Thông tin tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 4/2023, do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở Thông tin-Truyền thông tỉnh Nam Định tổ chức chiều 26/4, trước thềm “Tháng công nhân năm 2023”, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nhìn nhận đây đang là nỗi lo lớn của công nhân địa phương.
60% câu hỏi của công nhân liên quan đến vấn nạn “doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm”
Cụ thể, trả lời câu hỏi của Đại Đoàn Kết Online về thực trạng mức thu nhập của công nhân ở tỉnh; vấn nạn doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho công nhân, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nam Định Trần Trọng Thái cho biết, qua khảo sát, nắm bắt của LĐLĐ tỉnh, mức thu nhập bình quân chung của công nhân ở Nam Định hiện đạt khoảng hơn 6 triệu đồng/tháng.
“Mức này không phải là cao, cũng không phải là thấp mà ở mức trung bình”, ông Trần Trọng Thái nhìn nhận, thêm rằng: “So với các tỉnh liền kề như Hà Nam, Ninh Bình chúng tôi nắm bắt được thông qua hội họp, hội thảo thì mức thu nhập của công nhân ở đây cũng tầm như vậy”.
Liên quan đến tình trạng doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm cho công nhân, ông Trần Trọng Thái không nêu cụ thể số lượng doanh nghiệp ở tỉnh đang có hành vi này cũng như số công nhân đang là nạn nhân nhưng ông cho biết: “Trong tất cả các buổi chúng tôi tư vấn pháp luật thì hầu hết các câu hỏi của công nhân, phải đến 60% liên quan đến bảo hiểm, đó là cái việc trốn đóng bảo hiểm” sau khi đặt câu hỏi: “Bây giờ băn khoăn lớn nhất của người công nhân là cái gì?”.
“Doanh nghiệp mà trốn đóng bảo hiểm thì liên quan, ảnh hưởng rất nhiều đến quyền lợi của người công nhân. Đối với cơ quan Bảo hiểm thì nếu anh nộp đủ thì tôi sẽ giải quyết đầy đủ các các chế độ về ốm đau, thai sản, tai nạn lao động; nếu doanh nghiệp không nộp bảo hiểm đủ cho công nhân thì sẽ dừng giải quyết các khoản đó”, lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Nam Định phân tích về hậu quả của việc doanh nghiệp trốn đóng bảo hiểm đối với công nhân.
Theo ông Trần Trọng Thái, ngoài các hoạt động “bề nổi”, hoạt động “bề chìm” chính của tổ chức Công đoàn ở địa phương là tham gia bảo vệ quyền lợi cho người lao động, giải quyết những tranh chấp về lao động và đình công, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm.
Hằng năm LĐLĐ tỉnh phối hợp với các cơ quan như Thanh tra tỉnh, Sở Lao động, thương binh và xã hội tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Ủy ban MTTQ tỉnh để đi kiểm tra, giám sát liên ngành; có quy chế phối hợp với BHXH tỉnh, TAND tỉnh để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong đó, tập trung vào các nội dung giám sát việc đóng nộp bảo hiểm; tư vấn pháp luật cho người lao động; giám sát việc chi trả bảo hiểm; đôn đốc các doanh nghiệp nợ đọng đóng bảo hiểm thực hiện trách nhiệm…
“Có những anh em chúng tôi buổi tối phải xuống các doanh nghiệp, gặp chủ doanh nghiệp, gặp công nhân để thương lượng, để giải quyết, để tránh những phản ứng tập thể và đình công xảy ra”, ông nói; thêm rằng: “Có những trường hợp người lao động xin chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động không muốn chấm dứt, họ không nhận đơn hoặc gây khó khăn thì chúng tôi cũng tư vấn, bảo vệ quyền lợi theo quy định”.
Nỗi niềm của nữ công nhân
Trước đó, theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, tại các cuộc đối thoại giữa công nhân và chính quyền, lãnh đạo các sở ngành ở tỉnh Nam Định, vấn nạn doanh nghiệp nợ, trốn đóng các loại bảo hiểm cho công nhân luôn là chủ đề “nóng”, được nhiều công nhân bức xúc phản ánh.
