Ấn Độ có tới 400 triệu trẻ em dưới 18 tuổi và hàng nghìn trẻ em mất tích mỗi năm.
Meena thường hoàn thành công việc hàng ngày vào buổi sáng và sẽ cùng bạn bè đến trường ở vùng nông thôn phía Tây Bengal, Ấn Độ. Trở lại khoảnh khắc định mệnh đó, khi Meena 16 tuổi gặp một người đàn ông bày tỏ tình yêu với cô.
Trong cuộc gặp tiếp theo, anh ta đã thuyết phục cô bé cùng anh bỏ trốn đến thủ đô Delhi với lời hứa kết hôn. Một tuần sau đó, Meena nhận ra bản thân bị nhốt trong một nhà chứa ở thành phố Agra.
Trong nhà chứa, cô bị đánh đập, bỏ đói và ép quan hệ tình dục với 30 khách hàng mỗi ngày. Trong hai cuộc truy quét của cảnh sát, chủ nhà chứa đã giấu cô bé đi. Meena đã được giải cứu trong một cuộc đột kích thứ ba của cảnh sát.
Phóng viên ảnh Smita Sharma đã gặp Meena vào năm 2015, sau khi cô được Đơn vị Chống buôn người của cảnh sát giải cứu khỏi nhà chứa. Khoảng thời gian trò chuyện với cô bé, Sharma đã rất ngạc nhiên khi biết làm thế nào Meena lại mắc bẫy một cách dễ dàng bởi một người đàn ông mà cô ấy hầu như không biết, và cô đã quyết định điều tra về nạn buôn bán tình dục trẻ em kể từ khi gặp gỡ cô gái trẻ này.
Đối với nhiều đứa trẻ ở vùng nông thôn Ấn Độ, con đường giáo dục thường kết thúc trước khi được bước vào cấp trung học phổ thông, bởi học tập tốn rất nhiều tiền bạc. Mặc dù nạn tảo hôn là bất hợp pháp, nhưng mức độ phổ biến vẫn rất cao. Ở khu vực này, với tỷ lệ buôn bán tình dục trẻ em cao, các gia đình cũng lo lắng rằng các em gái sẽ gặp rủi ro trên hành trình dài hàng ngày đến trường.
Trong thực tế, Ấn Độ có tới 400 triệu trẻ em dưới 18 tuổi và hàng nghìn trẻ em mất tích mỗi năm. Tình hình này diễn ra tương tự ở Bangladesh, quốc gia có đường biên giới dài với Ấn Độ. Theo Chính phủ Bangladesh ước tính, 50.000 trẻ em gái bị buôn bán sang Ấn Độ mỗi năm.
Và cũng giống như Bangladesh, Nepal là một quốc gia đầu mối quan trọng cho hoạt động buôn người. Ủy ban Nhân quyền Quốc gia Nepal (NHRC) đã đưa ra số liệu, chỉ trong giai đoạn 2018-2019, đã có tới 35.000 công dân Nepal rơi vào nạn buôn người. Báo cáo này cũng dự đoán rằng, khoảng 1,5 triệu người Nepal hiện đang có nguy cơ bị buôn bán sang Ấn Độ.
Trong quá trình điều tra của mình, Sharma cũng phát hiện ra các “tổ chức việc làm” đã dụ dỗ và đưa các cô gái trẻ vào làm nô lệ giúp việc cho các gia đình. Họ sẽ tính phí lao động một năm của những ‘món hàng’ và nhận tiền từ các gia đình chủ, khiến các cô gái phải sống những tháng ngày như nô lệ.
Smita đã chụp ảnh và phỏng vấn hơn 50 cô gái trẻ sống sót sau nạn buôn bán tình dục ở Ấn Độ và Bangladesh. Đồng thời, cô đã phỏng vấn những kẻ buôn người để hiểu các phương pháp mà chúng sử dụng để thao túng tâm lý các cô gái trẻ ‘nhẹ dạ cả tin’ và dễ bị tổn thương. Sự can thiệp trực tiếp của cô cũng dẫn đến việc giải cứu thành công một cô gái 17 tuổi khỏi các khu đèn đỏ ở Pune, Ấn Độ năm 2018.
Cuộc điều tra của Sharma, được gọi là ‘We Cry in Silence’, ghi chép về vấn đề buôn bán trẻ vị thành niên phổ biến nhưng chưa được báo cáo đầy đủ giữa Bangladesh, Nepal và Ấn Độ. Dự án này sẽ tiết lộ tính dễ bị tổn thương của trẻ em gái và làm nổi bật điều gì dẫn họ vào bẫy của những kẻ buôn người.
Khi vừa tròn 12 tuổi, S. đã rời nhà ở Narayanganj, Bangladesh, với một người quen của gia đình, người hứa sẽ tìm cho cô bé một công việc ở Dhaka. Cô bé đã được giao cho một người đàn ông đưa cô đến phía Tây Bengal của Ấn Độ, từ đó cô bé bị ép đến một nhà thổ ở Mumbai và bị bán.
Cô bé đã bị bắt làm nô lệ trong hai năm trước khi được cảnh sát giải cứu và đưa cô đến một nơi trú ẩn. Sáu tháng sau, cô bé lại gặp một người phụ nữ hứa rằng sẽ đưa S. trở lại Bangladesh. Nhưng thay vì đưa cô bé về nhà, người phụ nữ đã bán cô bé cho một nhà chứa ở Namkhana, một thị trấn nhỏ ở Tây Bengal. Sau khi được giải cứu thêm một lần nữa, S. đang ở tạm trú để chờ ngày hồi hương.
Anjali 16 tuổi khi cô gặp gỡ người đàn ông đã lôi kéo cô bỏ trốn khỏi nhà ở Siliguri, một thành phố ở bang Tây Bengal của Ấn Độ, với lời hứa kết hôn. Thay vào đó, anh ta và một đồng phạm đã bán cô cho một nhà chứa ở Mahishadal, gần Haldia, một thị trấn công nghiệp. Cô bị ép quan hệ tình dục tới 20 lần một ngày cho đến khi được giải cứu.
Trong một năm rưỡi, cô sống tại Sneha giữa những cô gái mà cô tin rằng hiểu nỗi thống khổ của mình. Thời điểm hiện tại, khi đã trưởng thành, Anjali sống ở nhà với mẹ, người muốn cô ấy kết hôn, nhưng Anjali thề sẽ không yêu ai thêm một lần nữa. “Tôi cảm thấy vô cùng cô đơn”, cô buồn bã.