Nan giải việc di dời các nhà máy sản xuất bê tông

Nguyễn Chung 27/09/2022 06:26

Trong nhiều năm qua, tình trạng các nhà máy sản xuất, trạm trộn bê tông nằm trong lòng TP Ninh Bình gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù, tỉnh Ninh Bình đã có chủ trương di dời các cơ sở này từ năm 2016, thế nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Mặc dù các nhà máy sản xuất, trạm trộn bê tông trong lòng thành phố gây ô nhiễm môi sinh nhưng tỉnh Ninh Bình vẫn chưa thể di dời do có nhiều vướng mắc.

Theo quan sát của chúng tôi, các cơ sở như Trạm trộn bê tông Xuân Trường, Trạm trộn bê tông Xuân Thành quy mô hàng nghìn mét vuông được xây dựng dọc đường Lê Thái Tổ và Công ty TNHH giấy Tiến Dũng, đường Tây Thành (phường Tân Thành), Công ty CP cơ khí lắp máy Lilama (phường Thanh Bình) nằm trong khu dân cư khá đông đúc. Mỗi khi các cơ sở này sản xuất thì khói, bụi hầu như bay vào nhà dân gây ô nhiễm, cùng với đó là tiếng ồn khá lớn từ máy móc đã gây ra hệ lụy đối với đời sống của người dân.

Ông Lê Văn Hùng - một người dân trú tại phường Tân Thành, TP Ninh Bình cho biết: Từ nhiều năm nay, tại các buổi tiếp xúc cử tri, ông cũng như người dân TP Ninh Bình đã nhiều lần đề nghị di dời các cơ sở trên ra khỏi khu vực trung tâm thành phố để đảm bảo vệ sinh, môi trường. Đồng thời, tỉnh cũng đã có nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này. Tuy nhiên, đến nay các cơ sở này vẫn chưa được di dời ra khỏi lòng thành phố. “Là địa phương có ngành du lịch phát triển, việc để tồn tại các cơ sở công nghiệp nặng ngay trong lòng thành phố là điều không nên có. Nó không chỉ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi sinh mà còn làm mất mỹ quan và có tác động tiêu cực không nhỏ đến ngành du lịch của tỉnh! Chúng tôi mong muốn UBND tỉnh sớm triển khai kế hoạch di dời các nhà máy, trạm trộn bê tông đến các khu công nghiệp nằm ngoại vi, nhường không gian cho các ngành dịch vụ, thương mại phát triển” - ông Hùng nói.

Tìm hiểu thêm từ phía chính quyền địa phương, chúng tôi được biết: Liên quan đến vấn đề này, từ trung tuần tháng 5/2020, UBND tỉnh Ninh Bình đã có văn bản số 355/UBND - VP4 về việc di dời các cơ sở sản xuất ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố. Đến ngày 23/3/2021, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản số 172/UBND - VP4, giao Sở Xây dựng tỉnh này chủ trì, phối hợp với Ban quản lý các Khu công nghiệp và các đơn vị liên quan, cùng 4 cơ sở sản xuất trên nghiên cứu, đề xuất các vị trí phù hợp để di chuyển ra khỏi trung tâm thành phố trước ngày 8/5/2021. Tuy nhiên, do nhiều lý do, mọi kế hoạch trên vẫn chưa thể triển khai như chỉ đạo.

Mới đây nhất, để tiếp tục triển khai chỉ đạo của Tỉnh ủy, giải quyết kiến nghị của cử tri, nhằm mở rộng không gian phát triển đô thị, ngày 8/8/2022, UBND tỉnh Ninh Bình tiếp tục có văn bản giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp và rà soát, lựa chọn một số địa điểm phù hợp để giới thiệu cho các doanh nghiệp di dời, đồng thời đề xuất báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình trước ngày 11/9/2022. Trong đó, cân nhắc việc đề xuất điều chỉnh quy hoạch (nếu cần) để đảm bảo hài hòa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Ninh Bình. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp và các đơn vị liên quan đề xuất phương án thực hiện di chuyển các cơ sở sản xuất trên ra khỏi trung tâm TP Ninh Bình theo quy định của pháp luật hiện hành và báo cáo UBND tỉnh Ninh Bình trước ngày 20/9/2022.

Ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình đã thống nhất chủ trương di dời các cơ sở ô nhiễm trên ra khỏi trung tâm TP Ninh Bình từ năm 2016. UBND tỉnh Ninh Bình, các sở, ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều hội nghị và nhiều lần làm việc, đôn đốc, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Ninh Bình về việc di dời cơ sở sản xuất trên ra khỏi trung tâm thành phố. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được do một số nguyên nhân như: Việc tìm kiếm địa điểm di chuyển, sự phối hợp của các sở, ngành, huyện và doanh nghiệp còn chưa thống nhất.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Cao Trường Sơn - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Ninh Bình cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, Sở cũng đã báo cáo lên UBND tỉnh như dự kiến. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là việc tìm và thống nhất địa điểm để di dời đối với các nhà máy sản xuất, trạm trộn bê tông. Làm sao phải vừa đảm bảo được môi trường sinh sống của người dân, vừa đảm bảo được lợi ích của doanh nghiệp. Chúng ta không thể đem một cơ sở gây ô nhiễm chỗ này sang đặt vào một nơi khác để tiếp tục gây ô nhiễm cũng như các địa điểm mới được nhắm tới phải phù hợp với điều kiện sản xuất của doanh nghiệp”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nan giải việc di dời các nhà máy sản xuất bê tông

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO