Ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhiều lần để không phải đóng BHXH, đáng chú ý toàn bộ 1.261 doanh nghiệp được thanh tra đều có hành vi chậm đóng BHXH, BHYT (nợ đọng, đóng không đúng thời gian quy định) với tổng số nợ BHXH, BHYT (kể cả lãi chậm đóng) của 1.261 doanh nghiệp đến thời điểm thanh tra là 1.440,475 tỷ đồng.
Nan giải nợ đọng tiền BHXH.
Đây là những nội dung đáng chú ý trong Báo cáo tổng hợp kết quả thanh tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT vừa đượcThanh tra Chính phủ công bố.
1.440 tỷ đồng nợ BHXH, BHYT
Theo Thanh tra Chính phủ (TTCP) đến cuối năm 2014 toàn ngành thanh tra đã tiến hành thanh tra 1.261 doanh nghiệp, trong đó đã có 60 địa phương thành lập đoàn thanh tra liên ngành do thanh tra tỉnh chủ trì, thanh tra 1.193 DN, đạt 79,6% kế hoạch. Hầu hết các DN được thanh tra chấp hành quyết định thanh tra, phối hợp với đoàn thanh tra. Tuy nhiên kết quả thanh tra cho thấy, toàn bộ 1.261 DN được thanh tra đều có hành vi chậm đóng BHXH, BHYT với thời gian chậm đóng kéo dài. Tổng số nợ BHXH, BHYT kể cả lãi chậm đóng của 1.261 DN đến thời điểm thanh tra là 1.440,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, đoàn thanh tra của TTCP cũng phát hiện tại 68 doanh nghiệp số tiền nợ đến ngày 31/7/2014 gần 360 tỷ đồng. “Các đoàn thanh tra đã yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nộp số tiền nợ BHXH, BHYT vào tài khoản của BHXH địa phương theo quy định. Tính đến ngày 15/12/2014, các doanh nghiệp đã nộp được tổng số tiền trên 416 tỷ đồng (đạt 28,6%) tổng số nợ” - TTCP cho biết.
Cũng theo tổng hợp của cơ quan thanh tra, các tỉnh, thành phố đều có tình trạng doanh nghiệp đóng không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH, BHYT dưới các hình thức như trốn đóng, đóng thiếu thời gian của người lao động với tổng số 13.584 người (tổng số tiền truy thu gần 67,5 tỷ đồng).
Đủ chiêu trò né trốn đóng BHXH
Đáng chú ý, quá trình thanh tra đã phát hiện nhiều chiêu trò né đóng bảo hiểm cho NLĐ của doanh nghiệp như: không đóng đủ số người thuộc diện tham gia bảo hiểm; trốn đóng, đóng thiếu thời gian của NLĐ. Thậm chí các doanh nghiệp còn dùng chiêu ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng nhiều lần để không phải đóng bảo hiểm cho NLĐ. Qua đó, cơ quan thanh tra yêu cầu truy thu hơn 67 tỷ đồng tiền bảo hiểm của 13.584 người mà các doanh nghiệp trốn đóng.
Cũng theo Báo cáo của TTCP các tỉnh, thành phố còn tồn tại việc doanh nghiệp đóng BHXH, BHYT với mức tiền lương, tiền công của NLĐ thấp hơn mức quy định. Nhiều doanh nghiệp trích tiền lương, tiền công của NLĐ để đóng BHXH, BHYT nhưng chưa đóng hết cho cơ quan BHXH mà chiếm dụng, sử dụng vào mục đích khác, chưa chốt được sổ và trả sổ BHXH cho người lao động đã nghỉ việc, hoặc chuyển làm việc tại đơn vị khác, hoặc đã đủ điều kiện để giải quyết chế độ nghỉ hưu, nghỉ mất sức nhưng chưa được giải quyết chế độ kịp thời, không được hưởng chế độ bảo hiểm khi khám chữa bệnh, nghỉ ốm đau, thai sản, người lao động thất nghiệp nhưng không được hưởng BHTN trong thời gian chưa tìm được việc làm.
Mặc dù vậy, theo Báo cáo kết quả thanh tra của các tỉnh, thành phố, chỉ có 22 địa phương có báo cáo xử phạt vi phạm hành chính đối với 98 doanh nghiệp vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc với số tiền hơn 4 tỷ đồng. “Việc thực hiện chế tài xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH còn thấp, thiếu kiên quyết, chưa đủ sức răn đe là một phần nguyên nhân còn nhiều doanh nghiệp vi phạm”- TTCP đánh giá.
Từ thực trạng trên, TTCP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐTB&XH chủ trì phối hợp với các bộ ngành và BHXH Việt Nam triển khai Luật BHXH mới (có hiệu lực từ 1/1/2016), khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý BHXH; UBND các địa phương tăng cường thực hiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, nâng cao hiệu quả thực hiện thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cưỡng chế thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH. Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam chủ động xây dựng kế hoạch phối hợp kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT trong thời gian tới.
Liên quan tới vấn đề này, đại diện BHXH Việt Nam cũng thừa nhận, thực trạng nợ BHXH, BHYT hiện nay ngày càng đáng báo động và nếu không sớm có biện pháp quyết liệt buộc chủ sử dụng lao động nghiêm túc tuân thủ pháp luật về BHXH thì đến năm 2020 sẽ rất khó đạt được mục tiêu trên 50% số NLĐ tham gia BHXH và trên 80% đối tượng tham gia BHYT.
Hơn 30% số bản án nợ BHXH chưa được thi hành Theo báo cáo từ năm 2010 - 2014, BHXH các tỉnh, thành phố đã khởi kiện 5.376 đơn vị nợ BHXH, trong đó có 1.759 đơn vị đã bị đưa ra xét xử. Tuy nhiên trong số 1.240 vụ án có bản án, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án liên quan đến vi phạm pháp luật về chính sách bảo hiểm, cơ quan thi hành án đã giải quyết được 865 vụ, còn 375 vụ chưa được thi hành án (chiếm 30,2%). Riêng năm 2014, trong số 219 vụ có bản án, quyết định của tòa án chuyển cho cơ quan thi hành án, chỉ có 143 vụ được giải quyết, còn 76 vụ chưa được thi hành án, chiếm 34,7%. |