Nam Định: Tiếp tục ‘kêu cầu’ tháo gỡ vướng mắc liên quan KCN Mỹ Trung

Duy Hưng 11/05/2023 06:59

Việc bị “mắc kẹt” nhiều năm tại Khu công nghiệp (KCN) Mỹ Trung tiếp tục được lãnh đạo tỉnh Nam Định nêu ra, đề xuất, kiến nghị Chính phủ tháo gỡ giúp tỉnh tại buổi làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng đoàn công tác trong chiều 10/5.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định chiều ngày 10/5. Ảnh: VGP.

Cụ thể, tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị tiếp tục kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan ở Trung ương hướng dẫn tỉnh thực hiện các thủ tục để giải quyết vướng mắc về bàn giao mặt bằng KCN Mỹ Trung.

Như Đại Đoàn Kết Online đã nhiều lần phản ánh, tại tỉnh Nam Định có KCN Mỹ Trung rộng 150 ha, nằm ở vị trí đắc địa ven Quốc lộ 10, qua địa bàn huyện Mỹ Lộc và TP Nam Định nhưng lâm cảnh hạ tầng đầu tư dang dở, bỏ hoang phần lớn diện tích.

Cụ thể, KCN này được UBND tỉnh Nam Định cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh (trước đây thuộc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam-Vinashin, nay thuộc Tổng công ty công nghiệp tàu thủy Việt Nam) từ năm 2006, với tổng mức đầu tư khoảng 359 tỷ đồng.

Sau khi được cấp chứng nhận đầu tư, Công ty Hoàng Anh đã san lấp mặt bằng, đầu tư một phần các hạng mục hạ tầng, thu hút được một số nhà dầu tư thứ cấp. Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn lực tài chính và việc thực hiện việc tái cơ cấu Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam, từ năm 2010 Công ty Hoàng Anh đã dừng việc đầu tư xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Mỹ Trung, bỏ hoang phần lớn diện tích khu công nghiệp này đến nay đã 13 năm.

Đáng nói là, theo UBND tỉnh Nam Định, hiện nay Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất KCN Mỹ Trung của Công ty Hoàng Anh đang được thế chấp bảo đảm cho các tổ chức tín dụng: Công ty tài chính TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy (VFC) và Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) - chi nhánh tỉnh Nam Định; trong đó phần vốn vay của VFC là vốn từ nguồn Trái phiếu quốc tế và Chính phủ.

Những vướng mắc trên đã “đẩy” chính quyền Nam Định vào thế “mắc kẹt”, không thể thu hồi lại dự án này.

Trong nhiều năm qua, kể từ khi dự án lâm cảnh đầu tư dang dở, chính quyền tỉnh này đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tháo gỡ để có thể chuyển giao KCN Mỹ Trung cho nhà đầu tư mới.

Gần đây nhất, vào ngày 15/1, tại buổi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh, chính quyền tỉnh Nam Định tiếp tục đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tự, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, giải quyết các vướng mắc để sớm chuyển giao KCN Mỹ Trung cho nhà đầu tư mới, phát huy hiệu quả của dự án đầu tư KCN này.

Văn phòng Chính phủ sau đó đã ra văn bản, Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định ngày 15/1, trong đó nêu: “Về việc giải quyết vướng mắc tại KCN Mỹ Trung, Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu xử lý theo quy định”.

Tuy nhiên, như đã phản ánh, tại cuộc làm việc với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng đoàn công tác trong chiều 10/5, tỉnh Nam Định vẫn tiếp tục phải kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành liên quan tìm cách tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến KCN Mỹ Trung, vì chưa có kết quả.

Khu Công nghiệp Mỹ Trung bị bỏ hoang phần lớn diện tích trong nhiều năm qua.

Ngoài nội dung kiến nghị liên quan đến vướng mắc tại KCN Mỹ Trung, tại cuộc làm việc chính quyền tỉnh Nam Định còn đề xuất, kiến nghị nhiều nội dung khác. Trong đó, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ tỉnh đẩy nhanh lập Quy hoạch chung của tỉnh; tháo gỡ vướng mắc trong thay đổi phương án đầu tư Dự án Nhà máy Nhiệt điện tại Hải Hậu theo công nghệ hiện đại.

Phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư hạ tầng các KCN dưới 300ha theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Phân cấp hoặc ủy quyền cho Sở Công Thương các tỉnh, thành phố cấp thủ tục xuất xứ hàng hoá. Nghiên cứu, xem xét sớm cho phép sử dụng cát biển phục vụ san lấp cho các công trình giao thông.

Đề nghị kéo dài thời gian giải ngân nguồn vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đến hết năm 2024 do phải triển khai rất nhiều thủ tục theo quy định, mất nhiều thời gian.

Tỉnh Nam Định cũng đề nghị được xem xét, tăng chỉ tiêu chuyển mục đích đất lúa sang đất phi nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh. Đối với các trường hợp chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên nằm trong tổng số diện tích đất trồng lúa được phép chuyển mục đích sử dụng đất theo phân bổ chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đề nghị giao cho HĐND cấp tỉnh quyết định, không phải xin văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Quy định cụ thể điều kiện điều chỉnh và hồ sơ của đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết rút gọn đối với các dự án đã và đang triển khai.

Xem xét điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với sản xuất và tiêu dùng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn khảo sát một số dự án đầu tư hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh Nam Định sáng ngày 10/5. Ảnh: VGP

Được biết, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cùng đoàn công tác làm việc tại Nam Định theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ nhằm nắm bắt tình hình, xác định những khó khăn, vướng mắc liên quan hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trong bối cảnh quý I/2023 tình hình kinh tế trong nước có nhiều khó khăn, nhiều địa phương có kết quả tăng trưởng thấp, từ đó tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Tiếp tục ‘kêu cầu’ tháo gỡ vướng mắc liên quan KCN Mỹ Trung