Nam Trung bộ: Ứng cứu khô hạn khốc liệt

Văn Nhất 19/03/2016 08:10

Trong 3 năm trở lại đây, vùng duyên hải Nam Trung bộ hạn hán khốc liệt xảy ra liên tục và trên diện rộng đã gây thiệt hại lớn đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Trước tình hình hạn hán xảy ra ngày càng gay gắt, để ứng cứu khô hạn, tại diễn đàn “Các giải pháp ứng phó với hạn hán trong sản xuất nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung bộ”, diễn ra ngày 18/3, tại Ninh Thuận, nhiều giải pháp đã được đưa ra.

Cuộc sống của người dân đang quay quắt vì hạn hán. Ảnh: Quốc Trung.

Chuyển đổi cây trồng

Do ảnh hưởng El-Nino vùng Nam Trung bộ lượng mưa năm 2015 thấp và đầu năm 2016 không đáng kể, lượng nước dự trữ các hồ đập đang xuống ở mức thấp chỉ đạt từ 30-60% dung tích thiết kế. Lượng nước các hồ chứa khu vực Nam Trung bộ phục vụ tưới Đông - Xuân thiếu hụt nghiêm trọng, với 16.423 ha không xuống giống, 10.829 ha xuống giống đang bị thiệt hại, tổng diện tích cây trồng tiếp tục có nguy cơ bị ảnh hưởng của hạn hán trong thời gian tới trên 40 ngàn ha.

Đồng thời, vụ Hè - Thu được dự báo khả năng hạn hán sẽ xảy ra gay gắt hơn. Căn cứ tình hình lượng nước hiện có trong hồ chứa, diễn biến hạn hán trong những năm vừa qua, cho thấy nếu không có lũ Tiểu Mãn vào tháng 5-2016 thì khả năng, tiểu vùng 2 và 3 có khoảng trên 90 ngàn ha lúa màu bị thiếu nước. Trong đó, khả năng không sản xuất được khoảng trên 30 ngàn ha, 60 ngàn ha phải có phương án phòng, chống hạn hán.

Tại Ninh Thuận, mô hình sản xuất rau an toàn của ông Hoàng Kỳ, trú tại thôn Tuấn Tú (xã An Hải, huyện Ninh Phước), đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới.

Ông Kỳ cho biết: Trước đây khu vực này khô cằn không trồng lúa được vì thiều nước trầm trọng. Sau đó, tôi vay tiền đầu tư hơn 80 triệu đồng để đào giếng và hệ thống phun sương tự động, đồng thời chuyển đổi 2,4ha từ lúa sang các loại cây đậu phụng, hành lá, cà chua thì hiệu quả kinh tế thu lại rất nhanh. Công lao động giảm tới 70%, nước giảm 50%, mỗi năm sau khi trừ đi chi phí tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện nay, mô hình này đang được nhân rộng trên toàn thôn, giúp nhiều hộ phát triển kinh tế, thoát nghèo trên vùng đất hạn.

Còn tại Bình Thuận, mô hình chuyển đổi cơ cấu giống và mùa vụ theo hướng sản xuất nông nghiệp bền vững; luân canh 2 vụ lúa + 1 bắp vụ Đông - Xuân, quy mô 26 ha tại xã Đức Phú, huyện Tánh Linh. Kết quả Mô hình bắp vụ Đông - Xuân với giống ngô lai CP333, năng suất đạt 12 tấn tươi/ha, với giá bán 3.500 đồng /kg, lợi nhuận thu được trên 12 triệu/ha (tăng 47% so với trồng lúa).

Để giải quyết vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Lê Quốc Doanh đã phát động Giảm lượng giống lúa gieo sạ.

Theo Thứ trưởng Lê Quốc Doanh, sản xuất lúa tại vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên luôn phải đối phó với những bất lợi từ thiên nhiên, hàng năm tổng diện tích gieo trồng lúa toàn vùng khoảng 535 ngàn ha, các vụ sản xuất lúa trong năm phải đối phó với tình hình nắng nóng, hạn, xâm nhập mặn hoặc mưa, bão luôn diễn ra làm thiệt hại lúa ở nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau và gây ra tình trạng thiếu giống tại một số vùng sản xuất.

