Dự án “treo” nhiều năm, có dự án đã hơn 30 năm, khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân rơi vào bế tắc vì không được xây sửa, cải tạo.
Phản ánh tới tổ ĐBQH TPHCM - Đơn vị số 1, cử tri Nguyễn Hữu Tín (TP Thủ Đức) đại diện các hộ dân đang sống trong khu vực ảnh hưởng của Dự án quy hoạch Suối Tiên cho biết, dự án này quy hoạch đã mấy chục năm và qua 3 lần gia hạn.
Đến nay, dù thời gian quy hoạch dự án đã hết hạn nhưng cũng chưa được hủy bỏ và “treo” để đó, khiến cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn. Cũng theo ông Tín, đã hai thế hệ người dân tại TP Thủ Đức trong khu vực ảnh hưởng của dự án, không được đáp ứng đầy đủ các quyền lợi về y tế, giáo dục, cư trú chỉ vì vướng mắc vào dự án “treo”. Cực chẳng đã, người dân đã đi khiếu nại tới nhiều cấp nhưng lại bị hướng dẫn qua nhiều sở, ban, ngành khác nhau, nhưng kết quả cuối cùng vẫn không được giải quyết, không có được câu trả lời từ chính quyền.
Tương tự, cử tri Nguyễn Thị Kiều Lam (phường Long Bình, TP Thủ Đức) phản ánh về Dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc tại TP Thủ Đức được quy hoạch từ năm 1998. Khi địa phương thực hiện thu hồi đất nhưng không có quyết định thu hồi nên nhiều người dân không biết đất của gia đình mình nằm trong hay ngoài ranh quy hoạch.
Với dự án tái định cư Long Bửu giai đoạn 2, cử tri Lê Hoàng Ánh (phường Long Bình, TP Thủ Đức) cũng phản ánh, năm 2017, Thanh tra Chính phủ xác định, UBND TPHCM thu hồi đất để phục vụ công tác xây dựng các khu tái định cư cho những hộ dân bị thu hồi đất trong Dự án Khu công nghệ cao. Dù vậy, trước đó UBND quận 9 (nay là UBND TP Thủ Đức) đã thu hồi đất của người dân nhưng không công bố công khai bản đồ quy hoạch thu hồi đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không ban hành quyết định thu hồi đất cho từng hộ gia đình theo quy định,... Đồng thời, người dân cũng phản ánh còn nhiều bất cập liên quan đến công tác giải phóng, bồi thường tại dự án. Do đó, cử tri này đã yêu cầu các cơ quan chức năng xem xét nguồn gốc đất của dự án để bồi thường đúng quy định, tránh gây thiệt thòi cho người dân tại vùng dự án.
Ông Mai Hữu Quyết - Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, hiện nay các phản ánh của cử tri, người dân đối với “siêu dự án” Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP Thủ Đức) cũng đang được TPHCM rất quan tâm giải quyết. Hiện nay, thành phố đã thành lập riêng Ban Chỉ đạo để giải quyết các vấn đề về Thủ Thiêm, trong đó TP Thủ Đức là thành viên. Đồng thời, các cơ chế chính sách đặc thù cũng được áp dụng, các hộ dân trong khu vực ảnh hưởng dự án đồng thuận đều sẽ được giải quyết ngay. Các hộ chưa đồng thuận sẽ được tổng hợp nội dung, báo cáo với Ban Chỉ đạo của TPHCM xem xét, giải quyết tiếp.
Không chỉ tại TP Thủ Đức, ngay trung tâm TPHCM có Dự án khu III - Nam Lý Chiêu Hoàng (quận 6) đã quy hoạch “treo” suốt 20 năm qua. Đến nay mới chỉ hoàn tất thu hồi đất của 57/185 hộ, còn 128 hộ chưa thể thu hồi với diện tích 35.579m2, khiến người dân quận trung tâm TPHCM phải sống trong cảnh tạm bợ, ô nhiễm môi trường suốt nhiều năm.
Đối với dự án khu Mả Lạng tại trung tâm quận 1 và chung cư Ngô Gia Tự tại trung tâm quận 10 đều chung cảnh bị quy hoạch “treo” nhiều năm qua, cũng khiến người dân không thể sửa chữa, xây mới… Tại các dự án này, chính quyền TPHCM đang có kế hoạch thúc tiến độ chỉnh trang, cải tạo. Riêng tại dự án khu phức hợp, trung tâm thương mại trên nền khu Mả Lạng (quận 1) đã bị UBND TPHCM từ chối cho tiếp tục thực hiện do tình trạng dự án sau 16 năm vẫn không triển khai.
Những năm gần đây, HĐND TPHCM đã quyết liệt vào cuộc giám sát về việc thực hiện công tác thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các dự án, trong đó có tâm điểm khoảng 300 dự án “treo”. Kể từ năm 2016 đến nay, HĐND TPHCM đã ban hành nhiều Nghị quyết thông qua công tác thu hồi đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều dự án đã được xếp vào diện rà soát để đưa ra khỏi Nghị quyết vì quá 3 năm đăng ký kế hoạch sử dụng đất nhưng chưa triển khai. Các dự án “treo” tồn tại nhiều năm qua tại TPHCM do nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập về cân đối nguồn vốn ngân sách, tài chính của chủ đầu tư để thực hiện bồi thường và thực hiện dự án; công tác bồi thường còn nhiều khó khăn về phương án, mức giá bồi thường…
Các dự án “treo” hàng chục năm đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích chính đáng về đất đai, xây dựng của người dân, chưa kể các thiệt thòi về phúc lợi giáo dục, y tế suốt nhiều năm qua. Do đó, việc rà soát, thu hồi các dự án “treo” cần phải thực hiện kịp thời để nhanh chóng ổn định cuộc sống người dân tại các vùng quy hoạch “treo”.