Liên quan đến vấn nạn này, tại cuộc đối thoại tổ chức cuối tháng 11/2020 tại Nhà văn hóa Trung tâm huyện Hải Hậu, Giám đốc BHXH tỉnh Nam Định Trần Văn Dũng khi ấy cho biết BHXH tỉnh đã phải chuyển danh sách hơn 700 doanh nghiệp ở tỉnh đang trong trình trạng nợ, trốn đóng bảo hiểm cho người lao động tới Công an tỉnh để phối hợp đôn đốc, xử lý. Cũng theo Giám đốc BHXH Nam Định, khi ấy, có những doanh nghiệp như Công ty may Hải Đường (Hải Hậu) nợ đóng bảo hiểm cho người lao động đến 8 tỷ đồng.
“Trên thực tế có doanh nghiệp lợi dụng, mang tiền đóng bảo hiểm của người lao động đi làm việc khác nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp nợ đóng bảo hiểm do thực sự khó khăn”, ông Trần Văn Dũng nhìn nhận.
Ngoài vấn đề doanh nghiệp nợ, trốn đóng bảo hiểm tại các cuộc đối thoại trên, công nhân, người lao động ở Nam Định công nhân, người lao động ở địa phương còn phản ánh, kiến nghị nhiều vấn đề khó khăn, bất cập liên quan đến đời sống, việc làm, quyền lợi của họ.
Trong đó, nhiều nữ công nhân phản ánh nhiều người trong số họ đang nuôi con nhỏ trong khi phải đi làm xa; thường phải làm việc đến 8-9h đêm mới được về nhà, phải đối mặt với cảnh nhà xa, đường vắng, nỗi lo bị tai nạn giao thông, cướp giật, hiếp dâm. Từ đó, họ mong muốn được chính quyền tỉnh có chính sách xây dựng nhà trông trẻ trong các khu, cụm công nghiệp; có kế hoạch xây dựng nhà ở cho công nhân thuê với giá rẻ để họ yên tâm làm việc. Nỗi lo khác của nhiều nữ công nhân, nhất là các ngành dệt may, da giầy là các doanh nghiệp chỉ ưu tiên tuyển dụng lao động trẻ, chưa đến tuổi 40 họ đã đối diện với việc bị sa thải.
Liên quan đến thực trạng việc làm, đời sống của công nhân ở Nam Định, mới đây, thông tin tại “Ngày hội việc làm năm 2023” (do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Tỉnh đoàn phối hợp tổ chức), ông Lưu Văn Tuyển, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, ở tỉnh hiện có 4 Khu công nghiệp và 20 Cụm công nghiệp với trên 6.100 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 210.000 lao động. Mỗi năm tỉnh Nam Định có hơn 30.000 người bước vào độ tuổi lao động.
Tuy nhiên, thời gian qua hàng nghìn lao động ở tỉnh lâm cảnh phải thôi việc, mất việc hoặc phải giãn việc. Cụ thể, theo ông Lưu Văn Tuyển, trong quý 4 năm 2022 tỉnh có 823 lao động bị thôi việc, mất việc; 8.298 lao động phải nghỉ giãn việc. Nguyên nhân do hậu quả của đại dịch Covid-19, tác động của cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, xu hướng chuyển đổi số đã ảnh hưởng nhiều đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dẫn đến một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất trong khi thị trường lao động trên địa bàn tỉnh chưa thực sự phát triển ổn định, bền vững trước những biến động cả bên trong và bên ngoài.
Trong năm 2022 và từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Nam Định ghi nhận có 8 doanh nghiệp xảy ra ngừng việc tập thể, với 5.976 người lao động tham gia, với các nguyên nhân: công ty thông báo cắt giảm tiền chuyên cần; không trả tiền thưởng tháng lương thứ 13 và chấp hành không đúng quy định của Luật Lao động về đóng BHXH; thu hồi lại thông báo về quyết định tăng lương cơ bản cho người lao động theo Nghị định 38/2022/NĐ-CP của Chính phủ (về quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động)…