Ngày 29/9, tại xã Nghĩa Châu, huyện Nghĩa Hưng, UBND tỉnh Nam Định tổ chức lễ triển khai thi công dự án xây dựng cầu vượt sông Đáy nối tỉnh Nam Định và tỉnh Ninh Bình-dự án thành phần thuộc dự án tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng.
Thông tin tại buổi lễ, ông Đinh Văn Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định, chủ đầu tư dự án trên, cho biết, dự án được thực hiện theo Quyết định số 17/2022/QĐ-TTg ngày 28/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ, được Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho UBND tỉnh Nam Định làm cơ quan chủ quản; được HĐND tỉnh Nam Định quyết nghị chủ trương đầu tư ngày 9/12/2022; được UBND tỉnh Nam Định phê duyệt dự án đầu tư ngày 23/2/2023, tổng mức đầu tư 1.450 tỷ đồng.
Dự án sử dụng vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Dự án có tổng chiều dài tuyến 2 km đi qua 2 xã Khánh Cường, Khánh Trung của huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình và 3 xã Nghĩa Châu, Nghĩa Trung, Nghĩa Thái của huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định.
Dự án có quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ, gồm cầu vượt sông dài khoảng 1,36 km, mặt cắt ngang cầu rộng 19,5 m; đường dẫn dài khoảng 0,64 km, rộng 19 m và các nhánh (đoạn từ Km17+300 đến Km17+495,5) trên tuyến đường cao tốc và 2 nhánh nút giao thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình; đoạn từ Km18+856 đến Km19+300/lý trình cao tốc và 2 nhánh nút giao, thuộc địa phận tỉnh Nam Định. Hạng mục cầu gồm 29 nhịp được thiết kế bằng bê tông cốt thép dự ứng lực.
Đơn vị tư vấn thiết kế là liên danh Công ty CP Tư vấn thiết kế đường bộ, Công ty CP Tư vấn đường cao tốc Việt Nam, Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng chiếu sáng và cơ điện công trình và Trung tâm khoa học công nghệ giao thông vận tải.
Tư vấn giám sát là Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình Thăng Long. Nhà thầu thi công là Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương. Thời gian thực hiện hợp đồng là 16 tháng, hoàn thành trong tháng 12/2024.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị đề nghị chính quyền tỉnh Ninh Bình tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, địa phương liên quan phối hợp với chủ đầu tư thực hiện đồng bộ công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục liên quan.
Yêu cầu UBND huyện Nghĩa Hưng tập trung chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích để nhân dân hiểu rõ về lợi ích của dự án, qua đó ủng hộ, đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án.
Yêu cầu nhà thầu tập trung huy động nguồn lực, có kế hoạch thi công phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo hợp đồng.
Chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định rà soát, thực hiện đầy đủ các thủ tục triển khai dự án; phối hợp theo dõi, giám sát, đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo yêu cầu về tiến độ, chất lượng, mỹ thuật, kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh, hoàn thành việc giải ngân vốn đầu tư của dự án theo đúng kế hoạch.
Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đề nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ tiếp tục quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện cho tỉnh triển khai dự án, chỉ đạo đẩy nhanh thực hiện các thủ tục, sớm đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng đoạn qua tỉnh Nam Định, Thái Bình để kết nối đồng bộ với dự án, phát huy hiệu quả đầu tư.
Tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình-Nam Định-Thái Bình-Hải Phòng là một trong các dự án giao thông trọng điểm, mang tính liên kết phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, rút ngắn thời gian và khoảng cách di chuyển giữa các tỉnh phía Nam, tỉnh Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình đi Hải Phòng và ngược lại.
Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 87 km, quy mô 4 làn xe, được tách thành dự án độc lập, dự kiến đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Dự án được kỳ vọng khi hoàn thành sẽ mở rộng không gian phát triển cho các tỉnh dựa án đi qua, nhất là mở ra cơ hội phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ, kinh tế biển…
Thời gian qua, dự án nhận được sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.