt phá 240m2; xuất hiện vây và cọc tre, loại dùng để cắm cọc vây, cao theo hướng từ phía trong ra ngoài biển, dài 100 m; xuất hiện một chòi canh coi được dựng mới hoàn toàn bằng 9 cột bê-tông, cao 4-5 m, rộng 36 m2 ở vị trí mép ngoài cồn cát cao.

Riêng tại khu vực tiếp giáp quản lý địa giới hành chính tiếp giáp giữa xã Giao Lạc và xã Giao Xuân, Đoàn phát hiện một máy hút cát không hoạt động, không người trông giữ, đặt tại vị trí cồn cát cao; phát hiện một hố hút cát mới rộng 50m2, sâu 2m.

Kiểm tra về hướng do xã Giao Xuân quản lý hành chính, Đoàn phát hiện cách vị trí giáp ranh về phía Tây Nam khoảng 1km có một hố hút cát rộng 500 m2, sâu 1,5 m; có 2 máy hút cát không hoạt động, không người trông giữ…

Cây bị chặt phá trong Vườn quốc gia.

Liên quan vụ việc xâm hại nghiêm trọng Vườn quốc gia Xuân Thủy xảy ra vào ngày 7/6, theo báo cáo của lãnh đạo Vườn, sau khi vụ việc được phát hiện, Đoàn công tác liên ngành đã lập biên bản, yêu cầu chủ phương tiện tạm dừng mọi hoạt động, giữ nguyên hiện trường và tự trông coi, quản lý, không được tự ý di dời khỏi hiện trường khi chưa có sự cho phép của cơ quan chức năng.

"Bước đầu xác định khoảng 460 m2 cây rừng ngập mặn tái sinh, khoảng 4.000 m2 cây phi lao trong Phân khu phục hồi sinh thái thuộc Vườn đã bị chặt phá; khoảng 4220 m2 đất bãi bồi đã bị tự ý cải tạo", báo cáo của Vườn quốc gia Xuân Thủy nêu.

Vào ngày 8/6, Đoàn đã làm việc với các cá nhân liên quan là ông Nguyễn Văn Phê (50 tuổi, trú khu Đông Nhất, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy), ông Trần Văn Hạp (66 tuổi, trú xóm 8, xã Giao Lạc, huyện Giao Thủy) để xác minh vụ việc.

Theo khai nhận của ông Phê, chính người này đã thuê một người tên Hiếu ở địa phương cùng phương tiện vào khu vực Cồn Lu hút cát, cải tạo bãi; thuê thêm vợ chồng ông Huỳnh, bà Dung cùng làm. Người này cũng khai đã chỉ đạo bà Dung chặt một số cây phi lao để cắm vây còn phần diện tích cây ngập mặn ở khu vực rừng tái sinh là do ông Huỳnh tự ý chặt. Đoàn công tác sau đó đã yêu cầu ông Phê và những người làm thuê giữ nguyên hiện trạng, không được di chuyển máy móc, phương tiện ra khỏi hiện trường.

Không chỉ chặt cây, những người này còn tự ý hút cát, cải tạo đất, đóng cọc, quây vây trong Vườn quốc gia.

Đến ngày 12/6, trên cơ sở báo cáo của Vườn quốc gia Xuân Thủy, UBND huyện Giao Thủy đã tổ chức hội nghị giữa các bên liên quan để giải quyết vụ việc trên. Tại đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Giao Thủy Cao Thành Nam đã đề nghị các bên liên quan cung cấp hồ sơ, tài liệu và đề xuất giải pháp đề giải quyết vụ việc.

Đến ngày 13/6, Ban quản lý Vườn quốc gia Xuân Thủy, đại diện Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải đã làm việc với Công an huyện Giao Thủy để cung cấp chi tiết hồ sơ vụ việc vi phạm, đồng thời cung cấp các văn bản pháp lý, bản đồ hiện trạng và bản đồ quy hoạch có liên quan tại khu vực vi phạm để hỗ trợ việc điều tra, xác minh và giải quyết vụ việc.

Cũng trong ngày 13/6, Vườn quốc gia Xuân Thủy phối hợp với UBND xã Giao Lạc, Hạt Kiểm lâm Giao Xuân Hải và Đồn Biên phòng Ba Lạt đã kiểm tra, xác minh hiện trường vi phạm để củng cố, hoàn thiện hồ sơ pháp lý có liên quan để báo cáo UBND huyện Giao Thủy.

Cũng theo báo cáo của Vườn quốc gia Xuân Thủy, liên quan vụ việc nghiêm trọng trên, bước đầu xác định khoảng 460 m2 cây rừng ngập mặn tái sinh và khoảng 4.000 m2 cây phi lao đã bị chặt phá; khoảng 4220 m2 đất bãi bồi đã bị tự ý cải tạo.

Và dựng chòi canh coi.

Như đã phản ánh, trong khi vụ việc đang trong quá trình xử lý, thì đến ngày 22/8 tại vị trí ông Phê và những người làm thuê có các hành vi tự ý hút cát, cải tạo bãi, chặt phá cây trong Phân khu phục hồi sinh thái thuộc Vườn quốc gia Xuân Thủy, các cơ quan chức năng ở địa phương tiếp tục ghi nhận phát sinh thêm các hành vi tương tự.

Vườn Quốc gia Xuân Thủy nằm ở cửa Ba Lạt, nơi sông Hồng đổ về biển với một bên là huyện Giao Thủy (Nam Định) một bên là huyện Tiền Hải (Thái Bình). Vườn có vùng lõi rộng khoảng 7.000 ha, cả vùng đệm rộng khoảng 14.000 ha, là một hệ sinh thái đất ngập nước vùng cửa sông. Từ năm 1989 Vườn đã tham gia Công ước Ramsar và từ năm 2004 được UNESCO công nhận là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển vùng châu thổ sông Hồng.

Đặc trưng của Vườn là bạt ngàn cây sú vẹt, mênh mông đầm bãi với rất nhiều loài thủy sản. Vườn cũng được biết đến như một “ga chim” khi hàng năm các loài chim di trú trên hành trình tránh rét thường về đây “dưỡng sức”, chuẩn bị cho hành trình tiếp theo. Lâu nay, Vườn không chỉ là địa chỉ tìm đến của các nhà nghiên cứu mà còn là địa chỉ tham quan, trải nghiệm của nhiều du khách, hội, nhóm…

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua nhiều vụ việc xâm hại Vườn quốc gia này đã được ghi nhận.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Ngang nhiên huy động người, máy móc vào Vườn quốc gia chặt cây, hút cát

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO