Nam Định: Nông thôn thừa, thành thị thiếu nhà văn hóa

Duy Hưng 31/08/2022 22:03

Ông Lại Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định cho biết thực trạng trên tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 8/2022, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh phối hợp tổ chức chiều ngày 31/8…

Giảm 1.513 đầu mối thôn (xóm), tổ dân phố

Theo Phó giám đốc Sở Nội vụ Nam Định, sau một thời gian triển khai, đến nay tỉnh Nam Định đã hoàn thành chủ trương, kế hoạch sắp xếp, sáp nhập lại các thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn toàn tỉnh, giai đoạn 2021-2022.

Ông Lại Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định thông tin về kết quả sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh chiều ngày 31/8.

Trước đó, ngày 9/4/2020, UBND tỉnh Nam Định ban hành Quyết định về việc ban hành Quy chế tổ chức, hoạt động và phân loại thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.

Điều 12 của quyết định quy định: Tiêu chí phân loại thôn (xóm), tổ dân phố là số hộ gia đình đăng ký thường trú và tạm trú thường xuyên thuộc địa bàn thôn (xóm), tổ dân phố.

Thôn (xóm), tổ dân phố được phân làm 2 loại, theo quy mô số hộ gia đình. Trong đó, thôn có từ 300 hộ gia đình trở lên và tổ dân phố có từ 350 hộ gia đình trở lên là loại 1; thôn có dưới 300 hộ gia đình và tổ dân phố có dưới 350 hộ gia đình là loại 2.

Theo ông Lại Văn Hiếu, trước khi sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh Nam Định có 3.673 thôn (xóm), tổ dân phố ở 10 huyện, thành phố trong tỉnh. Trong đó, có 342 đơn vị đủ tiêu chí về số hộ; 3.331 đơn vị không đủ; 1.577 đơn vị thuộc diện phải sáp nhập; 1.754 đơn vị thuộc diện khuyến khích sáp nhập hoặc đặc thù…

Đối chiếu tiêu chí, thời gian qua toàn tỉnh Nam Định đã thực hiện sắp xếp, sáp nhập 2.485 thôn (xóm), tổ dân phố để thành lập mới 972 thôn (xóm), tổ dân phố.

“Toàn tỉnh có 1.188 thôn (xóm), tổ dân phố không thực hiện sắp xếp”, ông cho hay.

Sau khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập toàn tỉnh Nam Định hiện còn 2.160 thôn (xóm), tổ dân phố, giảm 1.513 đầu mối (đạt tỉ lệ 41,19%). Trong đó có 1.159 đơn vị đạt tiêu chí theo quy định (đạt từ 300 hộ trở lên đối với thôn; 350 hộ trở lên đối với tổ dân phố); 978 đơn vị đạt từ 50% đến dưới 100% tiêu chí (đạt từ 150 đến dưới 300 hộ đối với thôn; đạt từ 175 đến dưới 350 hộ đối với tổ dân phố); 23 đơn vị đạt dưới 50% tiêu chí (dưới 150 hộ đối với thôn, dưới 175 hộ đối với tổ dân phố).

“Các thôn (xóm), tổ dân phố không thực hiện sắp xếp do có các yếu tố đặc thù, truyền thống lịch sử, vị trí địa lý…”, ông Lại Văn Hiếu cho hay.

Ngoài ra, theo lãnh đạo Sở Nội vụ Nam Định, tỉnh cũng đã đổi tên 129 thôn (xóm), tổ dân phố không thực hiện sắp xếp, sáp nhập.

Sau sắp xếp, sáp nhập, hầu hết các thôn (xóm), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Nam Định đều tăng về quy mô dân số, mở rộng về diện tích đi liền với đòi hỏi năng lực của cán bộ cơ sở phải được nâng cao.

Chi trên 18,764 tỷ đồng hỗ trợ cán bộ thôn, tổ dân phố dôi dư

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định, trước khi sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh có 8.617 người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố; có 13.178 cán bộ đoàn thể ở cơ sở; 3.128 Công an viên, bảo vệ.

Sau khi sắp xếp, sáp nhập, qua rà soát, tổng hợp toàn tỉnh Nam Định có 8.576 người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố bị dôi dư. “Đến nay toàn tỉnh đã hoàn thành việc chi trả kinh phí hỗ trợ cho số người dôi dư trên. Tổng kinh phí tỉnh chi trả hỗ trợ là trên 18,764 tỷ đồng”, ông Lại Văn Hiếu thông tin. Tuy nhiên, theo ông Lại Văn Hiếu sau sắp xếp, sáp nhập, qua tính toán ngân sách tỉnh tiết kiệm được khoảng 6 tỷ đồng/năm kinh phí chi phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố.

