Nam Định: Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở đường, chính quyền loan báo tìm người thân

Duy Hưng 28/10/2023 13:04

Ngày 28/10, thông tin từ UBND xã Hải Bắc cho biết chính quyền xã vừa phát đi thông báo tìm cha, mẹ, thân nhân một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi trên địa bàn xã.

Trước đó, vào 23h30 ngày 26/10, bà Hoàng Thị Loan (xóm Triệu Thông B) ra sau nhà thì phát hiện một cháu bé bị bỏ rơi tại đường trong xóm. Bà bế cháu về nhà chăm sóc đồng thời thông báo sự việc tới chính quyền xã. Công an xã sau đó đã lập biên bản sự việc.

Cháu bé hiện được gia đình bà Hoàng Thị Loan chăm sóc.

Qua xác minh, cháu bé là bé trai, sinh được từ 3 đến 5 ngày, nặng trên dưới 3 kg; được để trong giỏ nhựa màu đỏ, quấn chăn màu xanh nhạt, đầu đội mũ sơ sinh màu vàng nhạt, cổ cuốn khăn màu trắng có viền màu xanh nhạt, mặc quần áo màu hồng nhạt. Người bỏ lại bé còn để lại thêm 1 chăn sơ sinh màu xanh có hình ô tô, 1 chăn màu hồng có hình mặt gấu, 2 tập giấy thấm khô chưa qua sử dụng, 3 bộ quần áo trẻ sơ sinh; không để lại giấy tờ.

Thực hiện khoản 2, điều 15, Luật Nuôi con nuôi, UBND xã Hải Bắc sau đó đã ra thông báo tìm cha, mẹ, thân nhân cháu bé trên, trong thời hạn 7 ngày liên tục kể từ ngày thông báo được ban hành, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND xã sẽ tiến hành làm thủ tục đăng ký khai sinh và các thủ tục có liên quan cho cháu bé theo quy định của pháp luật.

Thông báo của UBND xã Hải Bắc.

Chính quyền xã cũng "kêu gọi" trong thời gian thông báo, nếu ai biết thông tin về cha, mẹ đẻ của cháu bé thì liên hệ với UBND xã, qua Công chức Tư pháp Lê Khánh Trình, số điện thoại 0972 911 622, để giải quyết theo quy định.

Điều 15, Điều 16, Luật Nuôi con nuôi quy định:

Điều 15. Trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em

1. Trường hợp trẻ em không được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình gốc thì cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tìm gia đình thay thế cho trẻ em đó.

2. Việc tìm gia đình thay thế cho trẻ em được quy định như sau:

a) Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em; nếu có người nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật; nếu không có người nhận trẻ em làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;

b) Trường hợp trẻ em mồ côi không có người nuôi dưỡng hoặc trẻ em có cha mẹ đẻ, người thân thích nhưng không có khả năng nuôi dưỡng thì người giám hộ, cha mẹ đẻ, người thân thích có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú tìm gia đình thay thế cho trẻ em. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm hỗ trợ nuôi dưỡng trẻ em và thông báo, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân trong thời hạn 60 ngày để tìm người nhận trẻ em làm con nuôi; nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, giải quyết. Hết thời hạn thông báo, niêm yết, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập hồ sơ đưa trẻ em vào cơ sở nuôi dưỡng;

c) Trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng cần có gia đình thay thế, cơ sở nuôi dưỡng lập danh sách gửi Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo 3 lần liên tiếp trên báo viết hoặc phương tiện thông tin đại chúng khác của tỉnh.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Sở Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế.
Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Sở Tư pháp gửi danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế cho Bộ Tư pháp;

d) Bộ Tư pháp có trách nhiệm thông báo tìm người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
Trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì người đó liên hệ với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để xem xét, giải quyết; nếu việc nhận con nuôi đã hoàn thành thì Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Bộ Tư pháp để xóa tên trẻ em đó trong danh sách trẻ em cần tìm gia đình thay thế.
Hết thời hạn 60 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người trong nước nhận trẻ em làm con nuôi thì Bộ Tư pháp thông báo cho Sở Tư pháp.

Điều 16. Đăng ký nhu cầu nhận con nuôi
Công dân Việt Nam có nguyện vọng và đủ điều kiện nhận con nuôi theo quy định của Luật này nhưng chưa tìm được trẻ em để nhận làm con nuôi thì đăng ký nhu cầu nhận con nuôi với Sở Tư pháp nơi người đó thường trú; nếu có trẻ em để giới thiệu làm con nuôi thì Sở Tư pháp giới thiệu đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em đó thường trú để xem xét, giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Định: Trẻ sơ sinh bị bỏ rơi ở đường, chính quyền loan báo tìm người thân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO