Đây là tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định trong văn bản ban hành chiều nay (1/6) về việc “tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu và xử lý việc đốt rơm rạ, rác thải không đúng quy định”.
Chỉ đạo của chính quyền Nam Định đưa ra trong bối cảnh thời tiết ở địa phương đang trong những ngày đỉnh điểm nắng nóng; hoạt động thu hoạch lúa chiêm xuân bắt đầu diễn ra.
Theo đó, trong văn bản gửi các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thông, Tài nguyên và Môi trường, Giao thôn-Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Công an tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức đoàn thể; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh, UBND tỉnh Nam Định nhìn nhận hiện tượng đốt rơm rạ, đốt rác thải và phơi thóc không đúng quy định vẫn diễn ra trên địa bàn tỉnh dù đã thường xuyên chỉ đạo các huyện, thành phố tăng cường thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý.
Việc này, theo UBND tỉnh Nam Định “gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng chất lượng công trình giao thông, gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội”.
"Chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra truy tố"
Để giảm thiểu, ngăn chặn kịp thời, ngoài yêu cầu UBND 10 huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu chính quyền cấp dưới “hướng dẫn phổ biến các giải pháp xử lý rơm rạ cho phù hợp với từng địa phương; tích luỹ rơm rạ để trồng nấm, làm thức ăn cho trâu bò, phủ đất trồng rau, màu, ủ làm phân bón hữu cơ,…; thực hiện phân loại rác tại hộ gia đình, vệ sinh môi trường chuồng trại, khu chăn nuôi; không xả rác, đốt rác bừa bãi; thường xuyên vệ sinh khu dân cư và nơi công cộng”.
Chỉ đạo rà soát các điểm đổ rác tạm, các điểm tập kết rác có hiện tượng đốt rác; nghiêm cấm việc đốt rác thải công nghiệp tại các khu vực xử lý rác thải sinh hoạt; yêu cầu các cơ sở phát sinh rác thải công nghiệp có biện pháp thu gom, hợp đồng với đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định.
Đặc biệt, văn bản nhấn mạnh: “Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi, nhất là xả rác xuống kênh, mương gây ách tắc dòng chảy, hành vi đốt rác không đúng quy định, hành vi tập kết đốt rơm rạ và phơi thóc trên đường giao thông, nếu gây hậu quả nghiêm trọng chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra truy tố trước pháp luật”.
Đồng thời yêu cầu chính quyền cấp dưới “chỉ đạo UBND các xã, thị trấn chỉnh trang, vệ sinh môi trường, trồng hoa, cây ven đường đảm bảo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thường xuyên tuyên truyền trên đài phát thanh của xã, thôn”.
Thêm rằng: “Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hành vi liên quan đến việc đốt rơm rạ, phơi thóc trên các trục đường giao thông, xả và đốt rác không đúng quy định thuộc địa bàn quản lý”.
“Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi xả rác bừa bãi, nhất là xả rác xuống kênh, mương gây ách tắc dòng chảy, hành vi đốt rác không đúng quy định, hành vi tập kết đốt rơm rạ và phơi thóc trên đường giao thông, nếu gây hậu quả nghiêm trọng chuyển hồ sơ sang cơ quan công an điều tra truy tố trước pháp luật”, UBND tỉnh Nam Định.
Đối với các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, UBND tỉnh Nam Định chỉ đạo phải “phối hợp với UBND các huyện, thành phố hướng dẫn, phổ biến cho nhân dân các giải pháp xử lý rơm rạ; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thực hiện thu gom, xử lý phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch; thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật và xử lý theo đúng quy định.
Các sở, ngành Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công an tỉnh, các cơ quan thông tin của tỉnh phối hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không tập kết tuốt lúa, phơi thóc trên các trục đường giao thông, không đốt rơm rạ; thay đổi hành vi, nhận thức của nhân dân không xả rác thải, đốt rác thải bừa bãi, thực hiện phân loại rác thải tại nguồn và xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình; hướng dẫn vận hành hiệu quả các công trình xử lý rác thải sinh hoạt tập trung của địa phương; tổ chức kiểm tra giám sát xử lý kịp thời và kiên quyết các trường hợp vi phạm.
Trong văn bản, UBND tỉnh Nam Định đề nghị Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Hội nông dân tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, các hội viên, đoàn viên, các hộ gia đình thực hiện nghiêm túc các yêu cầu trên để không làm ảnh hưởng tới an toàn giao thông và sức khoẻ của nhân dân.
Làm nông nhưng ở nhà hình ống, bám mặt đường
Ở thời điểm đầu tháng 6 này nông dân ở các địa phương trong tỉnh Nam Định bắt đầu thu hoạch lúa vụ chiêm xuân. Như thực tế được ghi nhận ở địa phương trong nhiều năm trước, thời điểm hoạt động thu hoạch lúa diễn ra cũng là thời điểm đồng đất Nam Định “mịt mù khói tỏa” từ việc nông dân đốt rơm rạ, gây nhiều hệ lụy như tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gia tăng ngột ngạt trong bối cảnh thời tiết đang nắng nóng.
Cũng theo tìm hiểu của Đại Đoàn Kết Online, việc đốt rơm rạ trên đồng, phơi thóc trên đường giao thông ở Nam Định có nguyên nhân, đời sống nông thôn ở đây trong những năm qua đã có quá nhiều thay đổi. Theo đó, dù vẫn làm nông nghiệp, trong đó có trồng lúa nhưng nhiều hộ nông dân ở Nam Định lại ở trong những ngôi nhà hình ống, bám sát mặt đường, diện tích nhỏ hẹp, không còn sân vườn như xưa do vậy không còn chỗ tập kết rơm rạ, phơi thóc sau thu hoạch.
Họ cũng không còn nhu cầu rơm rạ cho việc đun nấu như xưa vì đã có bếp gas, bếp điện làm thay. Nhu cầu sử dụng rơm rạ làm thức ăn cho trâu bò, làm phân hữu cơ cũng giảm vì hoạt động chăn nuôi giờ đây chủ yếu theo phương pháp công nghiệp, trong khi phân bón sử dụng cho đồng ruộng chủ yếu là phân vô cơ.
“Giải pháp” được nhiều nông dân Nam Định chọn là đốt rơm rạ ngay tại đồng, phơi thóc trên đường, gây nhiều hệ lụy như đã đề cập.