Ngoài ra, việc sử dụng lượng giống quá lớn làm cho chi phí vật tư nông nghiệp đầu vào rất cao, việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật như 3 giảm, 3 tăng, 1 phải 5 giảm còn nhỏ lẻ là những hạn chế trong thâm canh lúa ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Mô hình chuyển đổi mang lại những cánh đồng xanh trên vùng đất hạn.

Giải pháp né khô hạn

Về việc bố trí mùa vụ để né hạn, ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Cục trưởng Cục trồng trọt chia sẻ: Trước mắt chuẩn bị vụ Hè - Thu, Mùa 2016 các địa phương cần đánh giá cụ thể ảnh hưởng của hạn và xâm nhập mặn, cân đối nguồn nước và khả năng khai thác các nguồn tưới bổ sung để có các giải pháp tập trung chỉ đạo; Vùng an toàn về nguồn nước cho sản xuất 2 vụ, 3 vụ/năm cần tập trung canh tác đúng lịch thời vụ; Những vùng không đủ lượng nước cho sản xuất, có phương án chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí dịch chuyển khung thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn; Đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm tưới; Vùng không có khả tưới tiêu chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất để tránh thiệt hại do hạn hán.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi cho biết, trong những các giải pháp thì việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây trồng cạn tiết kiệm lượng nước tưới đáng kể. Nếu sản xuất 1 ha lúa cần đến khoảng 10.000 m3 nước/vụ, nhưng chuyển sang cây trồng cạn thì có thể sản xuất được 3-5 ha và được nhiều nông dân hưởng lợi. Ngoài ra giải pháp tưới nước tiết kiệm và phun mưa cũng giảm được nước tưới lên đến 40- 50% so với tưới tràn, trong khi đầu vào giảm nhưng lợi nhuận tăng 40%.

Ông Lê Quốc Doanh - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết: hiện nay nhiều mô hình chuyển đổi tại vùng hạn tại vùng duyên hải Nam Trung bộ đã và đang mang lại nhiều hiệu quả thiết thực trên vùng đất hạn, mang lại hiệu quả cao giúp nông dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Cứu trợ khẩn cấp đồng bào vùng hạn, mặn

Ngày 18/3, tại Hà Nội, TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã quyết định cứu trợ khẩn cấp bước đầu 4 tỷ 235 triệu đồng cho đồng bào 11 tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long nhằm khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn. Đây là hoạt động nhằm hưởng ứng Chiến dịch “Chung tay, góp sức cùng đồng bào miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long khắc phục hậu quả hạn hán và xâm nhập mặn” năm 2016 do TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai phát động. Số hàng cứu trợ gồm nước uống, can nhựa đựng nước và viên khử khuẩn Aquatabs sẽ được cấp phát đến 11.000 gia đình tại 11 tỉnh. Mỗi hộ sẽ được nhận 2 bình nước uống 20 lít, 2 can chứa nước 20 lít và 1 hộp Aquatabs khử khuẩn.
Cùng ngày, TƯ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ra Lời kêu gọi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh, thiếu niên Chữ thập đỏ và nhân dân cả nước ủng hộ đồng bào vùng bị thiên tai. Đợt vận động kéo dài đến hết tháng 8/2016. Theo đó, mọi sự ủng hộ bằng tiền, hiện vật gửi về theo địa chỉ: Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, số 82 Nguyễn Du, Hà Nội hay Cơ quan Đại diện phía Nam - Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, 201 Nguyễn Thị Minh Khai, Quận I, TP. Hồ Chí Minh. Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hảo tâm có thể ủng hộ qua tài khoản của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Số tài khoản: 1201 00000 36656, tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Chi nhánh Hoàng Mai, Hà Nội.

Hà Ngân

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nam Trung bộ: Ứng cứu khô hạn khốc liệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO