Chỉ còn vài ngày nữa năm học mới sẽ bắt đầu. Tuy nhiên, thời điểm này, học sinh Hà Nội vẫn chưa có đủ sách vở, đồ dùng học tập như những năm học trước.
Hà Nội đang trong những ngày thực hiện giãn cách xã hội, và chỉ còn hơn 1 tuần nữa là năm học mới 2021-2022 bắt đầu. Nếu như mọi năm, thời điểm này, thị trường sách giáo khoa và đồ dùng học tập nhộn nhịp người mua thì năm nay các nhà sách đều phải tạm đóng cửa bởi dịch Covid-19.
Thị trường sách “đóng băng”
Cuối tháng 8 là thời điểm nhu cầu mua sắm sách giáo khoa và đồ dùng học tập của phụ huynh tăng mạnh hơn cả. Tuy nhiên, năm nay do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, các nhà sách đã phải tạm đóng cửa để phòng chống dịch.
Chị Nguyễn Thị Hải, nhân viên bán hàng tại nhà sách Tiền Phong (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, nhiều năm làm việc tại nhà sách, đây là năm đầu tiên trước thềm năm học mới, nhân viên bán hàng như chị nhàn nhã như thế này.
Hệ thống nhà sách Tiền Phong tạm ngừng hoạt động từ khi Hà Nội thực hiện lệnh giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19. Không bán hàng phục vụ khách, những ngày này, chị Hải đến nhà sách chỉ để trực, kiểm tra điện nước theo phân công 2 buổi/tuần.
“Cứ nghĩ nhà sách chỉ đóng cửa 1-2 tuần rồi mở bán trở lại nhưng không ngờ kéo dài đến hiện nay. Trong các ngày tôi trực, nhiều phụ huynh gọi điện đến số điện thoại nhà sách để đặt mua hàng. Nhưng chúng tôi không phục vụ online nên tôi có hướng dẫn họ tìm mua sách và đồ dùng học tập online của các đơn vị cung ứng khác”, chị Hải cho biết.
Tương tự như hệ thống nhà sách Tiền Phong, các cửa hàng của các đơn vị có uy tín như Công ty Sách và Thiết bị trường học Hà Nội, nhà sách Hồng Hà, nhà sách Trí Tuệ đều tạm thời đóng cửa.
Khảo sát thực tế tại các hàng văn phòng phẩm trên phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm), phóng viên ghi nhận, các cửa hàng cũng đều ngừng hoạt động kinh doanh.
Liên hệ theo số điện thoại có in trên biển hiệu của cửa hàng văn phòng phẩm Uyên Hồng (phố Lý Thường Kiệt), chị Lê Thị Kim Oanh, chủ cửa hàng nghe máy nhưng từ chối phục vụ.
Theo chị Oanh, từ cuối tháng 7, nhiều phụ huynh đặt mua sách vở, đồ dùng học tập qua điện thoại tin nhắn. Dù muốn bán hàng nhưng do các mặt hàng này không nằm trong danh mục hàng thiết yếu nên cửa hàng chị rất khó vận chuyển tới tay người mua. Hơn nữa, từ khi giãn cách xã hội, thực hiện theo chỉ đạo của thành phố, mọi hoạt động nhập hàng, bán hàng của cửa hàng chị đều “đóng băng” nên cũng không có đủ sách vở, nhất là sách giáo khoa mới phục vụ khách hàng.
Hiện tại, để phục vụ nhu cầu của phụ huynh, một số đơn vị kinh doanh nhận đơn hàng online tuy nhiên, việc vận chuyển sách vở, đồ dùng học tập gặp khó khăn, hơn nữa phí dịch vụ cũng khá cao.
Tận dụng đồ dùng học tập cũ
Năm học này, con gái chị Nguyễn Hoài Phương (quận Tây Hồ, Hà Nội) lên lớp 2, Trường Tiểu học Đông Thái (quận Tây Hồ). Dù đã đăng ký mua sách giáo khoa theo trường từ cuối năm học trước nhưng đến thời điểm này, chị Phương vẫn chưa nhận được sách cho con.
Vì muốn kèm con học trong thời gian giãn cách xã hội, chị Phương tìm mua sách vở và đồ dùng học tập online. Tuy nhiên, chị Phương cho biết, các cửa hàng đều không có đủ bộ sách giáo khoa lớp 2 theo chương trình mới, nơi thì thiếu vở tập viết, nơi lại thiếu sách Tiếng Việt... Không có sách mới, chị Phương đành mua trước đồ dùng tối thiểu mà con chị đã hết như: bút, mực, vở bằng hình thức online, nhưng tiền ship bằng gần một nửa tiền mua đồ.
“Khi nhận hàng, tôi khá bất ngờ vì phí ship cao. Đã vậy, đồ ship về chất lượng, mẫu mã lại không được như mong muốn. Nhưng trong thời điểm dịch bệnh, mua được bút vở cho con viết, ôn tập bài cũ, tôi hài lòng rồi”, chị Phương cho hay.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, năm học này, gia đình chị Đinh Thị Quỳnh Nga (quận Đống Đa, Hà Nội) có 2 con học lớp 3 và lớp 7, phải thắt chặt chi tiêu. Chị Nga cho hay: “Trước thềm năm học mới, chưa mua sắm được sách giáo khoa, đồ dùng học tập cho các con, tôi đành tận dùng đồ dùng học tập từ năm học trước. Còn sách giáo khoa, vì chưa nhận được sách từ nhà trường nên trước mắt, tôi cho các con tham khảo sách cũ”.
Không chỉ có sách, vở, bút, mực, việc sẽ phải học trực tuyến vào năm học mới đang khiến một số gia đình phải xoay xở đủ thiết bị học tập cho con. Anh Phạm Văn Linh (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, gia đình anh chỉ có một chiếc máy vi tính. Nên ngay sau khi biết tin Hà Nội tổ chức dạy học trực tuyến từ đầu năm học mới, anh phải tìm mua thêm một chiếc máy tính cũ, phục vụ việc học cho cả 2 con.
“Năm học mới sẽ vất vả hơn đối với một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Tôi mong rằng dịch bệnh qua nhanh, để các con sớm được đến trường”, anh Linh chia sẻ.
Trước khó khăn trong việc vận chuyển sách giáo khoa tới tay phụ huynh, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đưa ra giải pháp công nghệ đó là học sinh, giáo viên có thể sử dụng phiên bản điện tử sách giáo khoa, sách bài tập, sách giáo viên tại địa chỉ hanhtrangso.nxbgd.vn.
Trên các diễn đàn, mạng xã hội, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ các đường link sách giáo khoa điện tử từ lớp 1 đến lớp 12. Thay vì loay hoay, chờ đợi sách in, các loại sách điện tử đang là giải pháp tạm thời.