Trả lời câu hỏi của Đại Đoàn Kết Online về mức phụ cấp của những cán bộ hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố ở Nam Định được hưởng sau sắp xếp, sáp nhập, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định cho biết, mức phụ cấp đang được tỉnh áp dụng theo Nghị quyết của HĐND tỉnh ban hành ngày 8/8/2020.

Trong đó, nghị quyết quy định chức danh người hoạt động không chuyên trách ở thôn (xóm), tổ dân phố gồm 3 chức danh: Bí thư chi bộ, Trưởng thôn (xóm), Tổ trưởng Tổ dân phố; Trưởng Ban Công tác Mặt trận.

Trong đó, Bí thư chi bộ thôn (xóm), Tổ trưởng tổ dân phố có dưới 350 hộ lần lượt được hưởng mức phụ cấp 1,1, 1,1, 0,8 mức lương cơ sở (1.490.000 đồng-PV); nơi có từ 350 hộ trở lên hoặc là nơi trọng điểm về an ninh trật tự, 3 cán bộ trên lần lượt được hưởng mức phụ cấp 1,8, 1,8, 1,4 mức lương cơ sở. Trường hợp cán bộ kiêm nhiệm thì được hưởng 50% phụ cấp chức danh kiêm nhiệm.

“Hiện nay, UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ trì xây dựng đề án đội trưởng đội dân phòng kiêm Phó trưởng thôn (xóm), Phó tổ trưởng tổ dân phố, không hưởng phụ cấp hằng tháng mà được nhận bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố, lấy từ nguồn đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác”, ông Lại Văn Hiếu thông tin.

Tổ dân phố: tiếp tục đi họp “nhờ”

Về một số bất cập phát sinh sau sắp xếp, sáp nhập, theo ông Lại Văn Hiếu ở Nam Định đang nổi lên tình trạng nhiều thôn xóm trong tỉnh bị… thừa nhà văn hóa do trước đó hầu hết các thôn xóm ở tỉnh đều đã có thiết chế này. Trong khi đó, nhiều tổ dân phố, đặc biệt là ở TP Nam Định trước khi sắp xếp, sáp nhập đã không có nhà văn hóa phục vụ các sinh hoạt hội họp, sau sáp nhập, quy mô dân số lớn hơn, diện tích lớn hơn thì vấn đề này càng gia tăng bất cập.

Ngoài ra, nhiều thôn (xóm), tổ dân phố sau sáp nhập có số lượng hộ gia đình lớn, diện tích rộng, rất khó tổ chức các sinh hoạt tập thể…

Một trong những bất cập sau sắp xếp, sáp nhập thôn (xóm), tổ dân phố ở Nam Định là tình trạng nhiều thôn xóm thừa nhà văn hóa trong khi ở thành thị vẫn kéo dài tình trạng nhiều tổ dân phố không có thiết chế quan trọng này để tổ chức các hoạt động tập thể của tổ.

Về giải pháp khắc phục những bất cập trên, ông Lại Văn Hiếu cho biết tỉnh Nam Định đang áp dụng “biện pháp” sau sắp xếp, sáp nhập các thôn (xóm), tổ dân phố vẫn giữ nguyên trụ sở các nhà văn hóa để sử dụng cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, theo đó một thôn (xóm), tổ dân phố có thể có 1,2,3 nhà văn hóa.

Đối với các tổ dân phố ở TP Nam Định sau sắp xếp, sáp nhập vẫn chưa có nhà văn hóa thì giải pháp theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định là… tiếp tục đi họp nhờ tại trụ sở các cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn.

Về sinh hoạt cộng đồng, đối với những nơi dân đông, diện tích rộng thì chia thành các nhóm nhỏ sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. “Trường hợp không thể tổ chức được cuộc họp trực tiếp theo diện rộng thì có thể phát phiếu xin ý kiến các hộ gia đình”, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nam Định cho biết.

Về yêu cầu nâng cao năng lực cán bộ thôn (xóm), tổ dân phố trong bối cảnh yêu cầu này cần tăng lên sau khi quy mô thôn xóm được mở rộng cả về dân số, diện tích, ông Lại Văn Hiếu cho biết giải pháp là phải tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, cả bằng phương pháp “cầm tay chỉ việc” cho đội ngũ cán bộ này.

Về việc nhiều thôn làng, khu phố thay đổi tên gọi, có thể ảnh hưởng đến người dân trong các hoạt động liên quan đến giấy tờ, địa chỉ, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết, nếu các giấy tờ của công dân chỉ ghi địa chỉ từ cấp xã trở lên thì không gặp vấn đề gì, bất cập nếu phát sinh sẽ được các cơ quan quản lý có giải pháp phù hợp để giải quyết...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Nông thôn thừa, thành thị thiếu nhà văn hóa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO